Tân thống đốc RBA: Sẽ đưa ra quyết định lãi suất theo từng cuộc họp
Trần Minh Đức
Junior Analyst
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Úc Michele Bullock nói rằng có thể cần phải tăng lãi suất hơn nữa, qua các quyết định của RBA được đưa ra mỗi tháng cho đến năm 2024.
Trả lời câu hỏi sau khi phát biểu tại Đại học Quốc gia Úc tại Canberra hôm thứ Ba, bà cho biết lạm phát ở Úc vẫn còn quá cao và ưu tiên hàng đầu của bà sau khi nắm quyền lãnh đạo Ngân hàng Dự trữ là tiếp tục kiểm soát giá cả.
Bullock, hiện là phó thống đốc và sẽ đảm nhận chức Thống đốc vào giữa tháng 9, cho biết: “Chúng tôi có thể phải tăng lãi suất một lần nữa, nhưng sẽ theo dõi sát các dữ liệu. Và chúng tôi sẽ đưa ra chính sách trong thời điểm hiện tại cho đến năm sau ít nhất là theo từng tháng.”
RBA dường như sắp kết thúc chu kỳ thắt chặt sau khi nâng lãi suất điều hành tăng lên 4.1%, mức cao nhất kể từ tháng 4/2012. Nhận xét của bà Bullock phù hợp với nhận xét của Thống đốc đương nhiệm Philip Lowe, cho thấy 2 vị thống đốc có quan điểm tương đồng về chính sách.
Bà nói thêm: “Tôi không muốn đưa ra bất kỳ dự đoán nào về việc lãi suất có thể duy trì ở mức cao trong bao lâu”. Lạm phát “đang giảm và được dự báo sẽ tiếp tục giảm, nhưng vẫn ở mức quá cao. Vì vậy, ưu tiên hàng đầu vẫn là đưa lạm phát về mức mục tiêu.”
Trước đó, trong bài phát biểu có tiêu đề ‘Biến đổi khí hậu và các ngân hàng trung ương’, Bullock nhấn mạnh rằng các xu hướng liên quan đến khí hậu có thể khiến các ngân hàng trung ương toàn cầu cân nhắc tới việc nhắm mục tiêu lạm phát linh hoạt.
Nhiệm vụ của RBA bao gồm đảm bảo CPI nằm trong khoảng 2-3% trong “thời gian hợp lý”.
Bullock cho biết trong Buổi diễn thuyết hàng năm Sir Leslie Melville: “Đánh giá của RBA đã cân nhắc tới việc liệu có nên áp dụng mục tiêu lạm phát linh hoạt không nhưng nhận thấy rằng nó hoạt động tốt đối với ngân hàng và khuyến nghị nên tiếp tục áp dụng. Tuy nhiên, tôi hy vọng vấn đề này sẽ tiếp tục được tranh luận.”
RBA, cùng với Bộ Tài chính, đang nỗ lực tạo ra một quy định cho phép các nhà đầu tư quản lý rủi ro liên quan tới các vấn đề khí hậu, điều này sẽ hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế phát thải thấp hơn, bà cho biết.
Những ưu tiên hàng đầu của họ bao gồm:
- Hỗ trợ chính phủ thực hiện các yêu cầu công bố thông tin tài chính liên quan đến khí hậu được chuẩn hóa và phù hợp quốc tế cho các doanh nghiệp và tổ chức tài chính lớn
- Giám sát sự phát triển của hệ thống phân loại tài chính bền vững của Úc và các chiến lược phối hợp để ngăn chặn hoạt động tẩy xanh
- Tăng cường cam kết quốc tế về tài chính bền vững
Bullock cho biết vẫn còn những điều không chắc chắn về việc khí hậu sẽ thay đổi như thế nào và điều này sẽ tác động như thế nào đến nền kinh tế và hệ thống tài chính. Cũng khó có thể dự đoán công nghệ xanh sẽ phát triển ra sao và tốc độ thích ứng của các hệ thống khí hậu, kinh tế và xã hội.
Bài phát biểu được đưa ra chỉ vài ngày sau khi một báo cáo của chính phủ cho thấy Úc có thể phải đối mặt với thiệt hại kinh tế lên tới 423 tỷ AUD (274 tỷ USD) do năng suất bị giảm nếu không ngăn chặn được tình trạng biến đổi khí hậu.
Úc là một trong những nước xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch lớn nhất thế giới, điều này cũng khiến nước này trở thành một trong những nước gây ô nhiễm bình quân đầu người lớn nhất. Đảng Lao động cầm quyền đã nỗ lực thay đổi điều này, bao gồm áp đặt mục tiêu giảm phát thải 43% so với mức năm 2005 vào năm 2030 và tăng cấp vốn cho quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo.
Bloomberg