Phe bán USD có thể khó hưởng lợi từ tính thời vụ cuối năm
Đức Nguyễn
FX Strategist
Xu hướng giảm cuối năm của đồng bạc xanh có thể không giải cứu được phe bán, do những bất ổn kinh tế và địa chính trị hiện nay trên thị trường toàn cầu.
Dòng tiền trong kỳ nghỉ lễ, nhu cầu rủi ro theo mùa và hoạt động chốt sổ sách vào cuối năm thường gây áp lực lên USD, nhưng những tác động tích lũy từ chính sách của Fed và xung đột ở Trung Đông trong năm nay có thể khiến xu hướng này suy yếu.
Chỉ số USD Bloomberg đã giảm vào tháng 12 hàng năm trong 6 năm liên tiếp, với mức giảm trung bình khoảng 1.4%, và bắt đầu suy yếu từ tháng 11 bốn lần. Rổ tiền tệ châu Á so với đồng USD tăng trung bình khoảng 1.2% trong cả tháng 11 và tháng 12.
Theo Vishnu Varathan, trưởng bộ phận kinh tế và chiến lược tại Ngân hàng Mizuho Bank Ltd. ở Singapore, “chênh lệch lợi suất thực, so với 5 năm qua, có lợi cho USD hơn rất nhiều trong khoảng thời gian này, vì vậy triển vọng short USD đã kém hơn phần nào. Nhưng cái rõ ràng nhất là chúng ta đang đối mặt với chính sách thắt chặt chưa từng có” cùng với đó là địa chính trị.
Dữ liệu kinh tế mạnh mẽ của Mỹ vẫn tiếp diễn trong những tháng gần đây và Fed tiếp tục tranh luận về khả năng tăng lãi suất một lần nữa trong năm nay, một động thái có lợi cho đồng bạc xanh. Thị trường đang định giá khoảng 20% khả năng Fed tăng lãi suất vào cuối năm, nhưng lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm đang rất gần 5% sau khi chạm mức cao nhất kể từ năm 2007 vào tuần trước.
USD đã được hưởng lợi từ sức mạnh kinh tế và lợi suất tăng vọt, làm bối rối rất nhiều những người hô bán đồng tiền vào đầu năm. Chỉ số USD Bloomberg đã tăng hơn 2% vào năm 2023, trong khi chỉ số tiền tệ châu Á đã giảm gần 5%.
Theo Wei Liang Chang, chiến lược gia vĩ mô tại DBS, “người ta luôn nói rằng lịch sử thường lặp lại, nhưng tôi nghĩ lần này khó nói hơn một chút. Nếu Trung Quốc ổn định và Fed không phá game, thì FX châu Á có thể cải thiện đôi chút trong tháng 11 và tháng 12.”
Một số chiến lược gia nhận thấy các đồng tiền châu Á sẽ được hỗ trợ nếu sự phục hồi của Trung Quốc cuối cùng cũng có được động lực. Bắc Kinh đã công bố tăng cường viện trợ kinh tế 1 nghìn tỷ nhân dân tệ (137 tỷ USD) trong tuần này. Các đồng tiền cũng sẽ phụ thuộc nhiều vào diễn biến lợi suất của Mỹ.
Theo Mitul Kotecha, trưởng bộ phận chiến lược vĩ mô FX và thị trường mới nổi Châu Á tại Barclays, “nhìn chung, chúng tôi nhận thấy xu hướng suy yếu trên khắp châu Á. Nhưng tôi nghĩ rằng vào cuối năm nay, mọi thứ có thể tốt hơn một chút vì lợi suất Mỹ đã giảm đôi chút, USD đang phải đối mặt với nhiều trở ngại hơn và dữ liệu Trung Quốc đã có cải thiện.”
Đối với ông Varathan, với rất nhiều yếu tố bên ngoài đè nặng lên USD, thật khó để đánh giá liệu lịch sử có phải là kim chỉ nam cho năm nay hay không.
“Bước vào cuối năm, ta phải cẩn thận về việc đánh xuống USD. Chúng ta nên chuẩn bị cho một năm rất trái mùa.”
Bloomberg