Thị trường sáng nay: Chứng khoán chịu áp lực, lợi suất và đô la Mỹ tăng vọt
Tùng Trịnh
CEO
Chứng khoán giảm điểm tại châu Á đầu phiên thứ Ba, sau khi lo ngại về việc thắt chặt tiền tệ của Fed đã khiến cổ phiếu Mỹ có phiên giảm điểm tồi tệ nhất trong hai tháng qua, đồng thời thúc đẩy lợi suất trái phiếu chính phủ và đồng đô la Mỹ.
Các chỉ số chứng khoán ở Nhật Bản, Úc và Hàn Quốc chìm trong sắc đỏ, trong khi HĐTL chỉ số S&P 500 và Nasdaq 100 hồi phục nhẹ sau khi sụt giảm hơn 2% trong phiên Mỹ.
Trung Quốc đã cắt giảm chi phí đi vay và lên kế hoạch cho các khoản vay đặc biệt dành cho các nhà phát triển, quy mô lên tới 200 tỷ nhân dân tệ (29.3 tỷ USD), nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng tài sản tại đây, động thái đã giúp tâm lý thị trường tại Hồng Kông ổn định hơn.
Việc Fed kìm hãm nền kinh tế Mỹ nhằm hạ nhiệt lạm phát vốn đang ở mức cao vẫn là động lực chính trên thị trường toàn cầu. Các nhà giao dịch đang chuẩn bị cho giọng điệu diều hâu của ông Powell tại hội nghị chuyên đề Jackson Hole cuối tuần này.
Trái phiếu chính phủ vẫn chịu áp lực sau đợt bán tháo hôm thứ Hai, lợi suất TPCP Mỹ kỳ hạn 10 năm hiện đang trên 3%. Trái phiếu của Úc và New Zealand giảm. Đồng đô la ổn định và đồng euro giao dịch quanh mức thấp nhất hai thập kỷ.
Các quỹ phòng hộ đã đặt các vị thế short lớn hợp đồng tương lai lãi suất SOFR, vị thế này sẽ có lãi lớn nếu ông Powell loại trừ quan điểm Dovish trong bài phát biểu.
Benjamin Jeffery và Ian Lyngen, chiến lược gia tại BMO Capital Markets, cho biết: Fed có thể vẫn sẽ duy trì tăng lãi suất trong năm nay và coi đây là hoạt động chính, cho dù tốc độ có thể giảm đi.
Những người đi trên dây
Powell và các đồng nghiệp của ông tại Fed dường như đang đi trên dây, cố gắng kiềm chế áp lực giá cả nhưng đồng thời phải ngăn chặn cuộc suy thoái của Hoa Kỳ. Rủi ro tăng trưởng là điều hiển nhiên trên toàn thế giới, kéo dài từ cuộc khủng hoảng năng lượng của châu Âu đến khủng hoảng tài sản của Trung Quốc và những rắc rối của Covid.
Tracy Chen, giám đốc danh mục đầu tư của Brandywine Global Investment Management, cho biết với tổng số nợ ở Mỹ là hơn 30 nghìn tỷ USD, 1% tăng của lãi suất sẽ dẫn đến mức tăng "khủng" hơn 300 tỷ USD tiền lãi
“Về mặt kỹ thuật, Fed có thể tăng lãi suất tới mức nào? Con số 4% - 5% có thực tế không?", bà đặt câu hỏi.
Trong một diễn biến khác, dầu đã vượt ngưỡng 91 USD/thùng sau khi Bộ trưởng Dầu mỏ Saudi Arabia, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman cảnh báo sự mất kết nối giữa thị trường kỳ hạn và các yếu tố cơ bản có thể buộc OPEC và các đồng minh phải hành động.
Bloomberg