Quan điểm Kathy Lien 17/3: Liệu Powell có giữ vững giọng điệu "Dovish" trong cuộc họp đêm nay?
Tùng Trịnh
CEO
Thông báo chính sách tiền tệ của FOMC rạng sáng thứ Năm sẽ là sự kiện quan trọng nhất trong tuần này. Trong cuộc họp, Fed sẽ cập nhật các dự báo kinh tế và triển vọng lãi suất. Sau đó, chủ tịch Jerome Powell sẽ tổ chức cuộc họp báo như thường lệ, và chắc chắn ông sẽ được đặt câu hỏi về lợi suất trái phiếu.
Bất chấp doanh số bán lẻ tháng 2 tiêu cực, đô la Mỹ vẫn củng cố đà phục hồi trước thềm cuộc họp. Đồng bạc xanh đã tránh được thiệt hại so với hầu hết các đồng tiền chính. Doanh số bán lẻ giảm 3% trong tháng 2, thấp hơn đáng kể so với mức giảm 0.5% dự báo. Không tính doanh số ô tô, chi tiêu giảm 2.7%, cũng tệ hơn dự đoán. Tuy nhiên, những con số này không làm tổn hại đến đồng đô la Mỹ vì số liệu bán lẻ tháng 1 đã được điều chỉnh cao hơn và trên cơ sở điều chỉnh theo mùa, chi tiêu vẫn tăng mạnh bất chấp những cơn bão mùa đông. Ngoài ra, khi những khoản tiền hỗ trợ sẵn sàng chuyển tới người dân Mỹ vào đầu tuần tới, nhiều nhà đầu tư đang mong đợi doanh số bán lẻ tăng mạnh hơn trong nửa cuối tháng 3 và tháng 4.
Có ba câu hỏi chính cho Fed vào đêm nay:
1. Dự báo GDP và lạm phát sẽ thay đổi như thế nào?
2. Biểu đồ Dot Plot có báo hiệu một đợt tăng lãi suất vào năm 2022 không?
3. Liệu Powell vẫn coi sự gia tăng lạm phát chỉ là tạm thời và sự tăng vọt của lợi suất trái phiếu chính phủ gần đây không phải là vấn đề?
Điều khiến cuộc họp FOMC tháng này trở nên quan trọng là có thể có những biến động lớn với thị trường tiền tệ, trái phiếu kho bạc và cổ phiếu bất kể Powell nói gì. Powell đã nói rõ trong các bình luận gần đây rằngông không lo lắng. Nhưng các nhà hoạch định chính sách của Hoa Kỳ có thể giữ được bình tĩnh trong bao lâu nếu lợi suất tiếp tục tăng cao hơn? Trong tháng qua, ông đã đánh giá thấp sự gia tăng của lạm phát và lợi suất TPCP. Nếu tiếp tục làm như vậy, về cơ bản, Powell sẽ bật đèn xanh hoặc xác nhận các con số này sẽ tăng thêm, và điều này sẽ tích cực cho đồng đô la Mỹ. Tuy nhiên, nếu ông bắt đầu đồng quan điểm với ECB về mối lo ngại lạm phát, hoặc quyết định chuyển sang mua trái phiếu kỳ hạn dài hơn, điều này sẽ ảnh hưởng đến lãi suất thế chấp, lợi suất và đồng đô la Mỹ có thể giảm nhanh chóng.
Đồng đô la Canada tăng lên mức cao nhất trong ba năm trở lại đây so với đồng bạc xanh mặc dù giá dầu giảm. Doanh số bán lẻ của Hoa Kỳ yếu hơn đã góp phần vào động thái này cùng với kỳ vọng về dữ liệu kinh tế tích cực hơn của Canada. Số liệu lạm phát và doanh số bán lẻ sẽ được công bố trong tuần này. Tháng Hai là một tháng tốt hơn đối với Canada, và trong khi chỉ số IVEY PMI cho thấy áp lực giá cả nhẹ nhàng hơn, sự gia tăng giá hàng hóa dự kiến sẽ đẩy CPI cao hơn. Các nhà kinh tế đang tìm kiếm mức tăng khiêm tốn 0.7% trong tháng trước so với 0.6% trong tháng Giêng. Trên cơ sở year-to-year, CPI vẫn sẽ ở mức thấp hơn 2%, do đó áp lực giá cả tăng không phải là vấn đề lớn đối với BoC.
Đầu phiên Mỹ hôm qua, đồng euro đã giao dịch mạnh mẽ nhờ vào cuộc khảo sát của ZEW cho thấy tâm lý ổn định. Tuy nhiên vào cuối ngày, EUR/USD đã quay đầu giảm. Khu vực này vẫn còn sa lầy trong việc triển khai vắc-xin chậm, và ECB thể hiện quan điểm "dovish" hơn khi đẩy nhanh việc mua tài sản để giữ lợi suất trái phiếu.
Đồng đô la Úc vẫn chịu áp lực sau khi biên bản RBA tiết lộ ngân hàng trung ương này cam kết duy trì chính sách nới lỏng trong một thời gian. RBA không có kế hoạch thắt chặt chính sách tiền tệ cho đến khi lạm phát ổn định trong khoảng từ 2 đến 3%.
Kathy Lien