Thị trường Trung Quốc chao đảo, phần còn lại của thế giới thì khởi sắc
Hoàng Thế Vinh
Junior Analyst
Sự bất ổn của nền kinh tế Trung Quốc đã gây ra một cuộc khủng hoảng chứng khoán dẫn đến sự bất bình của công chúng buộc chủ tịch Tập Cận Bình phải thay cơ quan quản lý thị trường mới.
Tuy nhiên, được hỗ trợ ngành công nghệ đang trên đà phát triển của Mỹ, chứng khoán toàn cầu đang tiến gần đến mức kỷ lục, tài sản trú ẩn không còn được ưa chuộng và ngay cả thị trường châu Á cũng không có nhiều biến động.
Điều này hoàn toàn trái ngược với những gì đã xảy ra khi bong bóng chứng khoán Trung Quốc vỡ vào năm 2015 và hai nền kinh tế lớn nhất thế giới lao vào cuộc chiến thương mại vào năm 2018, dẫn đến sự sụt giảm của cả thị trường chứng khoán toàn cầu.
Với đợt bán tháo kéo dài sau ba năm sụt giảm liên tiếp, ngay cả Goldman Sachs Group cũng buộc phải cân nhắc kỹ càng. Nếu không khôi phục được niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài, kịch bản hồi phục kinh tế sẽ trở nên khó thực hiện hơn.
Steve Sosnick, chiến lược gia trưởng tại Interactive Brokers, cho biết: “Trung Quốc dường như đã tách biệt khỏi phần còn lại của thế giới bởi lẽ nền kinh tế toàn cầu vẫn ổn định mà không cần đến Trung Quốc.”
Sự khác biệt lớn xảy ra khi chứng khoán Trung Quốc đã giảm 4.8 nghìn tỷ USD kể từ mức đỉnh năm 2021, bởi cuộc khủng hoảng bất động sản sâu sắc, áp lực giảm phát và sự kiểm soát chặt chẽ của nhà nước đối với khu vực tư nhân. Điều đó đã dẫn đến dòng vốn ra khỏi cổ phiếu đại lục đạt kỷ lục trong 6 tháng tính đến tháng 1.
Chỉ số CSI 300 vẫn giảm 2% trong năm nay mặc dù đã phục hồi hơn 5% trong tuần này. Những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm giải cứu thị trường bằng cách hạn chế bán khống và can thiệp của quỹ đầu tư nhà nước có thể không đủ để đảo ngược tình trạng bi quan này.
Những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm đạt được khả năng tự cung tự cấp trong các ngành công nghiệp quan trọng bao gồm cả công nghệ đã khiến nền kinh tế của nước này phần nào tách rời khỏi phần còn lại của thế giới. Mỹ đã đưa ra một loạt biện pháp trừng phạt nhằm kiềm chế sức mạnh công nghệ của Trung Quốc nhưng trớ trêu thay, động thái này cũng tạo điều kiện cho một số công ty nước này phát triển lợi thế riêng.
Ellen Hazen, giám đốc chiến lược thị trường và quản lý danh mục đầu tư tại F.L .Putnam Investment Management, cho biết Trung Quốc đang cố gắng không phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài và ngăn chặn đầu tư nước ngoài vào nhiều ngành nhằm chống lại ảnh hưởng từ phương Tây. “
Trở lại tháng 8 năm 2015, việc Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ đã gây ra phản ứng dây chuyền trên thị trường toàn cầu, đè nặng lên cổ phiếu và hàng hóa, đồng thời thúc đẩy trái phiếu. Hơn 5 nghìn tỷ USD đã bị xóa sổ khỏi giá trị chứng khoán toàn cầu trong hai tuần.
Mối tương quan CNYUSD với chỉ số ASIADOLR của Bloomberg đã giảm xuống 0.47 từ mức trên 0.70 chỉ bốn tháng trước.
Arjun Jayaraman, nhà quản lý danh mục đầu tư tại Causeway Capital Management, cho biết: “Cổ phiếu Trung Quốc tuy rẻ nhưng lại quá nhiều rủi ro.”
Tất cả những điều này quay trở lại câu hỏi liệu những nỗ lực hỗ trợ thị trường chứng khoán của Bắc Kinh có cho phép họ bắt kịp đà tăng toàn cầu hay không. Chỉ số CSI 300 vẫn thấp hơn 40% so với mức cao nhất năm 2021.
Hsu, giám đốc đầu tư tại Rayliant Global Advisors, lại cho rằng: “Tôi khá lạc quan sự tăng trưởng dài hạn của thị trường Trung Quốc bởi dù sao đây cũng chỉ là vấn đề về tâm lý thị trường.”
Tuy nhiên, sự phục hồi bền vững sẽ đòi hỏi sự thay đổi trong nhận thức của nhà đầu tư về đất nước này.
Theo Nick Ferres, giám đốc bộ phận đầu tư của Vantage Point Asset Management, các hình thức can thiệp trực tiếp vào thị trường của chính phủ sẽ không đủ để thúc đẩy thị trường.
Bloomberg