Quỹ ETF Nhật Bản chao đảo: Dòng tiền tháo chạy khi "canh bạc Yên" sụp đổ
Ngọc Lan
Junior Editor
Các nhà đầu tư - bị chấn động bởi sự sụp đổ của chiến lược carry trade đồng Yên - đã ồ ạt rút vốn khỏi một quỹ ETF tập trung vào cổ phiếu Nhật Bản. Đặc biệt, quỹ này được thiết kế để loại trừ ảnh hưởng từ biến động tiền tệ của quốc gia này.
Quỹ WisdomTree Japan Hedged Equity Fund (mã DXJ) chứng kiến dòng tiền rút ra hơn 400 triệu USD trong tuần trước, mức cao nhất kể từ năm 2018, theo dữ liệu của Bloomberg. Đồng thời, tỷ lệ short trên tổng số cổ phiếu đang lưu hành của quỹ ETF này đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 5, theo số liệu từ IHS Markit Ltd.
Quỹ này - vốn đầu tư vào cổ phiếu Nhật Bản đồng thời phòng ngừa rủi ro từ sự suy yếu của đồng Yên - đã tăng trưởng suốt cả năm, hưởng lợi từ lãi suất cực thấp tại quốc gia này. Tuy nhiên, mọi thứ đã bị đảo lộn trong những ngày gần đây khi BoJ gây biến động thị trường bằng một đợt tăng lãi suất bất ngờ, dẫn đến sự tăng giá của đồng Yên so với hầu hết các đồng tiền chính và sự sụt giảm mạnh của cổ phiếu Nhật Bản. Điều này gây tổn thất nặng nề cho các nhà đầu tư đã vay tiền bằng đồng Yên để mua các tài sản có lợi suất cao hơn ở nơi khác, một chiến lược được gọi là carry trade.
"Có hai yếu tố đang diễn ra cùng lúc. Thứ nhất là sự sụt giảm mạnh của thị trường chứng khoán Nhật Bản, tạo ra áp lực bán lớn. Thứ hai, nếu đồng Yên tiếp tục mạnh lên, điều này khiến quỹ ETF DXJ kém hấp dẫn hơn vì nhu cầu phòng ngừa rủi ro tỷ giá giảm đi," Todd Sohn, chuyên gia chiến lược ETF tại Strategas nhận định.
Quỹ ETF phòng hộ Yên Nhật chứng kiến dòng tiền rút ra lớn nhất trong tuần nhất kể từ 2018
Vào cuối tháng 7, BoJ đã tăng lãi suất cơ bản và công bố kế hoạch giảm một nửa lượng trái phiếu mua vào, khiến đồng Yên tăng giá. Chỉ khoảng một phần ba các chuyên gia theo dõi BoJ dự đoán việc tăng lãi suất là kịch bản cơ sở. Tuy nhiên, động thái này cho thấy quyết tâm của BoJ trong việc tiến hành bình thường hóa chính sách sau nhiều năm theo đuổi chính sách siêu nới lỏng.
Quy mô thực sự của hoạt động đầu cơ chênh lệch tỷ giá vẫn là chủ đề gây tranh cãi - các ước tính dao động từ vài chục tỷ USD đến hàng nghìn tỷ USD. Giữa cơn bão tài chính này, quỹ DXJ đã chứng kiến mức sụt giảm 10% kể từ cuối tháng 7. Làn sóng rút vốn trong tuần vừa qua đang đưa quỹ này tiến gần đến tháng có dòng tiền rút ra mạnh nhất kể từ tháng 12 năm 2018. Tuy nhiên, điểm sáng là tính từ đầu năm đến nay, quỹ vẫn duy trì được mức tăng trưởng dương về mặt dòng tiền vào.
"Tác động này đơn giản là do việc đồng Yên mạnh lên sẽ bất lợi cho cổ phiếu Nhật Bản - từ đó ảnh hưởng đến lợi nhuận và thị phần tiềm năng," Mark McCormick, Giám đốc toàn cầu về chiến lược ngoại hối và thị trường mới nổi tại TD Securities giải thích. "Hơn nữa, vị thế đầu tư và dòng tiền có thể làm cho tình hình trở nên trầm trọng hơn. Cổ phiếu Nhật Bản đã hoạt động vượt trội trong một thời gian dài, phần lớn nhờ vào môi trường chính sách tại Nhật: đồng yên yếu, lãi suất thực thấp và chính sách thả nổi trước áp lực lạm phát cao. Giờ đây, khi những điều kiện này thay đổi, phản ứng của thị trường có thể sẽ mạnh mẽ hơn dự kiến."
Bloomberg