Singapore tạm dừng thắt chặt chính sách sau khi tăng trưởng quý I suy yếu
Nguyễn Thanh Thùy Dung
Junior Analyst
Cơ quan tiền tệ Singapore (MAS) giữ nguyên chính sách tiền tệ sau 5 lần thắt chặt liên tiếp kể từ tháng 10/2021, chỉ ra rủi ro tăng trưởng toàn cầu gia tăng và lạm phát giảm.
Theo quyết định thứ Sáu, MAS đã duy trì thiết lập tỷ giá của mình. Quyết định này được đưa ra cùng lúc với dữ liệu GDP cho thấy nền kinh tế suy giảm nhiều hơn dự kiến trong quý đầu tiên.
12/22 chuyên gia được khảo sát bởi Bloomberg dự báo MAS sẽ thắt chặt, báo hiệu họ đang kỳ vọng SGD sẽ mạnh hơn để hạn chế áp lực lạm phát nhập khẩu.10 người còn lại dự báo MAS sẽ tạm dừng.
Ngân hàng trung ương cho biết: “Với những rủi ro ngày càng gia tăng đối với tăng trưởng toàn cầu, suy thoái kinh tế trong nước có thể nghiêm trọng hơn dự đoán. Trong khi lạm phát vẫn tăng cao, 5 lần thắt chặt chính sách tiền tệ liên tiếp của MAS kể từ tháng 10/2021 đã kìm hãm đà tăng giá cả. Tác động của việc thắt chặt vẫn đang ảnh hưởng đến nền kinh tế và sẽ làm giảm lạm phát hơn nữa.”
Các quan chức tiếp tục đưa ra những bằng chứng cho thấy rủi ro của lạm phát vẫn còn cao, với Chủ tịch MAS Tharman Shanmugaratnam lưu ý vào đầu tuần này rằng ngân hàng trung ương sẽ tập trung vào việc đảm bảo ổn định giá cả trung hạn làm cơ sở cho tăng trưởng kinh tế bền vững.
Ngay cả khi lạm phát tiếp tục duy trì ở mức cao nhất trong 14 năm, các nhà hoạch định chính sách cũng đang theo dõi thêm các dấu hiệu cho thấy tăng trưởng kinh tế đang chậm lại hơn dự đoán và kết quả là kéo lạm phát xuống. Quyết định của cơ quan tiền tệ đưa ra sau hiệu quả kinh tế quý đầu tiên yếu hơn dự kiến, với các số liệu riêng biệt cũng được công bố vào thứ Sáu cho thấy nền kinh tế giảm tốc do hoạt động sản xuất suy giảm.
SGD suy yếu 0.35% sau quyết định cho thấy một số nhà đầu tư đang hy vọng MAS thắt chặt hơn nữa.
Cơ quan tiền tệ Singapore cho biết trong một tuyên bố, tăng trưởng GDP của Singapore được dự báo sẽ giảm đáng kể trong năm nay, đúng với suy thoái chu kỳ đầu tư và hàng hóa toàn cầu. Cơ quan này cho biết lạm phát cơ bản sẽ vẫn tăng cao trong vài tháng tới nhưng sẽ giảm dần vào nửa cuối năm 2023 và thấp hơn đáng kể vào cuối năm.
“Tuyên bố của MAS có phần ôn hòa. CPI cơ bản dự kiến sẽ giảm đáng kể vào cuối năm 2023 và mức tăng trưởng dự kiến sẽ nằm dưới xu hướng này”, theo Selena Ling, trưởng bộ phận nghiên cứu khối nguồn vốn OCBC.
Điểm nổi bật từ báo cáo GDP:
- GDP giảm 0.7% trong quý I/2023 so với dự báo giảm 0.1% của Bloomberg, sau khi tăng 0.1% trong quý IV năm ngoái.
- So với cùng kỳ năm ngoái, kinh tế tăng trưởng 0.1% sau khi tăng 2.1% trong quý cuối cùng của năm 2022
- Sản xuất giảm 6% so với cùng kỳ, sau khi giảm 2.6% trong quý trước
- Xây dựng tăng 8.5% so với cùng kỳ, sau khi tăng 10%
- Ngành dịch vụ tăng 1.8% so với cùng kỳ, sau khi tăng 4%
MAS cảnh báo rằng triển vọng tăng trưởng GDP của Singapore trong năm nay kém khả quan hơn, do đầu tư và sản xuất bị hạn chế từ điều kiện tài chính thắt chặt hơn.
“Nhìn chung, tăng trưởng ở các đối tác thương mại lớn của Singapore sẽ chậm hơn vào năm 2023, thấp hơn tốc độ được ghi nhận trong hai năm trước đó”, theo MAS.
Các quan chức sẽ tham gia cuộc họp mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế tổ chức tại Washington trong tuần này. Ngân hàng Thế giới đã chỉ ra những rủi ro vẫn còn tiếp diễn, bong bóng của tình trạng hỗn loạn ngân hàng có thể hạn chế các điều kiện tín dụng và đẩy nhiều nền kinh tế rơi vào suy thoái.
Vì vậy, các rủi ro tăng trưởng toàn cầu ở phía trước cần được chú trọng nhiều hơn, ngay cả khi lạm phát vẫn là vấn đề đau đầu đối với hầu hết các nền kinh tế trên toàn thế giới, theo báo cáo mới nhất của IMF.
Bloomberg