Thành viên Hội đồng Thống đốc Fed: Căng thẳng địa chính trị leo thang đe dọa hệ thống tài chính toàn cầu
Nguyễn Mai Vinh
Junior Analyst
Thành viên Hội đồng Thống đốc Fed Lisa Cook cho biết căng thẳng địa chính trị leo thang, bao gồm cả những xung đột liên quan đến Nga, Trung Đông và Trung Quốc, có thể gây ra tác động tiêu cực đến thị trường tài chính toàn cầu, bao gồm cả lạm phát cao hơn.
“Xung đột giữa Nga và Ukraine tiếp tục gây áp lực lên nhiều nền kinh tế theo những cách khác nhau, bao gồm sự gián đoạn kéo dài đối với thương mại khu vực về thực phẩm, năng lượng và các hàng hóa khác”, bà Lisa cho biết trong bài phát biểu tại Hội nghị Hệ thống Tài chính của Ngân hàng Trung ương Ireland ở Dublin vào ngày 8/11.
“Căng thẳng ở Trung Đông có thể gây thêm rủi ro cho thị trường năng lượng và tài chính, cũng như làm trầm trọng hơn thách thức nhân đạo và di cư toàn cầu”.
Vị quan chức cho biết sự leo thang căng thẳng địa chính trị có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế và thương mại, làm tăng chi phí tài chính và sản xuất, đồng thời góp phần tạo ra những thách thức cho chuỗi cung ứng bền vững và áp lực lạm phát.
“Hệ thống tài chính toàn cầu có thể bị ảnh hưởng bởi rủi ro sụt giảm giá tài sản và thua lỗ đối với các doanh nghiệp và nhà đầu tư”.
Tại Trung Quốc, “sự suy thoái kinh tế hơn nữa có thể đe dọa sự ổn định tài chính toàn cầu” và điều này “có thể lan sang các nền kinh tế thị trường mới nổi khác”, bà Lisa cảnh báo.
Thành viên Hội đồng Thống đốc Fed nhắc lại rằng bà đang theo dõi chặt chẽ những điểm yếu của các tổ chức tài chính phi ngân hàng, bao gồm các quỹ thị trường tiền tệ, quỹ mở và các công ty bảo hiểm.
Bà Lisa không bình luận gì về triển vọng của chính sách tiền tệ.
Các quan chức Fed quyết định giữ lãi suất ổn định vào tuần trước ở mức từ 5.25% đến 5.5%, đỉnh của 22 năm và Chủ tịch Jerome Powell ngụ ý rằng các nhà hoạch định chính sách có thể đã hoàn tất việc tăng lãi suất. Các quan chức Fed hôm thứ Ba cho biết họ vẫn đang đánh giá liệu việc tăng lợi suất trái phiếu chính phủ dài hạn có giúp hạ nhiệt nền kinh tế đủ để không phải tăng lãi suất nữa hay không.
Bloomberg