Thị trường Châu Á cảm nhận "sức nóng" của áp lực tăng lãi suất, lợi suất trái phiếu toàn cầu tăng vọt
Tùng Trịnh
CEO
Lợi suất trái phiếu chính phủ tăng tại Úc, Nhật Bản và Đông Nam Á khi các nhà đầu tư đánh giá lại rủi ro từ lạm phát.
Lợi suất kỳ hạn 10 năm tăng khoảng 16 điểm cơ bản ở Úc và 12 điểm cơ bản ở New Zealand, trong khi lợi suất cùng kỳ hạn của Nhật Bản tăng 2 điểm cơ bản. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 3 năm của Úc chạm mức cao nhất kể từ năm 2012. Lợi suất trái phiếu chính phủ ở Indonesia, Philippines và Malaysia cũng tăng.
Quyết định bất ngờ của Ngân hàng Trung ương Canada về việc bắt đầu lại chiến dịch tăng lãi suất - theo sau đợt tăng lãi suất hồi đầu tuần ở Úc - đã có tác động ngay lập tức đến các thị trường toàn cầu. Động thái này khiến các nhà giao dịch tăng cường đặt cược vào kịch bản tăng lãi suất của Fed, các giao dịch hoán đổi định giá đầy đủ cho kịch bản Fed sẽ tăng 25bps trong cuộc họp tháng Bảy.
Trong khi đó, thị trường Nhật Bản bị ảnh hưởng lớn từ dữ liệu GDP mạnh hơn nhiều so với ước tính, nền kinh tế Nhật tăng trưởng 2.7% trong quý đầu tiên so với dự báo tăng trưởng 1.9%. Tin tức này khiến đồng Yên mạnh lên.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ ổn định trong phiên Á sau khi tăng mạnh vào thứ Tư, khiến lợi suất 10 năm tăng 14bps.
Chứng khoán châu Á bị đè nặng bởi sự yếu kém của chứng khoán Trung Quốc. Các chỉ số chứng khoán tại Úc, Hàn Quốc và Nhật Bản cũng giảm nhẹ.
Trong phiên Mỹ hôm qua, S&P 500 giảm điểm và Nasdaq 100 có ngày tồi tệ nhất kể từ tháng Tư. Các hợp đồng tương lai chứng khoán Mỹ giảm nhẹ trong phiên Á
Virginie Maisonneuve, giám đốc đầu tư toàn cầu tại Allianz Global Investors cho biết: “Với đà phục hồi mà chúng ta đã có, sẽ là điều bình thường khi chứng khoán tạm dừng một chút, đặc biệt là trong bối cảnh chúng ta thấy rằng lãi suất có thể sớm ổn định, nhưng sẽ duy trì ở mức cao hơn trong thời gian dài hơn”.
Nhà sáng lập của Bridgewater Associates, tỷ phú Ray Dalio, cho biết mặc dù lãi suất không tăng qua cao nữa, nhưng nền kinh tế sẽ trở nên tồi tệ hơn.
“Chúng ta đang ở giai đoạn đầu của cuộc khủng hoảng nợ chu kỳ lớn khi bạn đang tạo ra quá nhiều nợ và thiếu người mua”.
Bloomberg