Phân kỳ chính sách tiền tệ: Các ngân hàng trung ương trên giới có "lối đi riêng"
Đặng Thùy Linh
Junior Analyst
Một số quốc gia đã bắt đầu cắt giảm lãi suất vào năm ngoái, nhưng một số quốc gia khác, bao gồm cả ở châu Âu và Hoa Kỳ, đã áp dụng cách tiếp cận thận trọng hơn.
Hai năm trước, các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới đã tham gia vào cuộc chiến chống lạm phát, khiến lãi suất tăng mạnh và tương đối đồng bộ. Giờ đây, nhiều nhà hoạch định chính sách đang thay đổi hướng đi - nhưng động thái xoay trục chính sách diễn ra không đồng bộ do tốc độ giảm lạm phát khác nhau ở các quốc gia.
Các ngân hàng trung ương ở một số thị trường mới nổi đã bắt đầu cắt giảm lãi suất vào năm ngoái. Các nhà hoạch định chính sách tại châu Âu đã bắt đầu nới lỏng chính sách một cách dần dần và thận trọng vài tháng gần đây. Trường hợp ngoại lệ đáng chú ý nhất là Cục Dự trữ Liên bang - đã giữ lãi suất ở mức đỉnh trong hơn 1 năm và suốt mùa hè. Vào thứ Tư, họ đã quyết định cắt giảm lãi suất "mạnh tay", đây là động thái nới lỏng chính sách đầu tiên kể từ đầu đại dịch.
“Vài tháng trước, chúng ta vẫn còn nghĩ rằng Mỹ là trường hợp đặc biệt”, theo Katharine Neiss, một chuyên gia kinh tế tại PGIM Fixed Income. Bà cho biết thị trường dự đoán rằng khả năng phục hồi của nền kinh tế Hoa Kỳ sẽ khiến lãi suất duy trì ở mức cao trong thời gian dài hơn. “Điều đó đã tạo ra rất nhiều áp lực cho phần còn lại của thế giới”, bà chia sẻ thêm.
Nếu động thái cắt giảm lãi suất của Fed vào thứ Tư có thể đảm bảo nền kinh tế Mỹ hạ cánh mềm - lạm phát hạ nhiệt mà không gây ra suy thoái nghiêm trọng - thì đó thực sự là "tin tốt cho phần còn lại của thế giới", theo bà Neiss. Điều này cũng giúp nới lỏng các điều kiện tài chính toàn cầu và giảm áp lực lên các đồng tiền bị ảnh hưởng bởi sức mạnh của đồng USD.
Chủ đề được quan tâm trên toàn thế giới những ngày gần đây là các ngân hàng trung ương cắt giảm lãi suất khi lạm phát hạ nhiệt, hướng đến mục tiêu của họ và tăng trưởng kinh tế chậm lại. Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách vẫn thận trọng để tránh hành động quá nhanh, dẫn đến lạm phát tăng trở lại.
Ngân hàng Trung ương Canada đã cắt giảm lãi suất ba đợt kể từ tháng 6. Tuần trước, Ngân hàng Trung ương Châu Âu đã cắt giảm lãi suất lần thứ hai trong ba tháng. Ngân hàng Trung ương Anh giữ nguyên lãi suất vào thứ Năm sau khi cắt giảm một đợt vào tháng trước.
Các ngân hàng trung ương ở Na Uy và Thụy Điển dự kiến cũng sẽ giữ nguyên lãi suất tại các cuộc họp vào cuối tháng 9, nhấn mạnh cách tiếp cận thận trọng của họ. Đối với các thị trường mới nổi, ngân hàng trung ương Nam Phi đã cắt giảm lãi suất lần đầu tiên sau 4 năm vào thứ Năm.
Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp ngoại lệ. Nhật Bản đã phản ứng chậm với tình trạng lạm phát gia tăng bằng cách tăng lãi suất vào tháng 7. Nhiều nhà đầu tư cho rằng Ngân hàng Trung ương Nhật Bản có nhiều khả năng sẽ tăng lãi suất một đợt nữa trong tương lai gần. Nigeria đã tăng lãi suất trong năm nay khi lạm phát tăng vọt và, vào cuối ngày thứ Tư, ngân hàng trung ương Brazil đã tăng lãi suất trong bối cảnh lo ngại rằng tăng trưởng kinh tế nhanh hơn có thể gây ra lạm phát.
The New York Times