Quan chức phụ trách can thiệp tiền tệ Atsushi Mimura: Đồng Yên yếu, "lợi bất cập hại"
Trần Phương Thảo
Junior Analyst
Theo quan chức ngoại hối hàng đầu mới được bổ nhiệm của Nhật Bản, sự suy yếu gần đây của đồng Yên gây hại nhiều hơn là có lợi cho nền kinh tế Nhật Bản. Ông cũng nêu ra rằng sự can thiệp là một trong những biện pháp có thể áp dụng để chống lại tình trạng đầu cơ đang gây sức ép quá mức lên đồng nội tệ
“Mặc dù việc đồng Yên suy yếu gần đây có cả ưu điểm và nhược điểm, nhưng nhược điểm đang lấn át hơn”, Atsushi Mimura, Thứ trưởng Tài chính phụ trách các vấn đề quốc tế, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg hôm thứ Hai. Ông đã nêu bật tác động của giá năng lượng và thực phẩm tăng đối với người tiêu dùng và nhà nhập khẩu trong số những nhược điểm của việc đồng Yên yếu.
Mimura được lựa chọn để thay thế cho Masato Kanda trong nhiệm vụ quản lý chính sách tiền tệ của quốc gia. Kanda đã phụ trách hành động của chính phủ nhằm hỗ trợ đồng Yên lần đầu tiên sau khoảng một phần tư thế kỷ, khi khoảng cách lớn giữa lãi suất của Hoa Kỳ và Nhật Bản đã đẩy USDJPY chạm đỉnh trong nhiều thập kỷ.
Ông bắt đầu công việc của mình trước thềm cuộc họp tháng 7 của BoJ. USDJPY giảm mạnh kể từ lần can thiệp gần đây nhất bị nghi ngờ của Tokyo vào đầu tháng này, và kỳ vọng về khả năng tăng lãi suất tại cuộc họp là một trong những yếu tố hỗ trợ đồng Yên.
Hành động sẽ được thực hiện “nếu thực sự cần thiết, sau khi xem xét toàn diện từ nhiều góc độ”, Mimura cho biết. Ông đã nhắc đến thỏa thuận của G20 rằng sự biến động quá mức và hỗn loạn của tỷ giá hối đoái có thể tác động tiêu cực đến sự ổn định kinh tế và tài chính. Các quốc gia đã tái khẳng định cam kết về chính sách tiền tệ của mình vào tuần trước khi có cuộc họp tại Brazil.
Mimura cũng ám chỉ rằng ông có thể tiếp tục chiến lược của người tiền nhiệm là khiến các nhà đầu tư phải đoán già đoán non về thời điểm Nhật Bản sẽ can thiệp vào thị trường để hỗ trợ đồng Yên.
Nhật Bản cho biết họ đã chi kỷ lục 9.8 nghìn tỷ JPY (63 tỷ USD) để can thiệp tiền tệ vào tháng 5. Kể từ đó, Tokyo được cho là đã can thiệp vào thị trường thêm hai lần nữa, với việc tiết lộ chính thức về số tiền đã chi dự kiến xuất hiện vào thứ Tư sau nhiều tuần không có bình luận.
Mimura cho biết "Khả năng dự đoán là quan trọng trong một số trường hợp, trong khi ở những trường hợp khác, việc không thể đoán trước là hợp lý".
USDJPY đã có lúc chạm đỉnh trong nhiều thập kỷ
Mặc dù chủ yếu được biết đến là viên chức tiền tệ hàng đầu, vai trò của Mimura cũng chịu trách nhiệm giám sát một loạt các hoạt động quốc tế trong bộ. Mimura cho biết ông hy vọng sẽ tăng cường giao tiếp giữa các cơ quan, bao gồm cả cơ quan tài chính, có nhiệm vụ thúc đẩy việc bán trái phiếu chính phủ cho các nhà đầu tư nước ngoài.
BoJ sẽ công bố kế hoạch giảm lượng mua trái phiếu tại cuộc họp vào thứ Tư. Do ngân hàng trung ương hiện nắm giữ hơn 50% trái phiếu chính phủ Nhật Bản đã phát hành, nên chính phủ cần tìm những người mua khác để lấp đầy khoảng trống. Tháng trước, bộ cho biết các nhà đầu tư nước ngoài có thể nằm trong số các ứng cử viên.
Mimura cũng cho biết hợp tác quốc tế, chính sách phát triển và an ninh kinh tế là ba vấn đề chính đối với vai trò của ông. Trong khi các cuộc họp cấp cao bao gồm G20 ngày càng gặp khó khăn trong việc đạt được thỏa thuận, Mimura cho biết bản thân các cuộc họp vẫn có ý nghĩa quan trọng.
Mimura cho biết: "Hợp tác quốc tế không chỉ là chia sẻ ý tưởng và hòa thuận. Việc gặp gỡ và thảo luận về lập trường của nhau cũng rất có ý nghĩa, bao gồm cả các quốc gia có cách suy nghĩ khác nhau, và việc có một kênh để chia sẻ quan điểm là rất quan trọng".
Bloomberg