Tăng trưởng vượt kỳ vọng ở Trung Quốc có thể giúp hạn chế các biện pháp kích thích
Nguyễn Tuấn Đạt
Junior Analyst
Dữ liệu tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Trung Quốc có thể khiến hoạch định chính sách hạn chế những biện pháp hỗ trợ nền kinh tế.
Cục Thống kê Quốc gia cho biết, sản lượng công nghiệp đã tăng 7% trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 2 so với cùng kỳ năm trước, vượt xa ước tính của các nhà kinh tế. Đầu tư tài sản cố định tăng 4.2%, cũng mạnh hơn dự báo. Doanh số bán lẻ tăng 5.5%.
Michelle Lam, chuyên gia kinh tế tại Societe Generale SA, cho biết: “Với những dữ liệu này, các nhà hoạch định chính sách có thể sẽ không cần tung ra quá nhiều biện pháp kích thích”. Bà cho biết, cơ quan chức năng sẽ chỉ đưa ra nhiều biện pháp kích hỗ trợ nếu có dấu hiệu tăng trưởng chững lại.
Tăng trưởng doanh số bán lẻ của Trung Quốc
Các số liệu công nghiệp và đầu tư mạnh mẽ cho thấy một số lĩnh vực đang dần phục hồi sau khi các nhà hoạch định chính sách tăng cường kích thích vào cuối năm ngoái. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cũng vượt kỳ vọng.
Các nhà đầu tư đang đồ dồn sự chú ý đến các chiến lược chính phủ đề ra để đạt được mục tiêu tăng trưởng 5%.
Tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị tăng lên 5.3% từ mức 5.1% tính đến tháng 12, phản ánh thị trường lao động ảm đạm gây áp lực lên nhu cầu trong nước. Lĩnh vực bất động sản vẫn là cản trở lớn đối với nền kinh tế, với đầu tư giảm 9% và doanh số bán nhà giảm 33% so với một năm trước.
“Dữ liệu tháng 1 và tháng 2 tốt hơn mong đợi nhưng cũng tiềm tàng những rủi ro. Chính phủ vẫn cần tăng cường hỗ trợ chính sách và tập trung vào các công cụ hỗ trợ để ổn định nhu cầu nhà ở”, Carlos Casanova, chuyên gia kinh tế cấp cao về châu Á tại Union Bancaire Privee ở Hồng Kông, cho biết.
Tăng trưởng đầu tư của Trung Quốc
Chỉ số CSI 300 tăng 0.5% so với mức tăng 0.8% trước đó, trong khi mức tăng của HSCEI cũng chững lại ở 0.3%. Đồng nhân dân tệ, TPCP Trung Quốc kỳ hạn 10 năm cũng ít biến động.
“Nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục phục hồi và cải thiện trong tháng 1 và tháng 2 với nhiều chính sách hiệu quả. Tuy nhiên thị trường ngày càng phức tạp, không chắc chắn, đồng thời vấn đề dư cung vẫn còn tồn tại”, NBS cho biết.
Niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp vẫn bị đè nặng bởi triển vọng thu nhập không chắc chắn. Tình trạng dư cung đang khiến triển vọng xuất khẩu ảm đạm.
Các nhà phân tích cho biết giá tiêu dùng đã tăng trong tháng 2, nhưng sự phục hồi này phần lớn được hỗ trợ bởi hoạt động chi tiêu trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán và có thể chỉ diễn ra trong thời gian ngắn.
Bắc Kinh đã bắt đầu khởi động chương trình bán TPCP đặc biệt có kỳ hạn dài vào năm 2024 và trong những năm tới. Trung Quốc cũng đang vạch ra kế hoạch nâng cấp thiết bị công nghiệp và tăng cường chi tiêu của hộ gia đình đối với hàng tiêu dùng, cam kết tài trợ cho chương trình trị giá hàng trăm tỷ nhân dân tệ bằng ngân sách.
PBoC đã duy trì lập trường chính sách tiền tệ nới lỏng, với việc Thống đốc Pan Gongsheng cho biết sẽ sẵn sàng bơm thêm thanh khoản để hỗ trợ tăng trưởng khi cần thiết.
Tuy nhiên, sự thúc đẩy từ chi tiêu của chính phủ sẽ được bù đắp bằng chiến dịch riêng nhằm hạn chế rủi ro nợ địa phương. Phạm vi cắt giảm lãi suất của PBoC cũng bị hạn chế bởi khoảng cách giữa lợi suất lớn của Mỹ và tỷ suất lợi nhuận tại các ngân hàng Trung Quốc.
Bruce Pang, nhà kinh tế trưởng tại Jones Lang LaSalle, kỳ vọng chính phủ sẽ chủ yếu sử dụng chính sách tài khóa để thúc đẩy tăng trưởng trong những tháng tới với chính sách tiền tệ đóng vai trò hỗ trợ.
Pang cho biết: “Áp lực phải cắt giảm lãi suất và tỷ lệ dự trữ bắt buộc đã giảm đi phần nào trong thời gian tới”.
PBoC tuần trước đã giữ nguyên lãi suất cho các khoản vay một năm và đã rút tiền mặt thông qua công cụ này lần đầu tiên kể từ tháng 11 năm 2022.
NBS chỉ công bố các số liệu tổng hợp trong cả tháng 1 và 2 để giảm bớt sự biến động từ kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
Bloomberg