Tài sản rủi ro đang kỳ vọng rất nhiều vào Fed
Đỗ Duy Đạt
Associate Manager, FX G7
Các tài sản rủi ro có thể gặp phải phản ứng bất ngờ (knee-jerk reaction) với bất cứ điều gì Fed công bố trong tuần này, nhưng quan điểm dài hạn của chúng vẫn sẽ phụ thuộc vào cách mà Fed chuyển dịch chính sách từ mức lãi suất thấp kỷ lục hiện tại.
Đặc biệt là thị trường chứng khoán đang kỳ vọng Ngân hàng trung ương sẽ làm như đã nói - giữ lãi suất gần 0 trong 3 năm tới. Tuy nhiên, thị trường cũng có thể mong đợi các nhà hoạch định chính sách hướng tới một kết quả cuối cùng giống như phản ứng sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu (GFC) năm 2008, khi lãi suất thực sự không thay đổi trong vòng 7 năm. Vào thời điểm Fed bắt đầu tăng lãi suất vào năm 2016, chỉ số S&P 500 đã tăng hơn gấp đôi giá trị.
Trong chu kỳ này, có thể có lý do thậm chí còn mạnh mẽ hơn cho các nhà đầu tư tham gia vào thị trường chứng khoán. Một phần là do thị trường Trái phiếu Kho bạc 10 năm trở nên ảm đạm giống như Trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm.
Điều đó không có nghĩa là sẽ không có những trở ngại trên đường đi, khi vị thế thị trường bị lệch nhiều về một phía và có các chất xúc tác trở thành cái cớ cho các động thái chốt lời. Tuy nhiên, bài học hậu khủng hoảng tài chính toàn cầu (GFC) là sự suy yếu của thị trường chứng khoán Mỹ thường không kéo dài quá lâu khi Fed sẵn sàng “làm ngơ” sự cải thiện dữ liệu kinh tế và đưa ra những bình luận trấn an ngay khi thị trường chứng khoán bắt đầu chao đảo.
Các tài sản rủi ro phụ thuộc rất nhiều vào việc Fed giữ vững lộ trình của mình và tác động đến các Ngân hàng trung ương còn lại của G-10 khiến họ cũng làm như vậy. Mặc dù vậy, có lẽ BOJ thực sự xứng đáng được ghi nhận cho những gì đang trở thành hiện tượng “Nhật Bản hóa” của hệ thống Ngân hàng trung ương toàn cầu.