[Series Chiến thuật Giao dịch của Quang Sơn] Hedging - liều thuốc an thần giúp trader ngon giấc.
Trong quá trình giao dịch hoặc đồng hành cùng những bản tin rất tâm huyết của đội ngũ dubaotiente.com, chắc hẳn bạn đã nghe nói về hành động phòng ngừa/bảo hiểm rủi ro (hedge) của các nhà giao dịch trên thị trường. Vậy Hedging là gì và chúng ta có thể áp dụng nó vào giao dịch như thế nào, chúng ta sẽ cùng bàn luận trong bài viết này nhé!
Hedging là gì?
Hedging là một cách để bảo vệ một khoản đầu tư khỏi những thua lỗ. Chiến lược được sử dụng để phòng hộ khỏi những biến động giá bất lợi vượt mức của những vị thế mà nhà đầu tư đang nắm giữ. Nó cũng có thể được sử dụng để bảo vệ khoản đầu tư khỏi sự biến động của tỷ giá hối đoái khi một tài sản được định giá bằng loại tiền khác với tiền của bạn.
Khi các nhà giao dịch nói về Hedging, ý tưởng đó có nghĩa là họ muốn hạn chế thua lỗ nhưng vẫn giữ lại tiềm năng lợi nhuận của khoản đầu tư. Tất nhiên, một kết quả lý tưởng hóa như vậy luôn đi kèm theo cái giá của nó.
Đối với các chiến thuật Hedging, chúng ta cần luôn ghi nhớ hai nguyên tắc vàng sau đây:
- Hedging luôn luôn có cái giá của nó. Phòng hộ có thể giúp bạn an tâm ngon giấc. Nhưng sự an tâm này phải trả giá. Một chiến lược phòng ngừa rủi ro sẽ có chi phí trực tiếp. Nhưng nó cũng có thể có chi phí gián tiếp ở chỗ chính việc Hedging sẽ hạn chế lợi nhuận của bạn.
- Không có phương pháp Hedging nào là hoàn hảo, hãy nhớ rằng cách phòng ngừa rủi ro chắc chắn nhất đó là không có vị thế trên thị trường !
Hedging để phòng ngừa rủi ro tỷ giá.
Hình thức cơ bản nhất của Hedging trên thị trường FX đó là khi một nhà đầu tư muốn loại trừ rủi ro về mặt tỷ giá đối với khoản đầu tư của họ. Ví dụ một nhà đầu tư tại Mỹ muốn mua một loại cổ phiếu của Anh bằng đồng Bảng, anh ta bắt đầu thực hiện việc mở vị thế như sau:
Nếu không có động thái phòng hộ, nhà đầu tư phải đối mặt với hai rủi ro. Rủi ro đầu tiên là giá cổ phiếu giảm. Rủi ro thứ hai là giá trị đồng bảng Anh giảm so với đồng đô la Mỹ. Do tính chất biến động của tiền tệ, sự biến động của tỷ giá hối đoái có thể dễ dàng loại bỏ bất kỳ lợi nhuận tiềm năng nào có được từ tương vụ đầu tư cổ phiếu này. Để bù đắp điều này, vị thế mua cổ phiếu trên có thể được phòng hộ bằng cách sử dụng Hợp đồng kỳ hạn GBP/USD như sau:
Thật vậy, nếu tỷ giá GBP/USD giảm, giá trị của khoản đầu tư tính theo USD cũng giảm theo, và điều này được bù đắp bởi lợi nhuận trên vị thế short GBP/USD của anh ta, ở chiều ngược laị, nếu tỷ giá tăng, khoản lỗ ở vị thế short GBP/USD sẽ được bù lại bởi sự tăng giá tính theo USD của số cổ phiếu đang nắm giữ. Hãy cùng xem xét bảng sau:
Chiến thuật Hedging trong giao dịch Forex
Bởi việc Hedging luôn đi kèm với cái giá của nó, nên chắc hẳn bạn sẽ đặt câu hỏi: tại sao lại phải Hedge?. Không có câu trả lời rõ ràng cho câu hỏi này bởi có rất nhiều lý do đằng sau quyết định giao dịch của trader. Tuy nhiên có một trường hợp là ngoại lệ, đó là Carry trade – loại chiến thuật giao dịch mà theo đó trader sẽ nắm giữ đồng tiền có lợi suất cao hơn và bán ra đồng tiền có lợi suất thấp ở chiều ngược lại. Tuy nhiên loại giao dịch này có rủi ro đó là nếu tỷ giá biến động ngược chiều với vị thế mua/bán của bạn thì số thua lỗ gặp phải có thể sẽ lớn hơn rất nhiều so với loại nhuận có được từ chênh lệch lãi suất giữa các đồng tiền.
Để giảm thiểu (không thể loại bỏ hết) rủi ro từ việc biến động tỷ giá này, các nhà giao dịch Carry trade có thể Hedge bằng cách mở một vị thế khác với một cặp tỷ giá có biến động tương đồng (correlation) cao so với cặp tiền sử dụng để carry trade nhưng có mức phí swap thấp hơn
Chúng ta hãy xem xét ví dụ sau để hiểu rõ hơn về chiến thuật này. Giả sử, cặp tỷ giá NZDCHF đang có mức chênh lệch lợi suất là +3.39%. Bay giờ, chúng ta sẽ phải tìm một cặp tỷ giá nữa có 1) độ tương quan cao so với NZD/CHF và 2) có mức chênh lệch lãi suất thấp hơn. Qua nghiên cứu, chúng ta lọc được một số ứng viên tiềm năng như sau:
Theo như bảng trên, chúng ta thấy cặp tiền AUD/JPY là có độ tương đồng thuận chiều cao nhất (0.7937) so với NZD/CHF. Và bởi vì biến động cùng chiều (Correlation >0), do đó chúng ta cần short cặp tiền này để hedge lại vị thế long trên NZDCHF. Tuy nhiên, mức chênh lệch lợi suất -2.62% là quá nhiều so với mức +3.39% của vị thế long NZD/CHF, điều này sẽ làm mất đi hiệu quả của giao dịch Carry trade mà chúng ta đang nhắm đến.
Ở đây, ta sẽ chọn ứng viên thứ 2 đó là cặp GBP/USD bởi độ tương đồng vẫn khá cao ở mức 0.7137 tuy nhiên ở chiều short chúng ta sẽ chỉ phải trả mức phí -1.04%. Do đó đây là lựa chọn tốt nhất.
Và chúng ta sẽ có các cặp phòng hộ như sau:
Hedging bằng cách sử dụng Hợp đồng quyền chọn (Options)
Việc Hedging qua cặp tỷ giá tương đồng như ví dụ ở trên có một số điểm bất lợi. Bởi mức độ tương quan (correlation) giữa các cặp tỷ giá không phải là cố định, chúng biến động theo thời gian, không có gì để bảo đảm rằng mối quan hệ giữa các cặp tỷ giá sẽ không thay đổi, những cặp tiền biến động cùng chiều có thể sẽ trở thành nghịch đảo ở một thời điểm khác trong tương lai và ngược lại. Ở một mức độ nào đó, việc Hedging qua cặp tỷ giá khác lại có thể làm tăng rủi ro một cách không mong muốn.
Điều mà hầu hết các trader muốn khi sử dụng đến Hedging đó là giảm thiểu rủi ro đến một mức độ nào đó, trong khi vẫn giữ được tiềm năng lợi nhuận vốn có của vị thế giao dịch. Và Hợp đồng quyền chọn (Options) là công cụ lý tưởng để thực hiện việc này.
Khác với bảo hiểm rủi ro một vị trí với một công cụ tương quan, khi một vị trí đi lên vị trí khác đi xuống. Hedging qua hợp đồng quyền chọn có tính chất không đối xứng. Option sẽ mang lại lợi nhuận nếu tài sản cơ sở theo một hướng nhưng sẽ bị hủy nếu tài sản đi theo hướng khác.
Trong bài viết này, tôi sẽ không đi quá sâu vào đặc tính và các chức năng của Hợp đồng quyền chọn mà sẽ chỉ nói đến một số kiến thức cơ bản:
Hợp đồng quyền chọn là hợp đồng cho phép người nắm giữ nó có quyền (không phải nghĩa vụ) mua hoặc bán một tài sản cơ sở vào một thời điểm nhất định trong tương lai với mức giá đã được xác định từ trước. Ngược lại, người bán hợp đồng quyền chọn có nghĩa vụ thực hiện giao dịch mà người nắm giữ hợp đồng yêu cầu. Hợp đồng quyền chọn được chia thành hai quyền chính là quyền chọn mua (Call Option) và quyền chọn bán (Put Option).
Quyền chọn mua (Call Option):
- Trong quyền chọn này, người mua sẽ phải trả cho người bán một khoản phí. Đây được gọi là phí quyền chọn (premium). Người mua quyền chọn này sẽ có quyền được mua một lượng tài sản cơ sở nhất định theo mức giá được thỏa thuận (strike price). Đến ngày đáo hạn, nếu giá trị tài sản cơ sở cao hơn so với giá thóa thuận, người mua sẽ thực hiện quyền mua của mình và có được lợi nhuận từ chênh lệch giữa giá giao ngày (spot) và giá mua, ngược lại, nếu giá trị tài sản cơ sở giảm xuống dưới mức giá thỏa thuận, người mua sẽ không thực hiện quyền của mình và mất đi khoản phí đã trả cho bên bán
- Người bán quyền chọn mua sẽ nhận được tiền phí. Do đó, bên bán phải có trách nhiệm bán đi một lượng tài sản cơ sở theo giá đã thỏa thuận ban đầu khi người mua thực hiện quyền.
Quyền chọn bán (Put Option)
- Tương tự quyền chọn mua, trong quyền chọn bán thì người mua cũng phải trả người bán phí quyền chọn. Lúc này, người mua quyền chọn bán sẽ có quyền bán một lượng tài sán nhất định theo mức giá đã được thỏa thuận ban đầu. Đến ngày đáo hạn, nếu giá trị tài sản cơ sở cao hơn so với giá thóa thuận, người mua sẽ không thực hiện quyền của mình và mất đi khoản phí đã trả cho bên bán, ngược lại nếu giá trị tài sản thấp cao hơn so với giá thỏa thuận, người mua hợp đồng quyền chọn bán sẽ bán tài sản cơ sở theo giá đã thỏa thuận và có được lợi nhuận từ chênh lệch giữa giá giao ngày (spot) và giá mua
- Ngược lại, người bán quyền chọn sẽ nhận được tiền phí. Vậy nên, bên bán phải có trách nhiệm mua một lượng tài sản từ người mua quyền chọn theo mức giá đã được thỏa thuận ban đầu.
Quay trở lại bài viết, giả sử có một trader mở một vị thế trên cặp tỷ giá GBP/USD như sau:
Như chúng ta thấy, sau khi vào lệnh, giá trị của cặp GBP/USD đã giảm 70 pip và hiện giờ trader này đang ghi nhận khoản lỗ 70 USD (chưa tính spread). Trader này vẫn có niềm tin vào vị thế của mình về tiềm năng tăng giá của GBP/USD, tuy nhiên anh ta cũng muốn giới hạn số thua lỗ của mình ở một con số nhất định trong khi vẫn giữ vị thế mua để chờ cặp tỷ giá tăng trở lại. Trong trường hợp này, anh ta đã mua một hợp đồng quyền chọn bán (put opntion) GBP/USD, cụ thể như sau:
- Mua 0.1 x GBP/USD Put option
- Thời gian đáo hạn: 14 ngày
- Mức giá thỏa thuận: 1.5000
- Phí: 90.59 USD
Hợp đồng quyền chọn bán này sẽ giới hạn số thua lỗ của trader nếu giá giảm xuống dưới 1.5000, hay nói cách khác nếu tỷ giá GBP/USD giảm xuống dưới 1.5000 vào ngày thực hiện hợp đồng, thì trader này sẽ có lãi từ việc thực hiện quyền bán GBP/USD của mình tại mức giá 1.5000, còn nếu tỷ giá tại thời điểm đó lớn hơn 1.5000, anh ta sẽ không thực hiện quyền bán này, hợp đồng trở nên vô giá trị.
Bằng cách phòng hộ này, rủi ro từ lệnh mua GBP/USD của trader được giới hạn ở con số 100 pip (chênh lệch giữa quyền chọn và giá spot). Ở tình huống xấu nhất, anh ta sẽ mất 190.59 USD, tuy nhiên tiềm năng lợi nhuận nếu tỷ giá tăng là gần như không giới hạn.
Chúng ta hãy cùng xem bảng sau để hình dung rõ hơn:
Như chúng ta thấy, thua lỗ được giới hạn ở mức 190.59 USD, còn tiềm năng lợi nhuận là gần như không giới hạn. Nhà giao dịch của chúng ta đã phải trả một khoản phí trị giá 90.59 USD cho người bán hợp đồng quyền chọn để có được đặc quyền này trong khoảng thời gian của hợp đồng là 14 ngày.
Dưới đây là bảng minh họa các khả năng để chúng ta hình dung rõ hơn về lợi nhuận/thua lỗ của chiến thuật này.
Chiến lược phòng hộ rủi ro trong giao dịch, nhất là với các sản phẩm phái sinh như Options, là một chiến thuật phức tạp đòi hỏi người sử dụng cần hiểu rõ hệ thống của mình và nắm vững các kiến thức tài chính. Bài viết trên đây chỉ mang tính chất chia sẻ và giáo dục. Khuyến nghị các nhà đầu tư cần nghiêm túc nghiên cứu và thử nghiệm bất kỳ hệ thống giao dịch nào qua backtest và demo trước khi giao dịch thực tế.