Thị trường chứng khoán châu Âu đứng trước rủi ro giảm giá
Đoàn Phương Thảo
Junior Analyst
Sau khởi đầu năm mới ảm đạm, chứng khoán châu Âu đang đối mặt với một mùa thu nhập khó khăn trong bối cảnh nền kinh tế yếu kém và người tiêu dùng thận trọng.
Theo dữ liệu của Bloomberg Intelligence, EPS của Stoxx 600 dự kiến sẽ tăng 6.5% vào năm 2024. Các nhà phân tích đã hạ mức tăng trưởng EPS xuống 2.1% trong ba tháng qua, dẫn đầu là vật liệu, công nghệ và năng lượng. Biểu đồ bên dưới cho thấy mức độ giảm lợi nhuận mạnh hơn vài tháng qua, ngay cả khi cổ phiếu tăng giá.
Mức thu nhập của thị trường chứng khoán châu Âu một phần phụ thuộc vào tăng trưởng kinh tế của khu vực, vốn đã yếu ở thời điểm hiện tại. Tâm lý thị trường mặc dù đang cải thiện nhưng vẫn rất tiêu cực. PMI giảm, các nhà kinh tế cũng như thành viên ECB đều lạc quan vào cuối năm 2023. Tuy nhiên, thành viên Ban điều hành Isabel Schnabel cho biết triển vọng ngắn hạn có vẻ yếu, ngay cả khi giai đoạn suy thoái tồi tệ nhất có thể đã kết thúc.
Trong khi lạm phát ở châu Âu đang giảm, biên lợi nhuận được cho là sẽ gặp rủi ro. Theo Goldman Sachs, Stoxx 600 chỉ nhận được khoảng 40% doanh thu từ châu Âu và 20% từ châu Á-Thái Bình Dương.
Lĩnh vực hàng hóa cao cấp, thường được coi là lĩnh vực tăng trưởng cao của châu Âu, lại là một điểm yếu. Hôm thứ Sáu, cổ phiếu Burberry giảm giá sau khi công bố dự báo lợi nhuận tiêu cực. Điều này cho thấy mức độ hoạt động kém hiệu quả của hàng cao cấp trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng chậm lại.
Vào tháng 11, Giám đốc điều hành của Richemont cho biết cầu từ thị trường sẽ giảm dần. UBS đã cho rằng 2024 sẽ đón một mùa thu nhập hàng cao cấp yếu trong bối cảnh nhu cầu ở Trung Quốc giảm. Trong khi đó, Goldman Sachs dự báo tăng trưởng hàng cao cấp toàn cầu năm 2024 sẽ giảm nhưng có phần cải thiện trong nửa cuối năm. Ước tính thu nhập đã giảm trong vài tháng qua và các nhà đầu tư đã không còn ưa thích với thị trường châu Âu như trước.
Chứng khoán Đức, vốn thiên nhiều về các cổ phiếu mang tính chu kỳ như ô tô và công nghiệp, cũng có thể phải đối mặt với một mùa thu nhập khó khăn. Tăng trưởng EPS của DAX đã giảm 3.3% trong ba tháng qua, đặc biệt là trong lĩnh vực ô tô và công nghệ.
Ngành ô tô có vẻ sẽ bước vào năm 2024 đầy thử thách trong bối cảnh nhu cầu và cạnh tranh yếu hơn ở Trung Quốc. Sản lượng sản xuất ô tô của Đức vẫn kém hơn so với trước đại dịch; số lượng đơn hàng của Porsche tại Trung Quốc đã giảm vào năm 2023. Volkswagen đang có kế hoạch cắt giảm chi phí để tăng lợi nhuận do hoạt động kém hiệu quả.
Bán lẻ, lĩnh vực hoạt động tốt nhất ở châu Âu vào năm 2023, có thể sẽ có một năm trầm lắng hơn. Trong khi doanh số bán hàng trong kỳ nghỉ lễ của Marks & Spencer vượt mục tiêu, chuỗi cửa hàng bách hóa này không nâng dự báo lợi nhuận và cho biết triển vọng tăng trưởng kinh tế là “không chắc chắn, kèm theo rủi ro về người tiêu dùng và địa chính trị”. JD Sports dự báo lợi nhuận giảm một phần do chi tiêu thận trọng của người tiêu dùng.
Theo Lazard Freres, những yếu tố khách quan có thể gây áp lực lên thu nhập hơn nữa vào năm 2024. Sự gián đoạn vận chuyển ở Biển Đỏ có thể khiến các công ty gặp khó khăn khi giá cước container tăng vọt và các vấn đề về chuỗi cung ứng vẫn tiếp diễn. Tesco cho biết sự gián đoạn như vậy có thể đẩy lạm phát tăng lên đối với một số mặt hàng tiêu dùng.
Cảnh báo về lợi nhuận của Burberry sẽ tác động tới nền kinh tế khu vực khi mùa thu nhập quý IV bắt đầu, dễ dàng làm chệch hướng đợt phục hồi cuối năm 2023 của chứng khoán châu Âu.
ZeroHedge