Tại sao thị trường không còn tin vào lời cảnh báo thắt chặt của Fed?
Nguyễn Mai Vinh
Junior Analyst
Lợi suất trái phiếu Mỹ giảm mạnh vào thứ Sáu sau khi chủ tịch Fed Jerome Powell gợi ý rằng “còn quá sớm để kết luận với sự tự tin rằng chính sách tiền tệ đã đủ hạn chế”. Rõ ràng đây là một tuyên bố diều hâu, nhưng thị trường lại tỏ ra thờ ơ và vẫn tiếp tục mua trái phiếu. Có vẻ như các trader không tin rằng Chủ tịch Fed sẽ thực hiện thêm bất kỳ đợt thắt chặt nào nữa. Thị trường đang định giá 5 lần cắt giảm lãi suất đến cuối năm 2024.
Thật vậy, suy đoán rằng chu kỳ thắt chặt đã hoàn thành càng trở nên chắc chắn hơn sau khi ông Powell cho biết chính sách tiền tệ “đã ở phạm vi hạn chế”. Điều này khiến lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm đóng cửa tăng 14 điểm cơ bản, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm tăng 13 điểm cơ bản và chỉ số S&P 500 tăng 0.59%.
Hành động giá thậm chí còn trở nên sôi động hơn khi phiên Á chào tuần mới. Giá vàng cao chưa từng thấy lên mức 2,135 USD/ounce và Bitcoin vượt 40,000 USD. Điều này cho chúng ta biết điều gì? Nếu các loại tài sản này tăng mạnh, liệu chúng ta có đang quay trở lại “thời kỳ tốt đẹp” của nền kinh tế bong bóng Covid không? Hay tài sản không sinh lãi tăng cho thấy thị trường thiếu tin tưởng vào USD?
Có một số lập luận giải thích cho câu hỏi thứ hai. Chỉ số DXY chịu áp lực đáng kể từ khi thị trường kỳ vọng vào việc cắt giảm lãi suất và dấu hiệu giảm phát xuất hiện ở các nền kinh tế lớn. WSJ báo cáo rằng xu hướng giảm phát đang mang lại dấu hiệu tích cực cho các ngân hàng trung ương trong chiến dịch đạt được mục tiêu ổn định giá cả, ngay cả khi lạm phát giá dịch vụ vẫn ở mức cao.
Không còn nghi ngờ gì nữa, điều đó là đúng, nhưng làm thế nào để đảm bảo rằng tốc độ giảm phát là vừa đủ? Thông báo vào tuần trước về việc cắt giảm sản lượng “tự nguyện” của OPEC+ thêm 1 triệu thùng/ngày không thể vực dậy đà suy yếu của giá dầu thô, ngay cả khi USD đang trượt giá. Điều đó cho chúng ta biết gì về tình trạng hoạt động kinh tế? Có lẽ tình trạng giảm phát còn đi xa hơn những gì mọi người thừa nhận.
Nếu WSJ đánh giá giảm phát hàng hóa cao hơn một chút không phải là điều xấu thì họ không đơn độc. Năm 1888, nhà kinh tế học nổi tiếng của Cambridge Alfred Marshall đã nói với Ủy ban Hoàng gia rằng “những tác động tiêu cực do giảm phát thường được đánh giá quá cao”.
Rõ ràng, quan điểm hiện đại cho rằng việc tăng giá sẽ được “ưu thích” hơn là giảm giá. Đây là quan điểm chính thống của các quan chức ngân hàng trung ương, những người từ lâu đã coi giá tiêu dùng thấp hơn là mối đe dọa đối với nền kinh tế. Suy nghĩ này đã ăn sâu kể từ khi áp dụng mục tiêu lạm phát vào đầu những năm 1990. Đây là lý do tại sao kỳ vọng vào việc cắt giảm lãi suất đang tăng dần, ngay cả khi các quan chức ngân hàng nhấn mạnh sự nghiêm túc trong việc thực hiện “lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn”.
Trường hợp này có thể khiến chúng ta liên tưởng đến câu chuyện “Cậu bé chăn cừu”. Tại sao thị trường lại đi tin vào sự đảm bảo của ngân hàng trung ương về ý định diều hâu khi họ chưa bao giờ đưa ra chính sách thắt chặt vào bất kỳ thời điểm nào kể từ khi Long Term Capital Management sụp đổ vào cuối những năm 1990? Họ đã cập nhật các mô hình hay sửa đổi quan điểm của họ về cách thức hoạt động của nền kinh tế chưa?
Câu trả lời là không. Sau ba năm chúng ta vừa trải qua (và 12 năm trước đó), có lẽ sẽ hợp lý nếu đặt câu hỏi liệu nhiệm vụ ổn định giá cả có phải là một điều tốt hay không. Trên thực tế, gần đây Ngân hàng Dự trữ Úc (RBA) đã đặt ra câu hỏi này và kết luận cho có là “có”. Vì vậy, tại sao ta phải đánh giá lại?
Trên thực tế, rất ít nhà kinh tế học chính thống đặt câu hỏi nghiêm túc về tính hữu ích của cơ chế lạm phát mục tiêu. Bất chấp những ý kiến cho rằng các cuộc khủng hoảng tài chính đang trở nên thường xuyên hơn, mục tiêu lạm phát được coi là kim chỉ nam và được chấp nhận rộng rãi trên toàn thế giới. Điều này không phải luôn luôn như vậy. Bản thân Fed đã không có mục tiêu lạm phát chính thức cho đến khi ông Ben Bernanke đưa ra mục tiêu này vào năm 2012. Năm 1937, Ủy ban Ngân hàng và Tiền tệ Úc đã phát biểu về vấn đề này:
“Biến động giá chỉ là bình thường và các cơ quan tiền tệ không nên tìm cách điều tiết tín dụng liên quan đến chỉ số về giá”.
Hàm ý ở đây là nhiệm vụ “ổn định giá cả” không phải là một bước đột phá trí tuệ hiện đại nào đó được hình thành ở New Zealand vào những năm 1990, mà là một ý tưởng cũ đã nhiều lần bị bác bỏ trong quá khứ. Tại sao ý tưởng này lại bị bác bỏ? Bởi vì, nói theo ông Mervyn King, mục tiêu này có thể dẫn đến việc đo lường những thứ không quan trọng và không đo lường được những thứ quan trọng.
Có một lập luận rằng chủ nghĩa tư bản tạo ra hiệu quả sản xuất, giúp giảm chi phí đơn vị theo thời gian. Điều này hàm ý xu hướng giảm phát tự nhiên. Nếu ngân hàng trung ương thiết lập chính sách để giá tăng ở mức 2% mỗi năm, đồng nghĩa với việc lãi suất sẽ luôn thấp (về mặt cấu trúc), từ đó khuyến khích đầu cơ và hình thành bong bóng tín dụng.
Vì vậy, có phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên khi mục tiêu lạm phát được áp dụng vào những năm 1990, bong bóng giá tài sản bắt đầu vào những năm 1990 và lãi suất chính sách ngày càng thấp hơn kể từ những năm 1990? Lãi suất sẽ giảm sớm thôi.
ZeroHedge