Sự ủng hộ của Kamala Harris đối với việc kiểm soát giá cả có thể tác động đến lạm phát như thế nào?
Trần Phương Thảo
Junior Analyst
Tuần trước, trước khi chấp nhận đề cử của Đảng Dân chủ cho vị trí Tổng thống, Phó Tổng thống Kamala Harris đã bày tỏ sự ủng hộ đối với các đề xuất thuế của Tổng thống Joe Biden cho năm 2025, bao gồm mức thuế suất thuế thu nhập lên tới 44.6% và mức thuế chưa từng có là 25% đối với các khoản thu nhập chưa thực hiện
Tổng thống Biden đề xuất tăng thuế lên mức đỉnh mọi thời đại
Tôi đã từng nói về sự vô lý của việc đánh thuế vào lợi nhuận chưa thực hiện. Hôm nay, tôi muốn thảo luận về một biện pháp đáng báo động khác mà Harris ủng hộ: kiểm soát giá.
Đối với những ai chưa biết, kiểm soát giá là một loại quy định của chính phủ đặt ra giới hạn về giá hoặc tiền lương có thể tăng. Những biện pháp này có thể ở dạng giá trần, chẳng hạn như kiểm soát tiền thuê nhà hoặc giá sàn, như luật lương tối thiểu.
Nhìn bề ngoài, những biện pháp này có vẻ như nhằm mục đích bảo vệ người tiêu dùng khỏi lạm phát, nhưng trên thực tế, chúng thường gây hại nhiều hơn là có lợi—và đã có hàng tá ví dụ trong những năm qua. Các nguyên tắc kinh tế hướng dẫn thị trường của chúng ta rất mong manh và khi sự can thiệp của chính phủ phá vỡ các lực lượng tự nhiên này, hậu quả có thể rất nghiêm trọng.
Kiểm soát giá sẽ gây ra sự thiếu hụt và trì trệ
Hãy xem xét vấn đề lạm phát - mối quan tâm dai dẳng của nhiều người Mỹ. Tất cả chúng ta đều cảm thấy khó khăn tại cửa hàng tạp hóa, nơi giá thực phẩm đã tăng trung bình 21% kể từ khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức.
Giá tại các cửa hàng tạp hóa tăng nhanh chưa từng thấy dưới thời Tổng thống Joe Biden
Giải pháp mà Harris đề xuất—kiểm soát giá—nghe có vẻ hấp dẫn, nhưng nó chỉ là miếng băng dán trên vết thương do đạn bắn.
Hầu hết các nhà kinh tế đều đồng ý rằng kiểm soát giá không phải là cách giải quyết cho vấn đề lạm phát. Theo các cuộc khảo sát thường kỳ do Trường Chicago Booth thực hiện, phần lớn các nhà kinh tế không tin rằng kiểm soát giá có thể hạn chế hiệu quả lạm phát của Hoa Kỳ trong suốt một năm.
Trong một cuộc khảo sát vào tháng 7, ba phần tư các nhà kinh tế không đồng ý hoặc hoàn toàn không đồng ý với tuyên bố rằng việc giới hạn mức tăng tiền thuê nhà ở mức 5% hàng năm sẽ giúp ích cho người Mỹ trong thời gian dài. Tương tự như vậy, 62% đồng ý phần lớn hoặc hoàn toàn đồng ý rằng việc kiểm soát mức tăng giá sẽ dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn cung "đáng kể".
Phần lớn các nhà kinh tế được khảo sát không ủng hộ chính sách kiểm soát giá
Chính sách đóng băng giá cả của cựu Tổng thống Mỹ Nixon: Lời cảnh báo về sự quản lý kinh tế yếu kém
Chúng ta không cần phải nhìn lại quá khứ xa xôi trong lịch sử Hoa Kỳ để thấy được những nguy hiểm của việc kiểm soát giá cả. Vào tháng 8 năm 1971, Tổng thống Richard Nixon đã áp dụng lệnh đóng băng giá cả và tiền lương trong 90 ngày tại Hoa Kỳ.
Lúc đầu, động thái này được ủng hộ, tạo động lực cho Nixon trong chiến dịch tái tranh cử vào năm sau.
Nhưng thành công ban đầu không kéo dài được lâu. Kế hoạch của Nixon đã góp phần gây ra tình trạng đình lạm kéo dài một thập kỷ—một sự kết hợp độc hại giữa lạm phát cao và tăng trưởng chậm đã làm xói mòn mức sống của hàng triệu người Mỹ.
Chính sách kiếm soát giá của cựu Tổng thống Nixon không mang lại hiệu quả vào những năm 1970
Phải đến năm 1983, giữa nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của Ronald Reagan, nền kinh tế mới bắt đầu phục hồi. Trong bài phát biểu trên đài phát thanh vào tháng 10 năm đó, Reagan chỉ ra "bằng chứng chắc chắn rằng nước Mỹ đã chuyển sang giai đoạn tăng trưởng kinh tế dài hạn".
Tại sao việc giảm giá xăng có thể dẫn đến chi phí cao hơn và tình trạng thiếu hụt?
Bài học rút ra rất rõ ràng: Kiểm soát giá không phải là giải pháp bền vững. Chúng làm méo mó các tín hiệu thị trường, dẫn đến tình trạng kém hiệu quả và trì trệ kinh tế. Hãy nhớ rằng, giá cả đóng vai trò là chỉ báo thị trường. Giá cao có thể khiến người tiêu dùng thất vọng, nhưng chúng gửi một thông điệp quan trọng đến các nhà sản xuất: Có thể kiếm được lợi nhuận ở đây, vì vậy hãy đầu tư nhiều hơn. Đối với người tiêu dùng, giá cao báo hiệu sự khan hiếm, khuyến khích họ sử dụng tài nguyên một cách khôn ngoan hơn.
Lấy xăng làm ví dụ. Nếu giá xăng tăng vọt lên 5 USD/ gallon, mọi người có thể sẽ cắt giảm việc lái xe không cần thiết. Trong khi đó, giá cao sẽ khuyến khích các công ty dầu mỏ tăng sản lượng, cuối cùng sẽ dẫn đến giá thấp hơn.
Nhưng nếu chính phủ cố tình giới hạn giá xăng ở mức, chẳng hạn, 2 USD/ gallon thì sao? Điều đó sẽ gửi tín hiệu sai đến cả người tiêu dùng và nhà sản xuất. Người tiêu dùng sẽ lái xe nhiều như trước, thậm chí còn nhiều hơn, làm trầm trọng thêm tình trạng khan hiếm, trong khi nhà sản xuất sẽ ít có động lực hơn để tăng nguồn cung. Điều này có thể dẫn đến giá cả thậm chí còn cao hơn nữa trong tương lai hoặc tệ hơn là tình trạng thiếu xăng theo kiểu những năm 1970.
Thuế lợi nhuận chưa thực hiện có thể gây ra việc rút vốn ồ ạt khỏi Hoa Kỳ
Việc ứng cử viên Tổng thống Harris ủng hộ đánh thuế đối với các khoản lợi nhuận chưa thực hiện cũng sẽ gây ra hậu quả sâu rộng cho nền kinh tế Hoa Kỳ. Như tôi đã nói trước đây, đánh thuế đối với các khoản lợi nhuận từ tài sản mà các nhà đầu tư chưa bán không chỉ là vô lý mà còn nguy hiểm. Đây là chính sách sẽ khiến việc rút vốn ra khỏi đất nước ồ ạt với tốc độ chưa từng có, dẫn đến mất doanh thu thuế và làm suy yếu hệ thống tài chính.
Một ví dụ là người Mỹ đã chứng kiến sự di cư ồ ạt của cải từ các tiểu bang có mức thuế cao như New York và California đến các tiểu bang có chính sách về thuế hấp dẫn hơn như Florida và Texas.
Nguồn vốn ồ ạt chảy đến các tiểu bang có mức thuế hấp dẫn
Xu hướng này không chỉ giới hạn trong lãnh thổ Hoa Kỳ. Trên toàn cầu, sự dịch chuyển của các triệu phú từ các quốc gia có chính sách thuế nặng đến các môi trường chào đón hơn đang diễn ra nhanh chóng. Theo Báo cáo Di cư của Henley, ước tính có khoảng 128,000 triệu phú dự kiến sẽ chuyển dịch tài sản trong năm nay, vượt qua kỷ lục trước đó được thiết lập vào năm 2023.
Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đứng đầu về thu hút những người giàu có này bằng cách cung cấp một môi trường thân thiện với doanh nghiệp và điều kiện sống xa hoa. Ngược lại, các quốc gia như Trung Quốc và Vương quốc Anh đang phải đối mặt với tình trạng chảy máu đáng kể của những cá nhân có giá trị tài sản ròng cao (HNWI) do tăng trưởng chậm lại, căng thẳng địa chính trị và chế độ thuế bất lợi.
Tỷ lệ chuyển dịch tài sản của các triệu phú
Những tác động của “cuộc di cư triệu phú” này rất sâu sắc. Những cá nhân giàu có đóng góp đáng kể vào cơ sở thuế, và sự ra đi của họ có thể làm tê liệt tài chính của một quốc gia.
Cần hỗ trợ thị trường tự do và hạn chế sự can thiệp của chính phủ
Các chính sách kinh tế mà Phó Tổng thống Harris ủng hộ - kiểm soát giá và đánh thuế đối với các khoản lợi nhuận chưa thực hiện - là sai lầm và có thể gây nên hậu quả thảm khốc. Như lịch sử đã chỉ ra, các biện pháp này phá vỡ các lực lượng thị trường, kìm hãm tăng trưởng kinh tế và có thể dẫn đến khủng hoảng tài chính.
Nếu chúng ta muốn duy trì sự thịnh vượng của nước Mỹ, chúng ta phải chống lại các chính sách sai lầm này và thay vào đó là chấp nhận các nguyên tắc của thị trường tự do và hạn chế sự can thiệp của chính phủ.
Investing.com