Sự thiếu hụt nguồn cung nên là vấn đề đáng lưu tâm nhất đối với OPEC+ ở thời điểm hiện tại
Tú Đỗ
Senior Economic Analyst
Các quốc gia OPEC+ nên lo lắng hơn về khả năng thiếu hụt của nguồn cung dầu mỏ trong phần còn lại của năm 2021
Nhóm các nước sản xuất dầu mỏ OPEC+ vẫn tiếp tục duy trì hướng tiếp cận linh hoạt trong việc cân bằng thị trường dầu mỏ toàn cầu. Và khi giá dầu chạm ngưỡng 80 USD/thùng, có lẽ đã đến lúc các quốc gia này lên kế hoạch tăng cường sản lượng khai thác trong vài tháng tới. Phiên họp của OPEC+ đang đã được diễn ra trực tuyến vào hôm nay nhằm thống nhất mục tiêu khai thác trong tháng 11 tới. Thỏa thuận hiện tại của các nước thành viên đó là dần tăng sản lượng khai thác thêm 400 nghìn thùng/ngày mỗi tháng cho tới khi phục hồi được hoàn toàn mức cắt giảm đã thực hiện vào năm ngoái.
Tuy vậy, tình hình hiện tại có thể buộc các nước này phải đẩy nhanh kế hoạch hiện tại. Dự báo từ các chuyên gia từ chính OPEC cho thấy lượng tồn kho toàn cầu sẽ tiếp tục suy giảm trong vòng 2 tháng tới trước khi tăng trở lại vào đầu năm sau.
Dự báo lượng tồn kho dầu mỏ trong thời gian tới
Nếu nhìn vào biểu đồ trên, các quan chức OPEC+ có thể sẽ cho rằng sự dư thừa nguồn cung trong năm tới sẽ là vấn đề lớn hơn so với sự thiếu hụt trong vài tháng tới. Tuy vậy, câu chuyện không chỉ đơn thuần dừng ở đó. Có một sự thay đổi đáng chú ý từ sản lượng của các quốc gia ngoài OPEC+ khi đã tăng khoảng 700 nghìn thùng/ngày trong tháng 8 và 9. Trong khi đó, sản lượng từ Mỹ - quốc gia khai thác dầu mỏ lớn nhất ngoài OPEC+ - lại có xu hướng sụt giảm trong tháng trước do tác động của cơn bão Ida. Vậy mức tăng trên đã đến từ đâu?
Số liệu hàng tuần cho thấy sản lượng của Mỹ trong tháng 9 đã giảm khoảng 550 nghìn thùng/ngày so với tháng trước, đồng nghĩa với việc các quốc gia còn lại đã tăng nguồn cung thêm 1.25 triệu thùng/ngày - một con số đáng ngạc nhiên! Sản lượng khai thác được dự báo cũng sẽ chưa thể phục hồi hoàn toàn cho tới Quý 1 năm sau.
Sản lượng khai thác dầu mỏ bị đánh mất do cơn bão Ida trong tháng 9
Điều này dẫn tới vấn đề thứ hai đó là mức dự báo ở trên có vẻ lạc quan thái quá về khả năng khai thác của nhóm các nước OPEC+. Số liệu cho thấy nhóm này đã tăng sản lượng thêm 1.2 triệu thùng/ngày vào tháng trước và tiếp tục tăng trong các tháng tiếp theo. Có vẻ như số liệu của tháng 8 là lượng khai thác thực tế, trong khi số liệu của tháng 9 trở đi thể hiện mức mà OPEC+ cần tăng lên để đạt được mục tiêu của mình.
Số liệu theo dõi dòng xuất khẩu dầu mỏ từ các nước OPEC bởi Bloomberg không cho thấy sự tăng vọt tương tự như số liệu khai thác. Cùng với việc một số quốc gia đã đạt được mức tăng sản lượng mục tiêu, chúng ta có thể kỳ vọng những con số dự báo trên có thể sẽ được điều chỉnh giảm mạnh một khi dữ liệu thực tế trong tháng 9 được công bố. Nếu xảy ra thì điều này sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt nguồn cung trong tháng 9 và kéo dài cho tới hết năm nay. Tình hình sẽ trở nên căng thẳng hơn khi Bắc Bán cầu bắt đầu bước vào mùa đông. Việc giá khí đốt tự nhiên và điện tăng mạnh tại Châu Âu và Châu Á có thể sẽ làm gia tăng nhu cầu đối với dầu mỏ thêm tới 500 nghìn thùng/ngày làm năng lượng thay thế. Ngoài ra, xu hướng này còn được hỗ trợ bởi sự mở cửa biên giới Mỹ giúp các chuyến bay hàng không được nối lại.
Giá dầu Brent đã chạm mức cao nhất trong gần 3 năm qua
Chặng đường tiếp theo của OPEC+ hiện là khá rõ ràng: Nhóm này cần tăng sản lượng khai thác vào tháng 11 cao hơn mục tiêu 400 nghìn thùng/ngày theo kế hoạch bởi hiện là quá trễ để làm điều này ngay trong tháng 10. Nếu như nguồn cung tăng trở lại trong đầu năm tới như dự kiến, các quốc gia này có thể linh hoạt điều chỉnh mức tăng sản lượng chậm hơn hoặc thậm chí cắt giảm trở lại.
Bloomberg