Thách thức lớn của Trung Quốc trong năm 2022: Khuyến khích người dân tiêu tiền
Đỗ Duy Đạt
Associate Manager, FX G7
Chi tiêu tiêu dùng chậm chạp đã kéo nền kinh tế Trung Quốc đi xuống kể từ sau đại dịch, và khả năng sẽ hỗ trợ rất ít cho nền kinh tế nước này trong năm 2022.
Cùng với bất động sản, tiêu dùng là một trong hai lĩnh vực được các nhà kinh tế lo ngại nhất đối với triển vọng tăng trưởng kinh tế Trung Quốc. Chi tiêu tiêu dùng cũng là lĩnh vực mà các doanh nghiệp và giới đầu tư đặt cược vào vì kỳ vọng sức mạnh chi tiêu của tầng lớp trung lưu Trung Quốc sẽ tăng lên trong những năm tới.
Trong một cuộc họp báo diễn ra hôm qua, các nhà lãnh đạo hàng đầu ở Bắc Kinh đã cảnh báo rằng tăng trưởng kinh nước này đang đối mặt với "áp lực gấp ba" từ nhu cầu yếu, cú sốc cung và kỳ vọng đang yếu đi.
"Vấn đề cốt lõi trong "áp lực gấp ba" này vẫn là nhu cầu suy yếu hay không đủ cầu. Nếu nguồn cầu được cải thiện, kỳ vọng cũng sẽ được cải thiện", ông Wang Jun, chuyên gia kinh tế trưởng tại Zhongyuan Bank nói.
Theo ông, lý do chính khiến tăng trưởng kinh tế không thể duy trì được là do sự suy yếu của nhu cầu. Điều này, theo ông, là do tác động tiêu cực của đại dịch đối với thu nhập của người dân. Việc các chính quyền địa phương cắt giảm chi tiêu cho các dự án hạ tầng và thắt chặt quy định đối với các doanh nghiệp cũng ảnh hưởng đến việc làm.
Về áp lực cú sốc cung, theo ông, chủ yếu liên quan đến đại dịch và các biện pháp nhằm giảm khí thải carbon của Trung Quốc quá quyết liệt. Các hạn chế liên quan đến Covid-19 cũng góp phần gây ra tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, bao gồm cả sự thiếu hụt các thành phần quan trọng như chất bán dẫn.
Nhìn chung, sự không chắc chắn về việc làm và thu nhập làm giảm mức độ sẵn sàng chi tiêu của người dân. Việc Bắc Kinh quyết liệt với nạn đầu cơ trên thị trường bất động sản cũng ảnh hưởng đến nhận thức của các hộ gia đình về sự giàu có, vì phần lớn tài sản của người dân nằm trong bất động sản.
Nhà kinh tế Jianguang Shen tại JD.com cho rằng việc tiêu dùng phục hồi trong năm tới ra sao sẽ có tác động lớn đến nền kinh tế. Theo ông, chính quyền có thể thúc đẩy tiêu dùng bằng cách phát phiếu mua hàng như Hồng Kông đã làm.
Doanh số bán lẻ của Hồng Kông đã giảm mạnh trong năm 2019 và 2020 khi các cuộc biểu tình làm gián đoạn nền kinh tế của thành phố này. Thậm chí ngay cả trước khi đại dịch xảy ra, thành phố này vẫn không thể tiếp cận được với khách du lịch nước ngoài và đại lục. Vì vậy, hồi tháng 8, chính quyền Hồng Kông đã tung ra chương trình phiếu mua hàng, nhờ đó doanh số bán lẻ trong năm tính đến tháng 10 đã tăng 8,45% so với cùng kỳ năm 2020.
Tại Trung Quốc, doanh số bán lẻ của nước này cũng đã giảm trong năm ngoái dù nền kinh tế nói chung vẫn tăng trưởng. Với mức giảm này nên trong quý I/2021 doanh số bán lẻ đã chứng kiến mức tăng vọt, tuy nhiên tốc độ tăng sau đó đã chậm dần, đặc biệt là kể từ mùa hè vừa qua. Tính chung 11 tháng đầu năm, doanh số bán lẻ nước này vẫn tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2020.
Theo ước tính của các nhà phân tích Goldman Sachs, tính theo lĩnh vực, trong năm nay, người tiêu dùng Trung Quốc đã chi tiêu nhiều cho thực phẩm và quần áo hơn các dịch vụ như giáo dục, giải trí. Họ hy vọng rằng sự phân hóa giữa hàng hóa và dịch vụ sẽ giảm nhẹ trong năm tới.
Nhưng, theo các nhà phân tích, ngay cả với dự báo tăng trưởng kinh tế ở mức 7% thì tiêu dùng của các hộ gia đình trên thực tế trong năm tới vẫn dưới mức trước đại dịch. Điều này là do những cản trở từ chính sách "không khoan nhượng" đối với dịch Covid-19 của Trung Quốc và sự suy thoái của lĩnh vực bất động sản.
Goldman Sachs dự báo GDP của Trung Quốc trong năm 2022 sẽ tăng chậm lại ở mức 4,8%, giảm so với mức 7,8% dự kiến trong năm nay.
CNBC