Theo dấu dòng tiền: Nguồn vốn FDI "Made in China" đạt đỉnh 8 năm. Vốn chảy vào đâu và mục đích thật sự là gì?
Thành Duy
Junior editor
Đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc đang trên đà đạt mức cao nhất trong 8 năm qua, khi các tập đoàn lớn của nước này đẩy mạnh xây dựng nhà máy ở nước ngoài. Sự thay đổi này có thể góp phần xoa dịu những lời chỉ trích về chiến lược xuất khẩu ồ ạt của Bắc Kinh.
Chiến lược mới chăng?
Theo số liệu được công bố vào tuần trước, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) xuất phát từ Trung Quốc đã lên đến 243 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 33.5 tỷ USD) trong Q1/2024. Đây là mức cao nhất trong Q1 kể từ năm 2016 - trước giai đoạn Bắc Kinh siết chặt dòng vốn ra nước ngoài - và tăng gần 13% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của Trung Quốc đạt mức cao nhất trong 8 năm
Các công ty dẫn đầu làn sóng FDI từ Trung Quốc chủ yếu hoạt động trong những lĩnh vực mà Trung Quốc đang đi đầu so với các đối thủ quốc tế, chẳng hạn như xe điện và năng lượng mặt trời. Những khoản đầu tư này có thể góp phần giảm bớt căng thẳng thương mại bằng cách tạo ra việc làm và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở các thị trường sở tại. Thay vì chỉ tập trung vào gia tăng xuất khẩu, gây áp lực lên các nhà sản xuất nội địa của các nước này, Trung Quốc đang chuyển hướng sang sản xuất trực tiếp tại nước ngoài.
Nhà kinh tế trưởng Khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Natixis SA, bà Alicia Garcia Herrero cho biết: “Trung Quốc muốn sản xuất ở nước ngoài để giảm thặng dư thương mại và quan trọng nhất là giảm công suất thừa. Tôi dự đoán tốc độ dòng chảy FDI từ Trung Quốc sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao. Tuy nhiên, các công ty Trung Quốc vẫn cần chuẩn bị sẵn sàng để đối mặt với các chính sách bảo hộ thương mại."
Ngoài ra, tranh chấp địa chính trị, đặc biệt là với Mỹ và châu Âu, có thể là rào cản đối với các khoản đầu tư của Trung Quốc tại một số quốc gia.
Những ánh nhìn nghi hoặc
Trong những năm 1980, Nhật Bản đã thành công trong việc sử dụng các khoản FDI từ các nhà sản xuất ô tô hàng đầu nước này như một cầu nối để cải thiện quan hệ ngoại giao với các nước khác. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng Nhật Bản thời điểm đó không phải là đối thủ cạnh tranh chiến lược của Mỹ như Trung Quốc hiện nay. Do đó, theo giáo sư Bert Hofman tại Đại học Quốc gia Singapore và cựu Giám đốc Quốc gia Trung Quốc của World Bank, Bắc Kinh có thể sẽ gặp khó khăn trong việc áp dụng chiến lược tương tự. Ông cho biết: "Hiện nay tồn tại sự nghi hoặc lớn đối với các khoản đầu tư của Trung Quốc" ở Mỹ và châu Âu.
Điểm đến của các khoản đầu tư
Hiện tại, vẫn chưa có báo cáo chính thức về phân bổ cụ thể của các khoản đầu tư Trung Quốc trong năm 2023 và 2024. Tuy nhiên, nhìn vào số liệu năm 2022, khoảng 3/4 nguồn FDI từ Trung Quốc chảy vào châu Á. Lưu ý rằng con số này có thể bị ảnh hưởng bởi một phần đáng kể dòng vốn đầu tư được chuyển đến Hồng Kông trước khi được định hướng lại và chảy sang các quốc gia khác, hoặc thậm chí quay trở lại Trung Quốc đại lục trong hoạt động "round-tripping" (tạm dịch là "xoay vòng vốn", ý chỉ trường hợp nguồn vốn được đưa trở về nơi xuất phát dưới dạng FDI mà không làm tăng thêm các dòng vốn đổ vào nước đó). Gần 17% đầu tư được đổ vào lĩnh vực sản xuất, xếp thứ hai trong các lĩnh vực nhận được nhiều vốn đầu tư nhất.
Một báo cáo riêng được công bố trong tuần này cho thấy đầu tư sản xuất của Trung Quốc vào khối ASEAN tăng mạnh, gần gấp bốn lần so với năm ngoái. Với tổng vốn đầu tư 26 tỷ USD, con số này gần gấp đôi tổng mức đầu tư của các công ty Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản cộng lại trong cùng khu vực.
Sự gia tăng đầu tư của Trung Quốc vào ngành sản xuất của ASEAN trong khoảng thời gian từ năm 2012 đến năm 2022
Đầu tư vào chuỗi cung ứng toàn cầu
Các doanh nghiệp Trung Quốc đang rót mạnh tiền vào khâu chế biến các vật liệu quan trọng, chẳng hạn như đầu tư vào khai thác và luyện niken ở Indonesia. Họ cũng đang thực hiện các khoản đầu tư hạ nguồn. Chẳng hạn, trong tuần này, Chery Automobile tuyên bố sẽ trở thành nhà sản xuất ô tô Trung Quốc mới nhất xây dựng nhà máy tại Thái Lan, với mục tiêu bắt đầu sản xuất xe điện vào năm tới.
Bên cạnh đó, Chery cũng ký một thỏa thuận khác trong tháng này để tiếp quản một nhà máy cũ của Nissan ở Tây Ban Nha và sản xuất xe điện tại đây. BYD, nhà sản xuất xe điện lớn nhất thế giới, đã bắt đầu xây dựng nhà máy ở Brazil vào tháng trước - nhà máy đầu tiên của họ bên ngoài châu Á - và đặt mục tiêu bắt đầu sản xuất vào đầu năm 2025. Ngoài ra, BYD còn có một dự án lớn ở Hungary, quốc gia đang trở thành trung tâm hoạt động kinh doanh của Trung Quốc tại châu Âu.
Thủ thuật thuế quan
Trong ngành năng lượng mặt trời, các nhà sản xuất Trung Quốc thống trị toàn cầu đang tìm cách đầu tư nhiều hơn ở nước ngoài sau khi nhiều quốc gia cảm thấy không thoải mái khi phụ thuộc vào đối thủ địa chính trị cho các thiết bị đóng vai trò then chốt trong quá trình chuyển đổi năng lượng. Longi Green Energy Technology và Trina Solar đã công bố kế hoạch xây dựng nhà máy ở Mỹ, nơi chính phủ cung cấp các khoản trợ cấp hào phóng như một phần trong nỗ lực phát triển năng lượng tái tạo của chính quyền Biden.
Theo Hofman, một số khoản đầu tư của Trung Quốc nhằm tiếp cận thị trường Mỹ mà không phải chịu thuế quan. Ông cho biết thêm: "Hiện nay, điều tương tự cũng đang xảy ra với thị trường châu Âu trong bối cảnh dự đoán sẽ có thêm các khoản thuế quan đánh vào hàng hóa Trung Quốc được áp dụng ở đây. Các công ty Trung Quốc cũng có thể đang tính đến nhu cầu yếu tại thị trường nội địa, khi sự suy thoái của ngành bất động sản Trung Quốc đang ảnh hưởng đến chi tiêu của người tiêu dùng."
Sự chuyển hướng trong chiến lược đầu tư
Sự gia tăng xây dựng nhà máy đánh dấu sự chuyển dịch từ đầu tư cơ sở hạ tầng, vốn là trọng tâm chi tiêu nước ngoài của Trung Quốc cho đến gần đây. Đây không nhất thiết là sự thay đổi về mặt địa lý, vì đầu tư vào các quốc gia tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Bắc Kinh được báo cáo đã đạt mức kỷ lục vào năm ngoái.
Tuy nhiên, kể từ suy thoái do đại dịch, nhiều khoản vay của Trung Quốc tài trợ cho cơ sở hạ tầng đã được xếp vào diện nợ khó đòi - trong khi các quốc gia ở Châu Phi và Châu Á đang tìm cách tái cấu trúc và giảm nợ. Điều này đã kích hoạt sự chuyển hướng dòng lao động Trung Quốc tham gia các dự án xây dựng đầu tư. Theo IMF, số lượng công nhân Trung Quốc ở Châu Phi đã giảm gần 2/3 trong giai đoạn từ năm 2015 đến năm 2021.
Bloomberg