S&P 500: Phía trước là vực thẳm?
Anh Tùng, CFA
Senior Analyst
Thị trường chứng khoán đón nhận một tháng 9 đầy buồn bã. Chỉ số S&P 500 hiện đã điều chỉnh giảm 8.1% kể từ mức đỉnh ngày 02/09.
Chuyện gì đang xảy ra vậy?
Tôi nghĩ rằng Fed đang hỗ trợ tất cả mọi thứ, nền kinh tế đang trên con đường phục hồi hình chữ V, dữ liệu kinh tế đang được cải thiện, kích thích tài khóa đang được đàm phán, tỷ lệ thất nghiệp giảm, vaccine COVID-19 sẽ sớm ra mắt,…
Có vẻ như thị trường đã phản ánh vào giá một điều gì đó
Mọi thứ không hoàn toàn lạc quan như giá cổ phiếu hồi tháng 8. Ngược lại, có rất nhiều yếu tố cơ bản bất lợi đối với nền kinh tế. Làn sóng COVID-19 thứ hai trở lại mạnh mẽ, sự không chắc chắn về cuộc bầu cử sắp tới, dữ liệu kinh tế xấu đi, lợi nhuận doanh nghiệp có xác suất giảm cao hơn dự kiến, khả năng thất nghiệp cao hơn dự đoán, chi tiêu tiêu dùng ít đi, cũng như tâm lý và niềm tin của người tiêu dùng xấu đi, và rất nhiều yếu tố tiêu cực khác có khả năng xảy ra và ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế cũng như thị trường chứng khoán sau cuộc bầu cử tháng 11 và trong tương lai.
Tác động của đại dịch COVID-19
Coronavirus vẫn ở đây và tiếp tục lan truyền ra cộng đồng theo cấp số nhân. Hiện đã có hơn 7 triệu ca được xác nhận dương tính và hơn 200,000 ca tử vong vì căn bệnh này chỉ riêng ở Hoa Kỳ. Trên toàn thế giới, số ca nhiễm bệnh đã lên đến 33 triệu và gần 1 triệu ca tử vong. 7 triệu ca dương tính ở Hoa Kỳ là rất cao, vì nó chiếm khoảng 2% dân số, có nghĩa là cứ 50 người Mỹ thì có 1 người đã dương tính với COVID-19.
Điều gì sẽ xảy ra khi trường học, nhà hàng, cửa hàng, nhiều nơi làm việc khác và những "điểm nóng" có thể sẽ phải cắt giảm công suất hoạt động hoặc thậm chí có thể đóng cửa vào mùa thu và mùa đông này? Theo quan điểm của tôi, không có gì tốt cho nền kinh tế hiện tại và Fed không thể cứu vãn mọi thứ bằng cây đũa thần của mình.
Nói về Fed, tôi nghĩ rằng Fed đã thất bại trong cuộc họp FOMC gần đây nhất của họ. Tôi thực sự tin rằng Fed sẽ tỏ ra dovish hơn với các thị trường đang ở trong tình trạng mong manh như hiện tại. Thị trường sẽ rất hoan nghênh khi Fed cân nhắc tăng cường các biện pháp nới lỏng để khiến lạm phát cao hơn, như lãi suất âm, mở rộng quy mô các chương trình mua tài sản. Thay vào đó, Fed đã khiến thị trường thất vọng khi cho biết: "Chúng tôi đã làm tất cả những gì chúng tôi có thể làm bây giờ, lãi suất sẽ duy trì ở mức 0 trong nhiều năm và chúng tôi đang chờ đợi chính phủ về gói kích thích tài khóa."
Kích thích tài khóa ư? Lưỡng viện đang có những mâu thuẫn trước thời điểm bầu cử nên gói kích thích tài khóa dường như ngày càng ít khả năng xảy ra hơn theo thời gian. Điều gì sẽ xảy ra nếu công dân Mỹ ngừng nhận cứu trợ? Điều gì sẽ xảy ra nếu việc làm mới ngừng được tạo ra? Chẳng có gì tốt đẹp cho nền kinh tế, cho chi tiêu, tâm lý và sự tự tin của người tiêu dùng, cũng như phần lớn lợi nhuận của công ty.
Cổ phiếu không hề rẻ
Tôi biết, nhiều người tham gia thị trường đang nói rằng cổ phiếu là trò chơi duy nhất trong thị trường tài chính, và thị trường sẽ tiếp tục tăng giá dù có thế nào đi chăng nữa. Nghe có vẻ giống như năm 2000, và cổ phiếu bây giờ không còn rẻ nữa. Trên thực tế, hầu hết các cổ phiếu đều quá đắt đỏ. S&P 500 đang giao dịch với hệ số P/E vào khoảng 37 vào thời điểm hiện tại, so với chỉ 23 trong một năm trước. Có nghĩa là, cổ phiếu đang bị đắt hơn 60% so với năm ngoái.
Điều đó có hợp lý không? Chúng ta không có dịch COVID-19 và tất cả những hậu quả của nó một năm về trước, bây giờ chúng ta có, và cổ phiếu đắt hơn 60%. Tại sao vậy? Sự thật, con số 37 của hệ số P/E tôi nói ở trên đó là trailing P/E. Còn theo ước tính, forward P/E của S&P 500 sẽ rơi vào khoảng 26, của Nasdaq sẽ là 31, tức sẽ cao hơn một chút so với năm ngoái.
Như vậy đã đủ rẻ chưa? Không rẻ với tôi. Có lẽ một câu hỏi hay hơn là liệu các công ty có thực sự đạt được mục tiêu lợi nhuận dự kiến, hay EPS dự phóng của họ với tất cả các vấn đề hiện tại trong hệ thống kinh tế không? Tôi nghĩ là không, hầu hết các tập đoàn sẽ không đạt được mục tiêu (vào năm 2021) do sự lây lan của virus SARS-CoV-2, một chính phủ bị chia rẽ, tỷ lệ thất nghiệp cực cao, chi tiêu tiêu dùng tệ hơn mức dự đoán và nhiều vấn đề nhức nhối khác nữa.
Phân tích kỹ thuật
S&P 500
Sau khi điều chỉnh khoảng 10% xuống gần mốc 3,200, chỉ số S&P 500 đã phục hồi trở lại. Tuy nhiên, chúng ta có thể thấy rằng thị trường vẫn chưa rơi vào tình trạng quá bán. Không có sự bán tháo hoảng loạn nào, chỉ số RSI đang ở mức khoảng 40 và chúng ta vẫn có thể cảm nhận được thị trường vẫn đang quá tự mãn. Điều này ngụ ý rằng nhiều khả năng sẽ có những nhịp giảm điểm phía trước. S&P 500 có thể có 2 phiên tăng tạm thời vào cuối tuần từ mức đáy, nhưng nếu nó không xuyên thủng mức 3,300 một cách dứt khoát, chỉ số này rất có thể sẽ giảm trở lại mức 3,200, phá vỡ mức hỗ trợ đó và có thể tiến tới hỗ trợ chính ở mức 3,000 xa hơn. Đây sẽ là sự điều chỉnh khoảng 16% từ đỉnh và đây cũng là kịch bản dễ xảy ra nhất đối với tôi hiện tại. Tuy nhiên, trong trường hợp xấu nhất, chúng ta có thể thấy chỉ số này giảm xuống 2,750 hoặc có thể thấp hơn ngay cả khi các dấu hiệu rõ ràng hơn về suy thoái kinh tế tiếp tục xuất hiện.
VIX
Trong tuần vừa rồi, S&P 500 giảm khoảng 0.63%, tuy nhiên chỉ số VIX lại tăng tới 2.13%, thậm chí trong những phiên mà S&P 500 bị bán tháo mạnh, VIX có lúc vượt qua mốc 30. Điều này ngụ ý rằng những người tham gia thị trường đang ngày càng lo lắng về những ngày tháng trong tương lai và có khả năng hedge bằng các quyền chọn bán trước khi đợt giảm giá tiếp theo xảy ra.
P/E: Hệ số Price-to-Earning, được tính bằng cách lấy giá cổ phiếu chia cho EPS (lợi nhuận bình quân trên một cổ phiếu).
Trailing P/E: Được tính bằng cách lấy giá cổ phiếu hiện tại chia cho EPS của kỳ công bố báo cáo tài chính gần nhất.
Forward P/E: Được tính bằng cách lấy giá cổ phiếu hiện tại chia cho EPS dự báo của doanh nghiệp.