Số liệu kinh tế vĩ mô Tháng 10 cho thấy nền kinh tế Việt Nam vẫn đang đi đúng hướng
Tú Đỗ
Senior Economic Analyst
Quá trình phục hồi của nền kinh tế sau Covid-19 vẫn đang tiến triển tích cực
Quá trình phục hồi của kinh tế Việt Nam dường như tiếp tục đi đúng hướng trong Quý 4. Số liệu chính thức tháng 10 được công bố tương đối phù hợp với diễn biến của các chỉ số cao tần trong thời gian qua. Tại thời điểm hiện tại, tăng trưởng GDP Quý 4 dự kiến sẽ tăng tốc lên mức 4.5-5.0% so với cùng kỳ năm 2019, sau khi đã đạt được mức 2,62% trong Quý 3. Tựu chung lại, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm nay dự kiến đạt mức khoảng 2.9%.
- Tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu chậm lại từ mức 18% trong tháng 9 xuống còn khoảng 9,9% trong tháng 10, theo số liệu của Tổng cục Thống kê vừa công bố. Đây là mức thấp hơn so với mức dự báo trong các khảo sát của Bloomberg là khoảng 12.0%. Mặc dù vậy, tăng trưởng xuất khẩu tính từ đầu năm vẫn tiếp tục được cải thiện, hứa hẹn mang tới bước khởi đầu thuận lợi cho Quý 4.
- Một tín hiệu tích cực khác đó là sản lượng công nghiệp tháng 10 cũng gia tăng mạnh ở mức 5,4% so với cùng kỳ năm trước sau khi tăng 3,8% trong tháng 9. Đây là mức tăng cao nhất kể từ tháng 3 và áp sát mức tăng trung bình trong Quý 4/2019 là 6.9%.
- Số liệu về tiêu dùng nội địa cũng cho thấy tín hiệu lạc quan. Doanh thu bán lẻ tháng 10 tăng 5,8% so với cùng kỳ năm trước, theo tính toán của Bloomberg, sau khi thu hẹp 5,9% trong Quý 1 và phục hồi 3,95% trong Quý 2. Con số trên vẫn còn khá xa so với mức tăng trưởng 2 con số trong năm 2019, tuy vậy vẫn là khá lạc quan khi chi tiêu cho nhà hàng khách sạn kể từ đầu năm đã giảm 14,7% và chi tiêu cho du lịch giảm 59,1%.
Bộ các số liệu cao tần tính tới ngày 18/10/2020 cho thấy các hoạt động kinh tế của Việt Nam đã nhanh chóng trở lại mức ngay trước khi các biện pháp giãn cách xã hội được tái áp dụng vào cuối tháng 7 và sau đó được dỡ bỏ vào cuối tháng 9.
Việt Nam đã tránh khỏi kịch bản suy giảm kinh tế so với cùng kỳ năm trước trong 3 Quý đầu năm 2020 như đã xảy ra đối với các nền kinh tế lớn khác tại Đông Nam Á. Điều này phần lớn là do những biện pháp đối phó nhanh chóng, quyết liệt của Chính phủ nhằm kiểm soát dịch bệnh ngay khi bùng phát. Hoạt động đầu tư có khả năng phục hồi lạc quan nhờ các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ, xu hướng dịch chuyển của chuỗi cung ứng toàn cầu và triển vọng tăng trưởng tích cực trong trung và dài hạn.