Thị trường tỏ ra thận trọng hơn trước lời cảnh báo về kỳ vọng hạ lãi suất mạnh mẽ
Nguyễn Mai Vinh
Junior Analyst
Các trader cuối cùng cũng chú ý đến lời cảnh báo đến từ các nhà hoạch định chính sách và giảm dự báo về chu kỳ nới lỏng mạnh mẽ trong năm 2024.
Chỉ vài phút sau khi Anh công bố lạm phát tăng bất ngờ, thị trường đã hạ dự báo xuống 4 đợt giảm lãi suất 0.25% trong năm nay, ít hơn so với dự báo 6 đợt của tháng trước.
Dữ liệu doanh số bán lẻ cuối ngày của Mỹ cao hơn ước tính, cho thấy lạm phát vẫn đang đeo bám nền kinh tế. Thông tin này đã khiến các nhà giao dịch giảm kỳ vọng về quy mô nới lỏng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Các trader đang tỏ ra thận trọng hơn, hạ dự báo về chu kỳ nới lỏng của các các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới trong năm nay. Đồng thời, họ cũng lùi thời gian thực hiện động thái đầu tiên, cho rằng xác suất đảo chiều chính sách trong quý đầu tiên sẽ thấp hơn.
Jane Foley, trưởng bộ phận chiến lược FX tại Rabobank cho biết, dữ liệu lạm phát của Anh “sẽ củng cố kỳ vọng rằng BoE sẽ hành động muộn hơn ECB và Fed trong năm nay”.
Cảnh báo của các quan chức về việc hạ lãi suất được xây dựng dựa trên một số nền tảng, bao gồm khả năng phục hồi của việc làm và nền kinh tế, tới lo ngại về lạm phát dai dẳng.
Phát biểu tại Davos ngày 17/1, Giám đốc điều hành State Street, ông Ron O’Hanley cho biết sức khỏe của thị trường lao động và nền kinh tế Mỹ sẽ khiến Fed thà “giữ nguyên lãi suất”.
Ông nói: “Tôi không nghĩ Fed muốn chứng kiến lạm phát quay trở lại”. “Đối với tôi, Fed đã thể hiện rất rõ quan điểm trong biểu đồ dot plot của họ”.
Ngày 16/1, Thống đốc Fed Christopher Waller cho biết ngân hàng trung ương Hoa Kỳ nên hành động cẩn trọng khi bắt đầu cắt giảm lãi suất. Những bình luận này đã đẩy lùi kỳ vọng về chu kỳ nới lỏng.
Thị trường hiện dự báo Hoa Kỳ sẽ cắt giảm lãi suất 1.42% trong năm nay, từ 1.66% vào tuần trước. Tháng 3, từng được chắc chắn là thời điểm bắt đầu cắt giảm, giờ chỉ còn hơn 50% khả năng.
Chủ tịch ECB Christine Lagarde cho rằng định giá của thị trường chỉ là sự xao lãng.
Bà nói: “Kỳ vọng quá cao so với những gì có thể xảy ra sẽ không giúp ích gì cho cuộc chiến chống lạm phát của chúng tôi”.
Thị trường tiền tệ phản ứng bằng cách hạ mức độ cắt giảm dự kiến trong năm nay. Hiện tại, họ kỳ vọng mức cắt giảm 1.37% vào cuối năm - tương đương với 5 đợt giảm 0.25%, với 50% khả năng diễn ra lần cắt giảm thứ 6.
Tại Anh, số liệu lạm phát là động lực chính của thị trường. Các trader hiện ủng hộ 4 lần cắt giảm lãi suất trong năm 2024, so với kỳ vọng trước khi công bố kết quả lạm phát là 5 lần và nhiều nhất là 6 lần chỉ một tháng trước. Động thái đầu tiên được cho là sẽ diễn ra vào tháng 6, thay vì tháng 5.
Nhưng ngay cả khi các ngân hàng trung ương đẩy lùi thời gian và tốc độ, xu hướng lãi suất dường như vẫn được xác định.
James Rossiter, trưởng bộ phận chiến lược vĩ mô toàn cầu tại Toronto Dominion, là một trong số các nhà kinh tế cho rằng chỉ số lạm phát tăng ở Anh là do các thành phần dễ biến động, trong trường hợp này là giá vé máy bay. Do vậy, lạm phát có thể nhanh chóng đảo ngược xu hướng.
Ông nói: “Điều đó vẫn sẽ khiến tỷ lệ lạm phát cao hơn một chút so với dự báo trước đây, nhưng vẫn thấp hơn khá nhiều so với dự báo tháng 11 mới nhất của MPC”. “Chúng tôi mong đợi đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên sẽ diễn ra vào tháng 5. Tuy nhiên, những tháng tới sẽ là một chặng đường khá khó khăn”.
Gián đoạn nguồn cung
Trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg, bà Lagarde nhấn mạnh sự nguy hiểm của việc lạm phát quay trở lại. Những gì đang được “theo dõi sát sao” là cuộc đàm phán tiền lương, tỷ suất lợi nhuận, giá năng lượng và các nút thắt mới.
Các nhà hoạch định chính sách có lý do để cảnh giác. Chuỗi cung ứng gián đoạn trong thời kỳ đại dịch là một trong những nguyên nhân đầu tiên dẫn đến lạm phát trước khi giá năng lượng tăng vọt sau cuộc xung đột giữa Ukraine và Nga.
Susannah Streeter, trưởng bộ phận tiền tệ và thị trường tại Hargreaves Lansdown, cho biết: “Ngày càng có nhiều người cho rằng các ngân hàng trung ương sẽ không hạ lãi suất một cách nhanh chóng”. Họ đang “đối mặt với lạm phát dai dẳng và rủi ro địa chính trị leo thang, đặc biệt ở Trung Đông, với tình trạng vận chuyển gián đoạn đe dọa giá hàng hóa tăng cao”.
Bloomberg