Sự hồi phục của thị trường dựa trên các giả định lạc quan
Tin Tức Tổng Hợp
feeder
Những nguyên nhân biện minh cho sự phục hồi tuy hợp lý, nhưng có thể sẽ không trở thành sự thật
Trên cả đôi bờ Đại Tây Dương, các công ty môi giới báo cáo số lượng khách hàng mở tài khoản gia tăng mạnh mẽ để mua cổ phiếu sau khi lệnh phong tỏa được áp đặt. Cho dù đây là một tín hiệu của sự lạc quan hay sự buồn chán, các hộ gia đình có tiền mặt thay vì chi tiêu cho việc đi lại hàng ngày, ăn uống hoặc đánh bạc như thường lệ, lại giúp thúc đẩy một đợt tăng giá trên thị trường chứng khoán trên toàn thế giới. Các nhà đầu tư có thể đúng ở thời điểm hiện tại, nhưng họ nên tính đến các giả định mong manh làm nền tảng cho sự phục hồi của cổ phiếu.
S&P 500, chỉ số chính của Hoa Kỳ, đã phục hồi phần lớn tổn thất kể từ khi coronavirus bắt đầu, và hiện chỉ còn thấp hơn khoảng 10% so với mức đỉnh trước khủng hoảng vào tháng Hai. Sự phục hồi ban đầu được dẫn dắt bởi các cổ phiếu công nghệ, giờ đã mở rộng bao gồm một loạt các lĩnh vực: tài chính, công nghiệp và bất động sản. Một kế hoạch phục hồi táo bạo bất ngờ của EU cũng đã giúp các tài sản châu Âu; đồng euro đã đạt mức mạnh nhất so với đồng đô la kể từ tháng Tư.
Thật không may, thị trường háo hức lại trái ngược với tin tức kinh tế ảm đạm, chẳng hạn như thông báo vào hôm thứ Năm rằng 40 triệu người Mỹ đã đăng ký nhận trợ cấp thất nghiệp kể từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng, hoặc nhà sản xuất xe hơi Renault sẽ cho nghỉ 14,600 nhân viên.
Đối với nhiều người, sự mâu thuẫn này là một bằng chứng nữa cho thấy các thị trường quá lạc quan đang tự huyễn hoặc với niềm tin rằng vắc-xin, hoặc ít nhất là các phương pháp điều trị mới, sẽ ngăn chặn đại dịch coronavirus và thiệt hại kinh tế do phong tỏa.
Tuy nhiên, sự tăng giá của cổ phiếu phải được đặt trong bối cảnh các chính sách bảo vệ và kích thích do chính phủ và ngân hàng trung ương đưa ra. Khi lãi suất giảm, giá tài sản tăng. Nhiều nhà đầu tư đang đặt cược rằng, với lạm phát dường như vẫn xa vời, các ngân hàng trung ương sẽ giữ lãi suất ở mức thấp kỷ lục trong tương lai xa - hoặc ít nhất là lãi suất sẽ chỉ tăng khi kết hợp với tăng trưởng kinh tế cao hơn bền vững. Điều này thậm chí còn cho các nhà đầu tư mà vẫn còn đang bi quan về yếu tố cơ bản một lý do tốt để mua vào.
Đối với một số người khác, quyết định mua cổ phiếu phản ánh nghĩa vụ ủy thác của họ. Các nhà quản lý tài sản không được trả phí để giữ tài sản khách hàng của họ dưới dạng tiền mặt. Với sự lựa chọn giữa việc giữ tiền trong một tài sản có lợi nhuận bằng 0 hoặc thậm chí âm và một tài sản có lợi nhuận dương khiêm tốn, họ vẫn chịu áp lực phải mua cổ phiếu.
Mặc dù vậy, rủi ro vẫn còn. Tin xấu sau phong tỏa hoặc làn sóng dịch bệnh thứ hai tiềm năng ở các nước giàu có thể khiến giá trị tài sản giảm mạnh. Trong khi các nước châu Âu và Mỹ đang nới lỏng đối với các doanh nghiệp, các trường hợp nhiễm vi rút đang gia tăng ở các quốc gia có thu nhập trung bình như Brazil, Mexico và Indonesia. Lạm phát gia tăng cũng sẽ làm suy yếu các giả định chống đỡ đợt tăng giá - mặc dù điều này có vẻ là một triển vọng xa vời: dữ liệu vào thứ Sáu cho thấy eurozone đang trên bờ vực giảm phát. Các ngân hàng cho đến nay ơn giời chưa bị ảnh hưởng, nhưng một cuộc khủng hoảng của bất động sản thương mại, cho vay doanh nghiệp hoặc cho vay tiêu dùng có thể thay đổi điều đó, và cũng đặt ra câu hỏi về khả năng hành động của các ngân hàng trung ương.
Căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ đã khiến thị trường lo ngại: tài sản rủi ro đã giảm vào thứ Sáu khi Tổng thống Donald Trump chuẩn bị đáp trả động thái của Bắc Kinh áp đặt luật an ninh quốc gia đối với Hồng Kông, và Trung Quốc sau đó đe dọa trả đũa.
Dù nhìn theo cách nào, nền kinh tế toàn cầu mới chỉ trong giai đoạn đầu của suy thoái kinh tế; sẽ có nhiều khúc quanh trên con đường sắp tới. Định giá hiện tại của cổ phiếu là hợp lý – nhưng chỉ nếu như các giả định lạc quan nhất trở thành hiện thực.