Tăng trưởng chững lại, Trung Quốc đối mặt áp lực tung "phao cứu sinh" kinh tế

Tăng trưởng chững lại, Trung Quốc đối mặt áp lực tung "phao cứu sinh" kinh tế

Quỳnh Chi

Quỳnh Chi

Junior Editor

20:32 15/07/2024

Nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm hơn nhiều so với dự báo trong quý II năm nay. Nguyên nhân chính là do sự suy thoái kéo dài của thị trường bất động sản và tình trạng bấp bênh trong thị việc làm, khiến đà phục hồi vốn đã yếu ớt càng thêm trì trệ. Tình hình này tiếp tục củng cố kỳ vọng rằng Bắc Kinh sẽ cần tung ra thêm các gói kích thích kinh tế mạnh mẽ hơn nữa.

Theo số liệu chính thức, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chỉ tăng trưởng 4.7% trong quý II, thấp hơn nhiều so với dự báo 5.1% của Reuters và giảm so với mức 5.3% của quý trước.

Đáng lo ngại nhất là lĩnh vực tiêu dùng, với tăng trưởng doanh số bán lẻ chạm mức thấp nhất trong 18 tháng. Áp lực giảm phát buộc doanh nghiệp phải giảm giá hàng loạt mặt hàng từ ô tô đến thực phẩm và quần áo.

Lynn Song, chuyên gia kinh tế tại ING nhận định: "Nhìn chung, dữ liệu GDP đáng thất vọng cho thấy con đường đạt mục tiêu tăng trưởng 5% vẫn còn nhiều thách thức". Ông cũng chỉ ra rằng hiệu ứng tiêu cực từ giá bất động sản và cổ phiếu giảm, cùng với tăng trưởng lương thấp đang kìm hãm tiêu dùng.

Reuters Graphics

Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc quý II thấp hơn dự báo

Tập đoàn Swatch, nhà sản xuất đồng hồ lớn nhất thế giới, là một trong những doanh nghiệp chịu áp lực khi báo cáo doanh số và lợi nhuận sụt giảm mạnh do nhu cầu yếu tại Trung Quốc.

Cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài nhiều năm tại Trung Quốc càng trở nên nghiêm trọng trong tháng 6, khi giá nhà mới giảm với tốc độ nhanh nhất trong 9 năm qua. Tình trạng này không chỉ làm suy giảm nghiêm trọng niềm tin của người tiêu dùng mà còn hạn chế khả năng tạo nguồn thu mới thông qua việc bán đất của các chính quyền địa phương.

Các nhà phân tích kỳ vọng cuộc họp lãnh đạo kinh tế quan trọng tại Bắc Kinh tuần này sẽ tập trung vào việc cắt giảm nợ và tăng cường niềm tin, mặc dù giải quyết vấn đề này có thể gây khó khăn cho việc giải quyết vấn đề khác.

Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 5% cho năm 2024, một mục tiêu được nhiều nhà phân tích cho là tham vọng và có thể cần thêm nhiều biện pháp kích thích hơn. Goldman Sachs đã hạ dự báo tăng trưởng năm 2024 của Trung Quốc xuống 4.9% từ mức 5%.

Các chuyên gia kinh tế của Goldman Sachs cho rằng cần thêm các biện pháp nới lỏng chính sách trong phần còn lại của năm nay, trọng tâm cần tập trung vào lĩnh vực tài chính và thị trường nhà ở.

Theo số liệu từ Cục Thống kê Quốc gia (NBS), tăng trưởng GDP quý II của Trung Quốc chỉ đạt 0.7% so với quý trước, giảm mạnh từ mức 1.5% của quý I (đã được điều chỉnh giảm).

Để đối phó với nhu cầu nội địa yếu và khủng hoảng bất động sản, Trung Quốc đã đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng và rót vốn vào sản xuất công nghệ cao. Tuy nhiên, đồng Nhân dân tệ và thị trường chứng khoán vẫn giảm điểm sau khi công bố số liệu đáng thất vọng này. Tuy nhiên, đến cuối phiên giao dịch, thị trường chứng khoán đã đảo chiều và đóng cửa ở mức cao hơn do các nhà đầu tư kỳ vọng chính phủ sẽ tung ra thêm các biện pháp kích thích kinh tế mới trong thời gian tới.

NBS cho biết, ngoài yếu tố thời tiết bất lợi, nền kinh tế còn phải đối mặt với nhiều bất ổn từ bên ngoài và khó khăn nội tại trong nửa cuối năm. Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc không đồng đều khi sản xuất công nghiệp vượt trội so với tiêu dùng nội địa, làm tăng nguy cơ giảm phát trong bối cảnh bất động sản suy thoái và nợ chính quyền địa phương ngày càng gia tăng.

Mặc dù xuất khẩu tăng trưởng tốt đã hỗ trợ phần nào cho nền kinh tế, căng thẳng thương mại leo thang đang đe dọa triển vọng của Trung Quốc.

Số liệu công bố hôm thứ Hai cho thấy sản lượng công nghiệp tháng 6 tăng vượt dự báo nhưng vẫn chậm hơn so với tháng 5. Trước đó, dữ liệu xuất nhập khẩu tháng 6 cho thấy xuất khẩu tăng 8.6% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi nhập khẩu bất ngờ giảm 2.3%. Điều này cho thấy các nhà sản xuất đang đẩy mạnh đơn hàng để tránh bị ảnh hưởng bởi thuế quan từ các đối tác thương mại.

Tuy nhiên, điểm đáng lo ngại nhất là doanh số bán lẻ, chỉ tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái - mức tăng chậm nhất kể từ tháng 12/2022 và thấp hơn dự báo. Xing Zhaopeng, chuyên gia chiến lược Trung Quốc tại ANZ nhận định: "Trong tất cả các số liệu công bố hôm nay, điểm nổi bật là doanh số bán lẻ yếu. Tiêu dùng hộ gia đình vẫn rất thấp... với việc các công ty cắt giảm lương và tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên cao, các hộ gia đình sẽ vẫn thận trọng trong chi tiêu."

Đầu tư bất động sản giảm 10.1% trong 6 tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm ngoái, và diện tích bán nhà giảm 19%. Số liệu cho vay ngân hàng tháng 6 cũng cho thấy nhu cầu tiếp tục suy yếu, với một số chỉ số chính xuống mức thấp kỷ lục.

Để thúc đẩy tăng trưởng, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cam kết duy trì chính sách tiền tệ hỗ trợ. Các nhà phân tích dự báo có thể lãi suất sẽ giảm 10 bps và tỷ lệ dự trữ bắt buộc giảm 25 bps trong quý III.

Chuyên gia của Citi kỳ vọng chính phủ sẽ tung ra thêm các biện pháp hỗ trợ bất động sản sau cuộc họp Bộ Chính trị dự kiến diễn ra vào cuối tháng 7. Trước đó, vào tháng 5, chính quyền đã cho phép các doanh nghiệp nhà nước địa phương mua lại các căn hộ đã hoàn thành nhưng chưa bán được và thiết lập một khoản tín dụng tái cấp vốn trị giá 300 tỷ nhân dân tệ (khoảng 42 tỷ USD) để hỗ trợ cho vay nhà ở giá rẻ.

Harry Murphy Cruise, nhà kinh tế tại Moody's Analytics nhận xét rằng mặc dù nhu cầu cải cách là cao, nhưng khó có khả năng sẽ có những thay đổi đột phá và dự đoán Trung Quốc sẽ chỉ vừa đủ đạt mục tiêu tăng trưởng khoảng 5% cho cả năm nay.

Bloomberg

Broker listing

Cùng chuyên mục

Số vụ kiện đòi bình đẳng thu nhập tại Anh tăng vọt
Quế Anh

Quế Anh

Junior Editor

Số vụ kiện đòi bình đẳng thu nhập tại Anh tăng vọt

Số vụ kiện đòi bình đẳng thu nhập tại Anh đã tăng hơn 30%. Dữ liệu này cho thấy việc các nhà bán lẻ lớn ở quốc gia này liên tục bị kiện có thể đã thúc đẩy người lao động lên tiếng về vấn đề bất bình đẳng tại nơi làm việc.
Fed "gây bão" với việc cắt giảm 50 bps lãi suất: Thị trường chao đảo
Nguyễn Tuấn Đạt

Nguyễn Tuấn Đạt

Junior Analyst

Fed "gây bão" với việc cắt giảm 50 bps lãi suất: Thị trường chao đảo

Fed bất ngờ cắt giảm lãi suất 50 bps, khiến thị trường chao đảo. Mặc dù Powell khẳng định nền kinh tế Mỹ không suy thoái, chứng khoán nhanh chóng lao dốc khi ông cảnh báo không nên kỳ vọng Fed sẽ tiếp tục hạ lãi suất mạnh tay. Quyết định này đã gây ra phản ứng trái chiều và lo ngại về hướng đi tiếp theo của Fed.
Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ