Quan chức ECB Villeroy: ECB nên cắt giảm dần thay vì hành động quá muộn
Bùi Thu Phương
Junior Analyst
Thành viên Hội đồng Thống đốc Francois Villeroy de Galhau cho biết ECB không nên chờ đợi quá lâu để bắt đầu cắt giảm lãi suất vì ngân hàng có thể linh hoạt về tốc độ và quy mô nới lỏng chính sách tiền tệ sau lần cắt giảm đầu tiên.
Thống đốc Ngân hàng trung ương Pháp cho biết, nói rằng có vẻ như đã chắc chắn rằng ECB sẽ cắt giảm lãi suất vào một thời điểm nào đó trong năm nay và đồng thời cho biết rằng rủi ro của việc hành động quá muộn “ít nhất” cũng tồn tại ngang bằng rủi ro của việc hành động quá sớm. Trong một cuộc phỏng vấn với tờ báo L'Echo của Bỉ, ông cho biết ngân hàng trung ương có ba mức độ linh hoạt: giảm lãi suất khi nào, giảm nhanh như thế nào và giảm đến mức nào.
Villeroy nói: “Việc có ba mức độ linh hoạt này là một lý do để không trì hoãn quá lâu việc cắt giảm lãi suất. Đây không phải là vấn đề vội vàng, nhưng hành động một cách từ từ và thực tế có thể được ưu tiên hơn là quyết định quá muộn rồi sau đó phải điều chỉnh quá mức.”
Nhận xét này được đưa ra khi các nhà hoạch định chính sách của ECB bắt đầu thảo luận về thời điểm thích hợp mà họ có thể bắt đầu cắt giảm sau khoảng thời gian thắt chặt chính sách tiền tệ đưa lãi suất lên mức cao. Các quan chức tại Frankfurt đang phân vân giữa việc cắt giảm lãi suất lần đầu tiên vào tháng 4 hoặc tháng 6, mặc dù đa số đã ủng hộ thời điểm muộn hơn vì họ muốn hiểu rõ hơn về diễn biến tiền lương và lợi nhuận doanh nghiệp ở EU.
Villeroy từ chối đưa ra bất kỳ định hướng cụ thể nào về thời gian, trước đó ông đã nói rằng mọi thứ đều để ngỏ cho các cuộc họp trong tương lai.
Thị trường vào thứ Năm đã tăng mức đặt cược vào khả năng cắt giảm lãi suất và kỳ vọng cao về 5 lần cắt giảm với 25bps/lần thay vì 4 lần, với lần cắt giảm đầu tiên sẽ diễn ra vào tháng 6.
Chủ tịch ECB Christine Lagarde trong tuần này đã bày tỏ một thái độ thận trọng về thời điểm các đợt cắt giảm lãi suất có thể xảy ra, nói rằng tiền lương đang trở thành một yếu tố thúc đẩy lạm phát tăng.
Lagarde cho biết tại phiên điều trần của Nghị viện Châu Âu vào thứ Năm: “Điều cuối cùng mà bà không muốn thấy là ECB đưa ra quyết định vội vàng để rồi lạm phát tăng trở lại và phải thực hiện thêm nhiều biện pháp hơn”.
Villeroy cho biết dữ liệu về tiền lương là hữu ích nhưng đi kèm độ trễ và các nhà hoạch định chính sách cũng nên xem xét các dữ liệu trong tương lai hơn. Ở Pháp, ông cho biết việc tăng lương danh nghĩa đang chậm lại.
Thống đốc cho biết rằng một khi ECB tự tin đạt mục tiêu lạm phát 2% vào năm 2025, họ cũng nên chọn một lộ trình cắt giảm lãi suất ít gây tổn hại nhất đến hoạt động kinh tế.
Ông cũng nói rằng việc thực hiện những bước cuối cùng để đạt được mục tiêu đó không nhất thiết sẽ gặp nhiều khó khăn hơn so với nỗ lực đã thực hiện để kiềm chế lạm phát trước đây.
Villeroy nói: “Tôi không nghĩ rằng quãng đường cuối cùng sẽ khó khăn hơn. Nhìn chung xu hướng sẽ là thiểu phát.”
Bloomberg