Sự hồi phục hậu đại dịch đang đẩy lạm phát tới gần mục tiêu của ECB
Nguyễn Ngọc Mai
Analyst
Sự phục hồi của châu Âu hậu đại dịch, giá năng lượng tăng và chi phí đầu vào cao hơn dự kiến đã thúc đẩy giá tiêu dùng trên toàn khu vực đồng Euro. Điều này đã gây áp lực lên Ngân hàng Trung ương châu Âu, khiến họ buộc phải "phản ứng" trước cuộc họp chính sách tiếp theo vào ngày 10 tháng 6.
Được công bố vào thứ Ba, lạm phát giá tiêu dùng hàng năm của khu vực đồng Euro được dự báo sẽ tăng lên 1.9% vào tháng Năm - theo kết quả khảo sát các nhà kinh tế học của Reuters. Đây sẽ là mức tăng 0.3 bps so với tháng 4 - mức cao nhất trong gần ba năm và đạt gần với mục tiêu của ECB là gần 2%
Fabio Balboni - chuyên gia kinh tế cấp cao tại HSBC kỳ vọng ECB sẽ điều chỉnh lại dự báo lạm phát ngắn hạn tại cuộc họp sắp tới, trong khi dữ liệu từ Mỹ cũng cho thấy áp lực tăng mạnh tương tự đối với giá tiêu dùng trên khắp Đại Tây Dương.
Các dữ liệu được công bố khác cho thấy động lực tăng giá đã xuất hiện trên khắp khu vực đồng Euro. Kết quả khảo sát PMI Markit ở Đức tháng 5 cho thấy giá đầu vào trong lĩnh vực sản xuất và dịch vụ đã tăng với tốc độ nhanh nhất từ trước tới nay, từ năm 1998.
Vào tháng 5, kỳ vọng giá bán của các nhà sản xuất cũng tăng vọt lên mức cao kỷ lục và đặc biệt tăng mạnh đối với ngành dịch vụ - theo khảo sát kinh doanh hàng tháng của Ủy ban châu Âu.
Tuy nhiên, Jack Allen-Reynolds - nhà kinh tế cao cấp tại Capital Economics, cho rằng tác động này chỉ là tạm thời và “những áp lực giá cơ bản do nhu cầu trong nước thúc đẩy, sẽ dần giảm bớt trong thời gian dài”.
Đầu tháng, Philip Lane - nhà kinh tế trưởng của ECB, cũng bác bỏ lo ngại rằng sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng và chi phí đầu vào liên quan tăng sẽ là mối đe dọa đối với người tiêu dùng. Trong một hội thảo trực tuyến, ông cho biết: “Khi bạn gặp phải một "nút thắt" ngoài kế hoạch dự kiến, tất nhiên sẽ có một số sự thay đổi về giá cả, nhưng đó không phải là lạm phát".
Valentina Romei