Thị trường chứng khoán Trung Quốc liệu có khởi sắc trong thời gian tới?
Hoàng Thế Vinh
Junior Analyst
Chứng khoán Trung Quốc tăng điểm sau khi cổ phiếu của các công ty nước này niêm yết tại Mỹ ghi nhận phiên tăng mạnh nhất kể từ tháng 7, được thúc đẩy bởi các biện pháp tài chính hiếm hoi từ Bắc Kinh và việc Chủ tịch Tập Cận Bình tăng cường hỗ trợ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Chỉ số HXC tăng gần 4%, trong đó Bilibili Inc. dẫn đầu đà tăng trong số các công ty công nghệ lớn. KE Holdings Inc., một nền tảng hỗ trợ giao dịch nhà ở, tăng mạnh nhất trong hai tuần và nhà sản xuất xe điện XPeng Inc. đã tăng hơn 10%. Hợp đồng tương lai FTSE China A50 và chỉ số Hang Seng Index cũng đóng góp vào đợt tăng trưởng.
Cơ quan lập pháp đã phê duyệt kế hoạch tăng thâm hụt ngân sách cho năm 2023 lên khoảng 3.8% tổng sản phẩm quốc nội, Tân Hoa Xã cho biết hôm thứ Ba - cao hơn nhiều so với mức 3% đặt ra vào tháng 3. Kế hoạch bao gồm việc phát hành thêm trái phiếu chính phủ trị giá 1 nghìn tỷ CNY (137 tỷ USD) trong quý 4 để hỗ trợ xây dựng và khắc phục thiên tai.
Chuyến thăm PBOC đầu tiên
Trung Quốc hiếm khi điều chỉnh ngân sách vào giữa năm. Điều này từng xảy ra trong giai đoạn khủng hoảng năm 2008, sau trận động đất ở Tứ Xuyên hay cuộc khủng hoảng tài chính châu Á vào cuối những năm 1990.
“Điều này cho thấy Bắc Kinh có thể không hài lòng với giai đoạn tăng trưởng gần đây”, các nhà kinh tế của Nomura Holdings Inc. do Lu Ting dẫn đầu đã viết trong một ghi chú. Ông nói thêm, Trung Quốc có thể sẵn sàng phát hành thêm trái phiếu chính phủ khi các khoản vay ngoài ngân sách của chính quyền địa phương ngày càng không bền vững.
Theo Ming Ming, nhà kinh tế trưởng tại Citic Securities Co, những động thái này sẽ củng cố niềm tin cho thị trường chứng khoán vì đây là một tín hiệu tài chính mang tính chủ động.
Ông Tập cùng với phó thủ tướng Hà Lập Phong và các quan chức chính phủ khác, đã có chuyến thăm đầu tiên tới PBOC kể từ khi ông trở thành chủ tịch nước.
“Với việc mở rộng ngân sách giữa năm hiếm hoi khi đà tăng trưởng đạt kỳ vọng cùng với đó là chuyến thăm tới PBOC của các nhà lãnh đạo cấp cao, các nhà hoạch định chính sách đang phát tín hiệu mạnh mẽ về ý định tái cơ cấu nền kinh tế bằng các biện pháp phối hợp tài chính và chính sách tiền tệ nới lỏng,” các nhà kinh tế học của Morgan Stanley do Robin Xing dẫn đầu đã viết trong một ghi chú. “Điều này tích cực hơn chúng tôi mong đợi và là một bước nữa hướng tới việc tái cơ cấu nền kinh tế.”
Đối với các nhà kinh tế Lisheng Wang và Maggie Wei tại Goldman Sachs Group Inc., “các nhà hoạch định chính sách cấp cao đang tập trung vào nền kinh tế và thị trường tài chính thông qua nhiều hành động khác nhau, điều này có thể giúp củng cố niềm tin ở một mức độ nào đó”.
Andy Rothman, chiến lược gia đầu tư tại Matthews Asia, cho biết trong một email rằng các chính sách mới nhất là một phần trong kế hoạch thực tế được thực hiện kể từ tháng 7 nhằm khôi phục niềm tin của các doanh nhân và người tiêu dùng.
Ông nói: “Tuy nhiên, quá trình này sẽ chậm hơn những gì các nhà đầu tư mong muốn và câu chuyện bi quan về thị trường chứng khoán trong nước của Trung Quốc có thể sẽ không có tiến triển cho đến tận năm sau”.
Bloomberg