Quan chức ECB thúc giục chấm dứt tái đầu tư trái phiếu
Đức Nguyễn
FX Strategist
Thành viên Hội đồng Thống đốc Ngân hàng Trung ương Châu Âu Pierre Wunsch cho biết các quan chức nên xem xét việc bắt đầu cho đáo hạn 1.7 nghìn tỷ EUR (1.8 nghìn tỷ USD) trái phiếu được mua trong thời kỳ đại dịch – bất chấp lợi suất trái phiếu Ý tăng mạnh gần đây.
Mặc dù ECB cho biết họ sẽ tái đầu tư toàn bộ trái phiếu đáo hạn từ chương trình PEPP cho đến cuối năm 2024, nhưng “tôi không nghĩ có lý do chính đáng gì để làm điều đó lúc này.”
“Tôi ủng hộ ít nhất là mở lại thảo luận. Ta cần nghĩ về một thế giới nơi ta sẽ ngừng tái đầu tư PEPP.”
Ông Wunsch cũng chỉ ra rằng việc lợi suất Ý tăng sẽ không ảnh hưởng lớn đến các cuộc thảo luận.
“Tôi không muốn rơi vào tình huống dừng lại sớm hoặc muộn hơn một chút sẽ tạo ra sự khác biệt lớn, bởi vì điều đó có nghĩa là ta đang gặp vấn đề.”
Ý đã trở thành tâm điểm kể từ khi kế hoạch ngân sách của thủ tướng Giorgia Meloni được công bố, mà Fitch Ratings mô tả là một kế hoạch “nới lỏng đáng kể,” ngay sau khi nỗ lực đánh thuế ngân hàng của họ thất bại.
Thống đốc ngân hàng trung ương Ireland Gabriel Makhlouf cũng cho biết rằng đánh giá của các nhà đầu tư về Ý là điều ECB sẽ tập trung vào.
Về lạm phát, ông Wunsch cho biết “rất nhẹ nhõm” khi giá cả tiêu dùng hiện đang giảm xuống phù hợp với các dự báo kinh tế gần đây từ ECB.
“Nếu ta tiếp tục thấy số liệu lạm phát phù hợp với dự báo, ta không cần tăng lãi suất ữa. Nếu lạm phát cao hơn dự báo đáng kể, có lẽ ta sẽ cần tăng lãi suất thêm.
Khi nói về khả năng hạ lãi suất trong những tháng tới, ông cho biết điều đó cần nhiều thứ hơn là chỉ kiểm soát lạm phát.
“Tôi không nói rằng chúng ta cần đợi đến năm 2025 mới nới lỏng. Nhưng tôi đang nói rằng, nếu có nhiều báo cáo lạm phát kém kỳ vọng, điều đó không có nghĩa là ta phải cắt giảm sớm.”
Theo ông, việc xác định thời điểm thích hợp để hạ lãi suất là “khó khăn”. “Nhưng nếu bạn đang ở mức lạm phát 3.5% và lãi suất ở mức 4%, thì điều kiện không quá thắt chặt.”
Bloomberg