Sự dovish của chủ tịch Fed Powell liệu có đúng?
Trần Phương Thảo
Junior Analyst
Fed khó có thể đạt được mục tiêu lạm phát 2% trừ khi sẵn sàng gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế
Trước sự ngạc nhiên của nhiều người, chủ tịch Fed Powell đã đưa ra giọng điệu ôn hòa trong cuộc họp báo hôm thứ Tư. Điều này xảy ra ngay sau khi Fed tuyên bố giữ nguyên lãi suất. Cách diễn đạt về lạm phát trong biên bản cuộc họp có phần cứng rắn hơn khi chỉ ra rằng “trong những tháng gần đây, không có tiến triển gì hơn nữa đối với mục tiêu lạm phát 2% của ủy ban”.
Việc Powell tỏ ra ôn hòa là phù hợp nhưng mọi thứ sẽ không diễn ra theo cách mà ngài Chủ tịch mong đợi. Diễn biến kinh tế có thể cho thấy Fed không thể đạt được mức 2% trừ khi sẵn sàng gây ra thiệt hại lớn và không cần thiết cho nền kinh tế. Quả thực, 2% có thể không phải là mục tiêu lạm phát phù hợp đối với một nền kinh tế đang trải qua quá nhiều thay đổi về cơ cấu, cả trong nước và quốc tế.
Bằng cách gạt sang một bên ba tháng lạm phát và chi phí lao động cao hơn dự kiến, Powell ban đầu đã khiến lợi suất TPCP giảm đáng kể và cổ phiếu tăng mạnh. Sự ôn hòa của ông không phải là chưa có tiền lệ. Thật vậy, một số nhận xét trong cuộc họp báo của Powell trước đây còn ôn hòa hơn so với các cuộc thảo luận thực tế của FOMC về chính sách, thể hiện qua việc công bố biên bản cuộc họp vài tuần sau đó.
Trái ngược với mô tả tương đối mạnh mẽ của Powell về nền kinh tế, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy nền kinh tế Mỹ đang chậm lại. GDP quý đầu tiên, chỉ số ISM hàng tháng mới nhất về hoạt động sản xuất và thước đo tâm lý người tiêu dùng đều thấp hơn dự báo. Hơn nữa, như tờ Financial Times đã lưu ý trong tuần này, ngày càng có nhiều công ty báo cáo rằng “người tiêu dùng thu nhập thấp ở Mỹ đang cắt giảm chi tiêu khi đối mặt với tình trạng giá cả tăng liên tục”. Do khả năng phục hồi tài chính kém và hạn chế về năng lực, người dân nghèo ở Mỹ đã phải đối mặt với việc tiền tiết kiệm sụt giảm mạnh sau đại dịch và nợ nần tăng đáng kể. Tỷ lệ thất nghiệp đang gia tăng và điều này sẽ gây áp lực lên thu nhập của nhóm người yếu thế.
Đồng thời, lạm phát có thể sẽ dai dẳng hơn Powell mong đợi, do quá trình chuyển đổi cơ cấu kéo dài trong nhiều năm - một trong những nguyên nhân gây ra lạm phát đang diễn ra. Trong nước, Hoa Kỳ đang chuyển từ việc bãi bỏ các quy định, tự do hóa và thắt chặt tài chính sang việc áp đặt các quy định chặt chẽ hơn, tập trung vào chính sách công nghiệp và nới lỏng tài chính. Trên bình diện quốc tế, toàn cầu hóa đã nhường chỗ cho sự phân mảnh nền kinh tế. Các quốc gia có ảnh hưởng mang tính hệ thống và số lượng các công ty đa quốc gia ngày càng tăng, tuy chậm nhưng chắc chắn đang điều chỉnh lại chuỗi cung ứng với mục đích đặt an ninh và khả năng phục hồi quốc gia lên trên hiệu quả hoạt động và hiệu quả chi phí tức thời.
Những yếu tố như vậy dường như không thúc đẩy sự ôn hòa của Powell. Nhưng việc ông đẩy lùi lập trường chính sách diều hâu hơn được định giá bởi thị trường là phù hợp với việc thế giới đang phải đối mặt với sự suy yếu về động lực tăng trưởng và lạm phát mang tính cấu trúc. Cần phải tránh được những thiệt hại không cần thiết do tăng trưởng yếu gây ra, bao gồm tình trạng bất bình đẳng ngày càng trầm trọng, sự phân bổ sai nguồn lực lớn hơn và nguy cơ bất ổn tài chính cao hơn.
Khi được hỏi về mức độ lạm phát, Powell trả lời: “Không thể coi mức lạm phát 3% là thỏa đáng." Sẽ không có gì ngạc nhiên nếu lạm phát được coi là thích hợp khi gần với mức 3% hơn là mục tiêu 2%, theo một tiêu chuẩn bắt nguồn từ đầu những năm 1990 ở New Zealand. Tuy nhiên, sự chia rẽ nội bộ và tổn hại uy tín do sai lầm lớn về chính sách năm 2021 khiến Fed phải lặp lại trong mọi cuộc họp rằng Fed “cam kết mạnh mẽ đưa lạm phát trở lại mục tiêu 2%”.
Những yếu tố bất ổn đang vượt ngoài ranh giới nước Mỹ. Việc không nhận ra tác động của những thay đổi cơ cấu kéo dài nhiều năm sẽ làm phức tạp thêm việc quản lý chính sách tiền tệ ở phần lớn quốc gia trên thế giới. Các nền kinh tế mới nổi sẽ khó giảm lãi suất theo điều kiện trong nước vì sợ rằng điều này sẽ làm suy yếu đồng nội tệ vốn đã mất giá. Quá trình bình thường hóa kinh tế và tài chính của Nhật Bản sẽ bị cản trở bởi sự suy yếu mạnh của JPY. Và ECB, mặc dù đúng khi tuyên bố rằng không “phụ thuộc vào Fed”, nhưng sẽ nhận thấy rằng có một giới hạn thực tế về việc cơ quan này có thể có quan điểm khác với Fed đến mức nào.
Hiện tại, chúng ta nên hoan nghênh quan điểm dovish của Powell mặc dù không phải là vì những lý do mà ông đã đưa ra. Chúng ta cũng nên hy vọng rằng, theo thời gian, ông và các đồng nghiệp tại Fed sẽ trở nên chiến lược hơn trong cách tiếp cận dữ liệu và đưa ra quyết định chính sách.
Financial Times