"Phi toàn cầu hoá" - rào cản đối với ngành ngân hàng, các nhà hoạch định chính sách nên làm gì?

"Phi toàn cầu hoá" - rào cản đối với ngành ngân hàng, các nhà hoạch định chính sách nên làm gì?

Trần Quốc Khải

Trần Quốc Khải

Junior Editor

14:19 23/10/2024

Trong bối cảnh phi toàn cầu hóa ngày càng gia tăng, dòng vốn toàn cầu và vai trò của các ngân hàng đang đứng trước nhiều thách thức. Các chính sách bảo hộ cùng quy định phân mảnh đang gây áp lực lên hệ thống tài chính, làm gia tăng chi phí vốn và cản trở sự phát triển kinh tế. Để ngăn chặn sự suy yếu của hệ thống này, các nhà hoạch định chính sách cần phối hợp chặt chẽ, tránh dựng lên các rào cản không cần thiết, giúp ngân hàng tiếp tục đóng vai trò là động lực thúc đẩy tăng trưởng và thịnh vượng trên toàn cầu.

Trong suốt 80 năm qua, khi thương mại được toàn cầu hóa, vai trò của các ngân hàng đã phát triển để đáp ứng nhu cầu của khách hàng nhưng về cơ bản vẫn giữ nguyên: cung cấp nguồn vốn tài chính để đảm bảo nền kinh tế thế giới vận hành trơn tru.

Trong bối cảnh phi toàn cầu hóa mang đến những rủi ro mới, việc đảm bảo dòng vốn chảy vào các công ty và cộng đồng địa phương cũng như khu vực là điều quan trọng hơn bao giờ hết để duy trì thịnh vượng trong tương lai. Tuy nhiên, các quy định phân tán và thường gây gánh nặng đang đe dọa làm suy yếu, nếu không muốn nói là gây bất ổn, cho hệ thống tài chính toàn cầu.

Các thị trường vận hành dựa trên giả định rằng dòng vốn toàn cầu sẽ ngày càng lưu chuyển dễ dàng hơn. Đây chính là nền tảng cho sự phát triển của nền kinh tế thế giới sau Thế chiến thứ hai, thúc đẩy tăng trưởng, đổi mới và nâng cao mức sống.

Nhưng hiện nay, động lực đó đang bị đảo ngược. Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã khiến dòng chảy hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và lao động suy giảm.

Không chỉ các đối thủ địa chính trị mới bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa dân tộc kinh tế gia tăng. Hãy xem xét phản ứng chính trị ở Đức và Ý trước khả năng Ngân hàng Commerzbank bị UniCredit mua lại, hay sự phản đối lưỡng đảng ở Mỹ đối với kế hoạch Nippon Steel của Nhật Bản nhằm mua lại US Steel.

Những biện pháp bảo hộ này phản ánh tâm lý ngày càng lớn cho rằng các lợi ích quốc gia nên được ưu tiên hơn sự hợp tác toàn cầu, nhưng trên thực tế, chúng dẫn đến việc bỏ lỡ những cơ hội đổi mới và tăng trưởng.

Trong bối cảnh này, tất cả các bên đều chịu thiệt hại. Khi chủ nghĩa bảo hộ gia tăng, dòng vốn cần thiết để các khu vực phát triển hòa bình bị chặn đứng. Hậu quả là một hệ thống tài chính bị phân mảnh hơn, với chi phí vốn cao hơn cho người đi vay, từ đó ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh, việc làm, giá cả tiêu dùng và sự thịnh vượng của các hộ gia đình.

Các thị trường mới nổi kết nối sâu rộng nhất sẽ chịu tác động đặc biệt nghiêm trọng. Hệ lụy của sự phân mảnh này không chỉ dừng lại ở kinh tế mà còn ảnh hưởng đến sự ổn định xã hội và quan hệ quốc tế.

Để ngăn chặn tình hình trở nên tồi tệ hơn, các nhà hoạch định chính sách và cơ quan quản lý tài chính trên toàn thế giới cần có cách tiếp cận phối hợp nhằm đảm bảo các ngân hàng có thể hoạt động hiệu quả. Mặc dù có những lo ngại về các yếu tố của quy tắc Basel III về vốn ngân hàng, nhưng việc áp dụng những cải cách này hiện nay lại diễn ra thiếu đồng bộ, với từng khu vực tự vạch ra con đường riêng.

Sự thiếu gắn kết này tạo ra những bất cập và lỗ hổng trong hệ thống tài chính toàn cầu, đồng thời bóp méo sự cạnh tranh. Điều này cũng tạo cơ hội cho sự chênh lệch trong quy định, có thể tạo ra những nguy cơ mới và khó lường, chẳng hạn như sự mở rộng không kiểm soát của hoạt động ngân hàng ngầm.

Nhu cầu về các ngân hàng mạnh và được quản lý tốt, có khả năng đóng vai trò là động lực tạo ra tín dụng trong cộng đồng địa phương, không nên đánh đổi bằng việc kìm hãm sự phát triển của các tổ chức kết nối toàn cầu và có tính cạnh tranh.

Hơn nữa, cách tiếp cận phân mảnh trong việc xây dựng quy tắc có thể gây tổn hại đặc biệt nghiêm trọng vào thời điểm nhiều ngân hàng cần tái cấu trúc hoạt động và đầu tư để đảm bảo sự tồn tại trong tương lai.

Ví dụ, ngành tài chính sẽ phải đối mặt với các rủi ro ngày càng tăng về an ninh mạng - chưa kể đến sự gián đoạn tiềm ẩn do trí tuệ nhân tạo gây ra - và đóng vai trò trong việc hỗ trợ tài chính cho khoản đầu tư khoảng 3.5 nghìn tỷ USD mỗi năm cần thiết để chuyển đổi nền kinh tế toàn cầu sang mức phát thải ròng bằng không vào năm 2050.

Ngành ngân hàng phải điều hướng những thách thức phức tạp này trong khi vẫn duy trì vai trò nền tảng của mình trong việc thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế. Đáng tiếc thay, tình trạng phân mảnh có vẻ sẽ trở nên tồi tệ hơn.

Trong một cuộc khảo sát gần đây của UBS, gần như tất cả các thống đốc NHTW toàn cầu đều cho rằng thế giới đang tiến tới một hệ thống đa cực hơn. Chỉ một phần ba cho rằng kiến trúc tài chính quốc tế đủ khả năng chống chịu để vượt qua những thách thức hiện tại nếu không có cải cách. Họ cũng dự đoán rằng một trong những kết quả có thể xảy ra từ cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sẽ là sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ toàn cầu.

Thế giới đang bước vào một giai đoạn phi toàn cầu hóa kéo dài - một giai đoạn mà vài thập kỷ tới sẽ rất khác so với những thập kỷ đã định hình các nhà lãnh đạo doanh nghiệp hiện nay.

Mặc dù vai trò quan trọng của ngân hàng vẫn không thay đổi, nhưng các rào cản đang dần được thiết lập ở khắp mọi nơi. Điều quan trọng là các nhà hoạch định chính sách không “dựng rào chắn” ở những nơi không phù hợp, để các ngân hàng có thể tiếp tục đóng vai trò là chất xúc tác cho tăng trưởng, đổi mới và thịnh vượng không chỉ trong thị trường nội địa mà còn trên toàn thế giới.

Financial Times

Broker listing

Cùng chuyên mục

Trump liệu có ''dễ tính'' hơn so với những cố vấn của ông trong các vấn đề về liên quan tới Trung Quốc?
Huyền Trần

Huyền Trần

Junior Analyst

Trump liệu có ''dễ tính'' hơn so với những cố vấn của ông trong các vấn đề về liên quan tới Trung Quốc?

Tổng thống đắc cử Donald Trump đã chọn các cố vấn và nhân vật chủ chốt có lập trường cứng rắn với Trung Quốc, trong khi vẫn duy trì một chiến lược thương mại mềm mỏng hơn để không làm ảnh hưởng đến thị trường. Tuy nhiên, cách ông Trump đối phó với Trung Quốc sẽ phụ thuộc vào sự tương tác với ông Tập Cận Bình và các yếu tố kinh tế, chính trị toàn cầu.
Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ