Thế đối đầu sản lượng giữa Mỹ và OPEC+
Tin Tức Tổng Hợp
feeder
Áp lực Mỹ tạo ra đối với OPEC+, kêu gọi các quốc gia thành viên phải gia tăng sản lượng nhằm hạ nhiệt cơn sốt giá dầu, đã phơi bày ra một vấn đề mà chính tổ chức này đang phải đối mặt.
OPEC và đồng minh, tức OPEC+, đã và đang nới lỏng từ từ kế hoạch hạn chế nguồn cung, có hiệu lực từ năm 2020, khi nhu cầu dầu mỏ toàn cầu sụt giảm mạnh, nhưng với một tốc độ chậm hơn nhiều so với kỳ vọng của Mỹ, vốn rất “sốt ruột” khi giá dầu gần đây tăng lên cao nhất trong vòng 3 năm.
OPEC+, trong đó có cả Nga, đã “ngó lơ” lời kêu gọi gia tăng sản lượng và trung thành với kế hoạch khi chỉ tăng khoảng 400.000 thùng/ngày mỗi tháng kể từ tháng 8. Tổ chức này lo ngại rằng việc gia tăng nguồn cung không kiểm soát sẽ dẫn tới tình trạng dư thừa dầu trong năm 2022.
Hiện tại, OPEC+ lại không thể hoàn thành được mục tiêu kể trên. Sản lượng của OPEC+ đang thấp hơn khoảng 700.000 thùng/ngày so với kế hoạch trong tháng 9 và tháng 10, theo Tổ chức Năng lượng Quốc tế (IEA), khiến cho nhiều người lo ngại rằng giá dầu sẽ duy trì ở mức cao trong một khoảng thời gian dài hơn dự kiến.
Trong quá khứ, các quốc gia thành viên nhỏ tại châu Phi, thậm chí là một số quốc gia Vùng Vịnh lớn hơn, hoàn toàn đủ khả năng gia tăng sản lượng vượt lên trên ngưỡng trần đặt ra bởi OPEC nếu như họ cần thêm nguồn tiền mặt, thường là vào thời điểm giá dầu ở mức thấp.
Nhưng với nguồn vốn đầu tư hạn chế, gây ra bởi đại dịch, vào công tác sản xuất, đồng thời là sức ép bảo vệ môi trường, đặc biệt là tại các quốc gia thành viên có trình độ phát triển chưa cao, thì chỉ có 3 thành viên Arab Saudi, UAE và Iraq mới có đủ năng lực để gia tăng nguồn cung một cách nhanh chóng.
“Dữ liệu gần đây đã phần nào chứng minh sự chính xác trong dự báo của chúng tôi về việc nhiều quốc gia thành viên không còn dư địa để gia tăng công suất”, theo công ty tư vấn Energy Aspects.
Áp lực tăng cung dầu
Dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, Washington tạo sức ép buộc OPEC+ giảm sản lượng trong năm 2020 khi giá dầu giảm sâu và đe dọa tới sự tồn vong của ngành công nghiệp dầu khí của Mỹ. Tổ chức này đã đồng ý cắt giảm tới 10 triệu thùng/ngày, tương đương với 10% nhu cầu toàn cầu.
Khi nhu cầu sử dụng dầu hồi phục nhanh hơn so với dự báo, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã liên tục yêu cầu OPEC+ phải gia tăng nguồn cung dầu, lo ngại rằng việc gia dầu thô tăng cao có thể sẽ phá hủy thành tựu phục hồi kinh tế toàn cầu.
“Các thành viên OPEC+ tỏ ra khá quyết đoán trước những áp lực chính trị nhằm buộc họ phải gia tăng nguồn cung”, Energy Aspects cho biết.
Không thể thuyết phục OPEC+ bơm thêm dầu ra thị trường và phải đối mặt với mức tín nhiệm thấp trước cuộc bỏ phiếu giữa nhiệm kỳ tại quốc hội, ông Biden đã chuyển hướng tìm kiếm sự hợp tác đến từ Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc và Nhật Bản trong một kế hoạch gia tăng nguồn cung dầu.
Kế hoạch này là tương đối phức tạp khi phải được IEA chấp thuận. Theo quy định, kho xăng, dầu dự trữ chỉ được sử dụng khi các quốc gia đối mặt với những cú sốc lớn, ví dụ như chiến tranh, thiên tai, không phải là một phương tiện nhằm ổn định giá cả.
“Việc xả dầu từ kho dự trữ chỉ là một giải pháp ngắn hạn và tạo ra những rủi ro tăng giá dầu giá dầu năm 2022”, Goldman Sachs cho biết.
Cho dù giá dầu tăng cao có thể là động cơ để nhiều quốc gia gia tăng sản lượng, nhưng các khoản đầu tư vào lĩnh vực này đang bị ảnh hưởng bởi các lo ngại liên quan tới vấn đề môi trường, xã hội và quản trị (ESG), bên cạnh đó tình trạng nóng lên toàn cầu, khiến cho các định chế tài chính khắt khe đối với những khoản vay đầu tư trong lĩnh vực khai thác dầu mỏ hơn là những dự án năng lượng xanh.
Theo kế hoạch nới lỏng hạn chế nguồn cung, OPEC+ sẽ giảm mức cắt giảm sản lượng xuống chỉ còn 3,8 triệu thùng/ngày vào ngày 1/12. Nhưng với việc nhiều thành viên OPEC+ không thể gia tăng đủ sản lượng, con số này có thể sẽ lớn hơn so với mục tiêu đã đề ra.
Ăn mòn dư địa
IEA cho biết Angola và Nigeria chiếm tới 90% trong tổng số 730.000 thùng dầu/ngày mà OPEC+ thiếu hụt trong tháng 10.
Energy Aspects dự báo sự thiếu hụt này “sẽ ngày một tăng lên khi mức hạn chế sản lượng giảm xuống”.
Ngay cả khi các quốc gia OPEC+ theo kịp được đà tăng này, dự địa gia tăng sản lượng của nhiều quốc gia cũng sẽ giảm bớt, và điều đó chắc chắn sẽ gây ra sự hoang mang cho các nhà đầu tư, đồng thời thúc đẩy giá dầu tăng cao khi thế giới không còn đủ khả năng sản xuất thêm dầu để đối mặt với những cú shock trên thị trường, nhiều chuyên gia cho biết.
“Khả năng sản xuất thêm của toàn ngành, ở mốc 3-4 triệu thùng/ngày, hiện không phải là mối quan ngại đối với thị trường, tuy nhiên, tôi lo ngại một ngày khả năng đó sẽ dần cạn kiệt”, theo Amin Nasser, CEO Saudi Aramco, chia sẻ với Nikkei Global Management Forum.
Arab Saudi tại đang tiệm cận ngưỡng 10 triệu thùng/ngày, nhưng đã không sản xuất vượt qua con số 11 triệu thùng/ngày trong nhiều tháng, cho dù quốc gia này cho biết họ hoàn toàn có đủ khả năng. Các nhà sản xuất dầu mỏ của Nga như Gazprom Neft, cho biết họ đang gặp khó trong việc gia tăng công suất.
Ngành dầu đá phiến tại Mỹ, trong một vài năm gần đây đóng góp lớn vào sự thay đổi vị thế của quốc gia này từ một nước nhập khẩu dầu mỏ thành một nước xuất khẩu dầu mỏ, hoàn toàn có thể giúp hạ nhiệt giá dầu nếu như được gia tăng sản lượng.
Nhưng những rủi ro tăng giá vẫn còn hiện hữu. Russhell Hardy, lãnh đạo của Vitol, một trong những công ty giao dịch dầu lớn nhất thế giới, chia sẻ với Reuters rằng “khả năng giá dầu sẽ tăng lên ngưỡng 100 USD/thùng hoàn toàn có thể xảy ra”.
Link gốc tại đây.
Theo NDH