Sức nóng từ thị trường và tăng trưởng kinh tế Mỹ - động lực thúc đẩy đồng USD
Bùi Thu Phương
Junior Analyst
Đồng USD gần chạm mức kỷ lục mà nó đạt được trong thời kỳ đại dịch và hướng tới năm khởi sắc nhất kể từ năm 2020. Khi so sánh với các đồng tiền còn lại, USD đang cao hơn 17% so với mức trung bình trong hai thập kỷ qua.
Các yếu tố vĩ mô mạnh mẽ của nền kinh tế Mỹ đã thúc đẩy sự tăng giá gần đây và khả năng phục hồi kinh tế đã buộc các trader phải nhanh chóng hạ bớt kỳ vọng về việc nới lỏng chính sách tiền tệ của Fed. Triển vọng lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn cũng đã hỗ trợ đồng USD.
USD được hỗ trợ phần lớn từ sự bùng nổ năng suất của Mỹ, sự sôi động của nền kinh tế cho đến dòng vốn chảy vào tài sản Mỹ và sức mạnh của công nghệ trong nước như AI giúp củng cố vai trò thống trị của đồng USD với tư cách là đồng tiền dự trữ của thế giới bất chấp bất kỳ biến động ngắn hạn nào. Những yếu tố cơ bản này sẽ làm giảm tác động của việc cắt giảm lãi suất của Fed và bằng cách giữ cho kinh tế Mỹ tiếp tục thống trị toàn cầu, điều này sẽ tiếp tục củng cố "Chủ nghĩa ngoại lệ của Mỹ" trong tương lai gần.
Trưởng bộ phận chiến lược FX tại Barclays Themistoklis Fiotakis ở London cho biết: "Sức mạnh của đồng USD liên quan đến các yếu tố vĩ mô dài hạn. hông phải là một chu kỳ, đó là một xu hướng."
Trong những tuần gần đây, những ''tay to'' đã từ bỏ các khoản đặt cược giảm giá của đồng USD vào tháng 12. Các trader phi thương mại - một nhóm bao gồm quỹ phòng hộ, các nhà quản lý tài sản và nhà đầu tư đầu cơ đã hạ vị thế bán khống đồng USD đến mức gần như về 0, theo dữ liệu mới nhất được công bố bởi Ủy ban Giao dịch hàng hóa tương lai (CFTC).
Nhà quản lý danh mục đầu tư tại công ty quản lý tài sản Fiera Capital có trụ sở tại Montreal Candice Bangsund cho biết việc điều chỉnh lại kỳ vọng của Fed là "một sự điều chỉnh lớn"."Kỳ vọng đã thay đổi rất nhiều trên thị trường trái phiếu và rõ ràng điều đó cũng ảnh hưởng đến thị trường tiền tệ."
Theo cuộc khảo sát hàng tháng mới nhất của Bloomberg với các nhà dự báo kinh tế, họ đã nâng dự báo tăng trưởng của Mỹ cho năm 2024 lên 2.1% và giảm tỷ lệ dự báo về một cuộc suy thoái sắp xảy ra xuống còn 40%.
Giám đốc quỹ tại Mitsubishi UFJ Asset Management ở Tokyo Kiyoshi Ishigane cho biết: "Nếu tăng trưởng của Mỹ vẫn cao nhất trong số các thị trường hiện nay và lãi suất đồng USD không giảm nhiều, chắc chắn không có lý do gì để nó yếu đi"
Mỹ đang được hỗ trợ, ít nhất là ở thời điểm hiện tại, nhờ sự bùng nổ năng suất có thể giúp bảo vệ nền kinh tế khỏi sự suy thoái toàn cầu. Tuy nhiên, theo Fiotakis của Barclays các tác động ngắn hạn chỉ là kết của một xu hướng mạnh mẽ hơn. Ông Fiotakis nói trong một cuộc phỏng vấn "Mỹ đã đầu tư và tiếp tục tăng cường vào mô hình kinh tế khác biệt hướng tới thúc đẩy nền kinh tế trong nước theo những cách không được đánh giá cao". Ông dẫn chứng sản lượng hàng hóa tăng lên và tầm ảnh hưởng toàn cầu của các công ty Big Tech có trụ sở tại Mỹ.
Đáng chú ý cùng với sự khởi của đồng USD trong năm nay là sự bùng nổ của chứng khoán Mỹ - nổi bật nhất gần đây qua sự tăng giá mạnh mẽ của cổ phiếu nhà sản xuất chip Nvidia sau báo cáo doanh thu ấn tượng tuần trước đã thu hút dòng vốn ổn định chảy vào Mỹ.
Năm nay, nhóm cổ phiếu Big Tech “Magnificent Seven” bao gồm Nvidia cũng như các công ty như Alphabet, Apple và Microsoft đã mang lại lợi nhuận khoảng 13%.
Nhóm chuyên gia chiến lược tiền tệ của Goldman Sachs do Kamakshya Trivedi dẫn đầu đã viết trong một ghi chú gửi cho khách hàng gần đây rằng triển vọng lợi nhuận mạnh mẽ từ các tài sản của Mỹ đã hỗ trợ đồng USD. Họ cũng nói thêm rằng đồng USD đã đạt hoặc vượt mức dự báo ngắn hạn của ngân hàng. Trong một báo cáo riêng vào năm ngoái, các chuyên gia chiến lược vĩ mô của Goldman ước tính tỷ trọng tài sản đầu tư trong danh mục toàn cầu của Mỹ sẽ tăng lên khoảng 26% vào năm 2022 so với khoảng 16% vào năm 2005.
Sự vượt trội của Mỹ diễn ra giữa bối cảnh tăng trưởng ảm đạm ở Châu Âu - nơi dữ liệu gần đây từ Eurostat cho thấy hoạt động kinh tế trì trệ vào cuối năm 2023 và lo ngại dai dẳng xung quanh ngành bất động sản yếu kém của Trung Quốc. Ở Trung Quốc, số liệu cán cân thanh toán năm ngoái cho thấy đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng ở mức thấp nhất kể từ đầu những năm 1990.
Các chuyên gia chiến lược của JPMorgan dự đoán cặp EUR/USD sẽ về mức 1.05 vào giữa năm, từ mức 1.08 ở thời điểm hiện tại, và chỉ số của ngân hàng về đồng USD sẽ tăng nhẹ vào tháng 6 trước khi giảm xuống vào cuối năm.
Sự thống trị của đồng USD có mặt trái. Ở Mỹ, đồng USD mạnh có thể kéo tụt lợi nhuận của các công ty bằng cách ảnh hưởng đến doanh số bán hàng ở nước ngoài. Đây là một rủi ro chính mà công ty đầu tư quốc tế Carlyle Group gần đây đã chỉ ra trong báo cáo thường niên của mình. Đối với các quốc gia khác, đồng USD được định giá cao hơn không chỉ là một vấn đề nhức nhối. Nó làm tăng chi phí nhập khẩu, tăng áp lực lạm phát và có thể đẩy các nhà hoạch định chính sách tiền tệ vào tình huống buộc họ phải tăng lãi suất để ngăn chặn dòng vốn chảy ra ngoài.
Sau đó là câu chuyện chính trị và chính sách. Một số nhà chiến lược của Phố Wall cho rằng kịch bản Donald Trump trở thành ứng cử viên tổng thống Mỹ sẽ có tác động ngắn hạn tích cực với đồng USD vì các chính sách đề xuất ví dụ như áp dụng mức thuế 10% đồng loạt đối với hàng hóa nhập khẩu có thể hỗ trợ cán cân thương mại của Mỹ trong tương lai gần. Tuy nhiên nó cũng có thể làm mất đi vị thế của đồng USD, cùng với nguy cơ rủi ro tiềm ẩn giữa việc quản lý điều hành của chính phủ ngày càng tệ và thâm hụt ngân sách của Mỹ gia tăng.
Chủ tịch kiêm Giám đốc đầu tư Schroders Johanna Kyrklund đã viết trong một ghi chú gần đây "Nhờ việc đồng USD là đồng tiền dự trữ, Mỹ đã có cơ hội vượt qua mức thâm hụt lớn.Tuy nhiên, những dấu hiệu của sự phung phí ngân sách từ các ứng cử viên có thể đẩy sự kiên nhẫn của thị trường đi quá xa”. Cho đến nay, những yếu tố này vẫn chưa làm lung lay vị thế của USD hay sự kiên nhẫn của bất kỳ thị trường nào mà nó hỗ trợ.
Bloomberg