Thị trường sáng nay: Cổ phiếu giảm điểm đầu phiên, nhà đầu tư chờ đợi sự kiện Jackson Hole
Tùng Trịnh
CEO
Chứng khoán Châu Á cùng HĐTL chứng khoán Mỹ giảm điểm đầu phiên thứ Hai do các mối đe dọa leo thang đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu, đặc biệt là cam kết của Cục Dự trữ Liên bang trong việc thắt chặt tiền tệ mạnh tay để dập tắt lạm phát.
Chứng khoán tại Nhật Bản, Úc và Hàn Quốc đang giảm trong biên độ 1%, theo sau tuần tồi tệ nhất đối với cổ phiếu toàn cầu kể từ cuối tháng 6.
S&P 500, Nasdaq 100 và các HĐTL chứng khoán châu Âu đồng loạt giảm, đồng đô la ở mức đỉnh cuả tháng, thêm dấu hiệu cho thấy sự thận trọng của nhà đầu tư.
Trái phiếu chính phủ ở Úc và New Zealand giảm và lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ tăng lên khoảng 2.99%
Đà phục hồi của thị trường chứng khoán toàn cầu từ tháng 6 tới nay đã bắt đầu hạ nhiệt, tâm lý thị trường bị đè nặng bởi những cảnh báo lặp đi lặp lại của Fed rằng lãi suất sẽ tăng cao hơn. Khó khăn bao trùm tăng trưởng toàn cầu gần đây, bao gồm cả tình trạng thiếu điện tại trung tâm công nghiệp của Trung Quốc, cũng đang khiến các nhà đầu tư đau đầu.
Chìa khóa cho các thị trường trong tuần này là hội nghị chuyên đề của Fed tại Jackson Hole. Việc cổ phiếu tăng mạnh gần đây đã nới lỏng các điều kiện tài chính, khiến việc giải quyết lạm phát trở nên khó khăn hơn.
Hội nghị Jackson Hole sẽ cho nhà đầu tư manh mối về ý chí của Fed. Kỳ vọng của thị trường rằng Fed sẽ nhẹ tay hơn đã giúp thị trường phục hồi thời gian gần đây, nhưng vẫn còn đó nguy cơ lạm phát trở nên dai dẳng bất chấp tăng trưởng kinh tế gặp khó khăn.
"Hãy tiếp tục diều hâu"
“Có khả năng các lãnh đạo ngân hàng trung ương, bao gồm cả Chủ tịch Fed Powell, sẽ vẫn diều hâu trong việc đối phó với lạm phát, mặc dù có một chút thận trọng trong bối cảnh suy thoái kinh tế đang nổi lên,” Shane Oliver, người đứng đầu chiến lược đầu tư tại AMP Services cho biết.
Tại Trung Quốc, Bloomberg dự kiến lãi suất cho vay sẽ giảm 10 điểm cơ bản vào cuối ngày thứ Hai, khi các ngân hàng tuân theo quyết định của PBoC về việc cắt giảm lãi suất chính sách
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới phải đối mặt với hạn chế di chuyển trong bối cảnh các ca nhiễm Covid gia tăng và tai ương liên tục xảy ra với lĩnh vực bất động sản, bên cạnh cuộc khủng hoảng năng lượng ở tỉnh Tứ Xuyên, một trung tâm sản xuất quan trọng.
Triển vọng nhu cầu của Trung Quốc đang đè nặng lên giá dầu, giá đã giảm xuống dưới 90 USD/thùng. Bên cạnh đó, các cuộc đàm phán hạt nhân của Iran có thể dẫn đến kịch bản nhiều nguồn cung dầu hơn.
Bloomberg