Short cổ phiếu VinFast là một canh bạc nguy hiểm
Đức Nguyễn
FX Strategist
Đà tăng chóng mặt của VinFast đã mang lại cho công ty ô tô điện đang thua lỗ này mức vốn hóa thị trường lớn hơn Citigroup, với chuyên gia bán khống nổi tiếng Jim Chanos gọi định giá cổ phiếu là “điên rồ”.
Tuy nhiên, short cổ phiếu VinFast lại là một canh bạc rất rủi ro.
Chỉ 1% cổ phiếu của VinFast được đưa ra giao dịch, khiến thanh khoản rất thấp, và phí vay cổ phiếu để bán khống rất cao. Tỷ lệ free-float thấp cũng khiến VinFast dễ bị tổn thương trước những biến động khó lường, như đợt khiến vốn hóa tăng 50 tỷ USD trong tuần này - vượt cả General Motors và Ford.
Điều đó khiến những người bán khống phải cảnh giác ngay cả khi đà tăng của VinFast đang bất chấp tất cả phân tích cơ bản trong một công ty chịu đánh giá sản phẩm kém và các vấn đề vận hành. Trong khi các công ty giao dịch mỏng khác được niêm yết thông qua SPAC sẽ giảm một lúc nào đó, xác định lúc nào đó là khi nào không hề dễ.
Theo nhà phân tích Nguyễn Mạnh Dũng của Maybank, “Việc bán khống cổ phiếu thoạt nhìn có vẻ hợp lý nhưng chúng tôi nghĩ vào thời điểm này, đó không phải là chiến lược giao dịch tốt nhất”.
Người phát ngôn của VinFast cho biết công ty không bình luận về diễn biến thị trường.
Hồ sơ pháp lý cho thấy ông Phạm Nhật Vượng, người giàu nhất Việt Nam, kiểm soát trực tiếp và gián tiếp 99% cổ phiếu đang lưu hành của công ty, chủ yếu thông qua tập đoàn VinGroup. Ông là người giàu nhất Việt Nam với tổng tài sản ròng 43.4 tỷ USD tính đến thứ Tư, theo Bloomberg Billionaires Index.
VinFast ra mắt công chúng thông qua việc sáp nhập với Black Spade Acquisition, được thành lập bởi ông trùm sòng bạc Lawrence Ho.
Theo dữ liệu từ công ty phân tích tài chính S3 Partners, những người bán khống đủ táo bạo để short cổ phiếu đã phải chịu khoản lỗ gần 1 triệu USD trên giấy tờ kể từ khi thỏa thuận được chốt.
Theo Matthew Unterman, giám đốc của S3 Partners, tỷ lệ thả nổi thấp và thiếu các nhà đầu tư tổ chức lớn tham gia vào các chương trình cho vay truyền thống đồng nghĩa với việc nguồn cung cho những người bán khống “rất khan hiếm. Phí cho một chút cổ phiếu thôi cũng đã lên đến 3 chữ số,” tức người bán phải trả lãi suất hơn 100% mỗi năm để short.
Đối với các nhà đầu tư quen thuộc với các công ty SPAC, biến động của VinFast không gây ngạc nhiên. Khi đại đa số cổ đông lựa chọn đổi cổ phần của họ để lấy lại tiền - 92% nhà đầu tư trong thương vụ VinFast đã làm điều đó - thì lượng cổ phiếu có sẵn để giao dịch có xu hướng giảm đi.
Trên lý thuyết, VinFast đang lớn hơn 400 công ty S&P 500 tính đến thời điểm thị trường đóng cửa thứ Tư. Định giá của công ty lớn hơn nhiều cổ phiếu con cưng như Citigroup hay Altria.
VinFast dự báo doanh số sẽ đạt 45,000-50,000 xe trong năm nay và ông Vượng dự đoán sẽ hòa vốn vào cuối năm 2024. Vào tháng 5, hãng đã thu hồi toàn bộ xe SUV xuất khẩu sang Mỹ do sự cố phần mềm và công ty cũng cắt giảm lao động ở Mỹ trong bối cảnh doanh số bán hàng ảm đạm.
Theo một bài thuyết trình cho nhà đầu tư vào tháng 6, công ty dự kiến doanh thu sẽ đạt 1.88 tỷ USD vào năm 2023, tương đương hệ số P/S lên tới 45. Con số này vượt xa định giá của các công ty cùng ngành như Lucid và Rivian.
Oktay Kavrak, chiến lược gia sản phẩm tại Leverage Shares, cho biết: “Giới đầu tư chuyên nghiệp sẽ tránh cổ phiếu này rất xa.”
Bloomberg