Quan điểm Kathy Lien 11/12: Euro có thể tăng bao nhiêu sau thông báo chính sách tiền tệ của ECB?
Trần Linh Phương
FX Trader
EUR tiếp tục tăng so với USD sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu tăng quy mô chương trình mua tài sản vào thứ Năm.
Như ECB đã ra tín hiệu về kế hoạch nới lỏng từ tháng 10, quyết định chính sách của ngày hôm qua đã được nhiều người dự đoán. Trong ghi chú ngày hôm qua, chúng tôi đã lập luận rằng trừ khi họ hành động mạnh mẽ một cách cực đoan, thì EUR/USD có thể chứng kiến sự phục hồi sau quyết định chính sách của ECB.
EUR/USD giao dịch ở mức cao hơn nhưng mức tăng rất khiêm tốn, phản ánh tình trạng "quá mua" của đồng tiền này. Ngân hàng trung ương đã tăng Chương trình Mua tài sản Khẩn cấp Đại dịch của họ thêm 500 tỷ EUR, ngay giữa mức ước tính từ 400 đến 600 tỷ EUR của thị trường. Họ cũng nới rộng thời hạn chương trình từ giữa năm 2021 đến tháng 3/2022. Hầu hết các nhà theo dõi thị trường đã dự báo thời gian gia hạn đến cuối năm 2021 và có thể là năm 2022. Họ cũng hạ dự báo tăng trưởng cho năm 2021 nhưng tăng dự báo cho năm 2020 và 2022. Về lạm phát, họ cắt giảm dự báo cho năm nay và 2022. Những điều chỉnh nhỏ nhưng quan trọng này cho chúng ta biết rằng quan điểm của ECB đã bớt bi quan hơn nhưng vẫn có kế hoạch giữ chính sách tiền tệ nới lỏng trong một thời gian rất dài. Điều này đặc biệt đúng với nhận xét của Chủ tịch ECB Lagarde rằng họ có thể không cần sử dụng toàn bộ hạn mức chương trình PEPP (Chương trình thu mua tài sản khẩn cấp ứng phó dịch Covid-19).
Tỷ giá EUR/USD đã phá vỡ chuỗi giảm 4 ngày để có lúc tăng lên mức 1.2159, ngay dưới mức Fibo thoái lui 50% của nhịp giảm từ tháng 5/2014 đến tháng 1/2017. Nếu nó bứt phá lên trên 1.2170, điểm dừng tiếp theo có thể là mức đỉnh tháng 4/2018 ở 1.2414. Giữa sự lạc quan từ thông báo của ECB, các dữ liệu kinh tế tốt hơn dự báo, số ca Covid-19 giảm dần và sự suy yếu của đồng USD trên diện rộng, EUR/USD có nhiều yếu tố cơ bản hỗ trợ để nới rộng đà tăng.
Trong khi đó, các nhà đầu tư tiếp tục bán ra USD khi số đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần tăng lên 853,000. Đây là mức cao nhất kể từ ngày 19/9 và phản ánh ảnh hưởng của các đợt phong tỏa gần đây. Chỉ số giá tiêu dùng tăng 0.2%, cao hơn dự kiến nhưng như chúng tôi đã lưu ý, lạm phát rất thấp và mức tăng nhỏ sẽ không ảnh hưởng đến chính sách của Cục Dự trữ Liên bang (Fed). Chỉ số giá sản xuất và chỉ số tâm lý người tiêu dùng của Đại học Michigan sẽ được công bố vào hôm nay. Sự gia tăng số trường hợp nhiễm Covid-19 có thể làm suy yếu tâm lý rủi ro nhưng bất kỳ sự suy giảm nào có thể là không đáng kể khi xem xét tin tức tích cực về vắc-xin.
Đồng Bảng Anh bị bán tháo mạnh sau khi bữa tối giữa Thủ tướng Johnson và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Von der Leyen kết thúc mà không có diễn biến gì đáng kể. Cả hai bên sẽ tiếp tục nói chuyện vào cuối tuần này nhưng mọi người đang chuẩn bị cho một Brexit không có thỏa thuận (Hard-Brexit). Hôm thứ Năm, Thủ tướng Johnson cho biết khả năng lớn là các cuộc đàm phán sẽ thất bại, trong khi Liên minh châu Âu cũng đang chuẩn bị cho các kịch bản tương tự. Vẫn có hy vọng rằng một thỏa thuận có thể được thực hiện trước cuối năm nay nhưng kịch bản này đang dần mờ đi từng ngày.
Cả 3 đồng tiền hàng hóa đều tăng cao hơn. New Zealand đã công bố PMI sản xuất mạnh mẽ vào thứ Năm. Chỉ số này đã tăng từ 51.7 lên 55.3, mức cao nhất kể từ tháng 7. Không có dữ liệu nào được công bố từ Canada nhưng sự hưng phấn trên thị trường chứng khoán và sự suy yếu tổng thể của đồng USD đã khiến CAD và AUD tăng cao hơn.