Thị trường chứng khoán có đang đi theo cấu trúc "giảm sốc - tăng sốc" như giai đoạn hậu khủng hoảng 2009?
Bảo Chung
Currency Analyst
Đợt giảm giá đầu tháng Chín vừa rồi trên thị trường chứng khoán có thể chỉ là sự khởi đầu cho một chuỗi dài biến động sắp tới, khi thị trường đang hình thành cấu trúc “giảm sốc - tăng sốc” tương tự thời kỳ hậu khủng hoảng 2009.
"Nhịp điều chỉnh 7% của S&P 500 gần đây dường như là sự khởi đầu của chuỗi "giảm sốc - tăng sốc" tương tự như giai đoạn 2009 - thị trường điều chỉnh sâu 3-7% và phục hồi mạnh ngay sau đó, khi nó đang bị chi phối bởi rủi ro bầu cử Tổng thống Mỹ cùng bản chất mở rộng vốn có của các chỉ số chứng khoán tính trên trọng số vốn hóa”, theo Tyno Dwyer, chiến lược gia trưởng tại Canaccord Genuity.
Sau khi chỉ số S&P 500 cùng các cổ phiếu công nghệ đứng đầu trong Nasdaq Composite tiếp tục lập đỉnh cao mới đầu tháng Chín vừa rồi sau đà tăng mạnh mẽ trong tháng Tám, thị trường chứng khoán quay đầu giảm điểm khi nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu của các công ty có vốn hoá lớn nhất thị trường.
Cuối tuần trước, Nasdaq đã bắt đầu pha điều chỉnh khi giảm hơn 10% so với đỉnh cao kỷ lục chỉ trong 3 phiên giao dịch. Cú giảm 4.5% trong tuần trước là nhịp giảm mạnh nhất kể từ tháng ba của chỉ số này. S&P 500 giảm hơn 2% trong tuần trước, và giảm 5.7% so với đỉnh cao nhất mọi thời đại thiết lập ngày 02/09 vừa rồi. Dow Jones giảm 1.7% trong tuần trước. Cả ba chỉ số này đều tăng trở lại trong phiên thứ Hai đầu tuần này.
Trong một ghi chú hồi tháng Tám, Dwyer cho biết nhịp điều chỉnh của nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn có thể sẽ hưởng lợi khi thị trường kỳ vọng quãng thời gian tồi tệ nhất của đại dịch COVID-19 đã qua đi. Triển vọng biến động trong tương lai vẫn ở mức cao khi nhà đầu tư vật lộn với sự luân chuyển giữa các lĩnh vực trong thị trường chứng khoán, mối đe doạ về sự gia tăng số ca nhiễm COVID-19 và quan trọng nhất là “một năm bầu cử phức tạp nhất mà chúng ta từng được chứng kiến.”
Triển vọng bầu cử phức tạp không chỉ bởi sự thiếu chắc chắn về kết quả chung cuộc, mà còn do vô vàn tranh cãi xung quanh quá trình bỏ phiếu cùng câu hỏi liệu bên nào sẽ chịu thất bại trước ngày bầu cử diễn ra.
Cục Dự trữ Liên bang, ngược lại, dễ đoán hơn nhiều. Nhà đầu tư sẽ không phải đi tìm câu trả lời cho vấn đề liệu FED có hỗ trợ cho nền kinh tế hay không, mà là họ sẽ sử dụng công cụ nào trong quá trình đó.
Trong khi đó, nhịp giảm 7% của S&P 500 và gần 11% của Nasdaq đã đưa một số chỉ báo động lượng ra khỏi vùng quá mua. Trong đồ thị bên dưới, số phần trăm các mã cổ phiếu trong nhóm S&P 500 nằm trên đường trung bình động DMA 10 và 50 trên khung daily đã lần lượt giảm xuống 26% và 54%.
Chỉ số CBOE Volatility Index (VIX) hiện đang được giao dịch quanh 26 điểm, biến động nhẹ sau cú tăng đột ngột lên 38 hồi đầu tháng Chín. Chỉ báo Stochastic 14 tuần của S&P 500 Futures giảm về mức 68 từ đỉnh cao lịch sử 98 trước đó.