Thống đốc NHTW Pháp Villeroy: ECB nên xem xét điều chỉnh mục tiêu lạm phát.
Villeroy tuyên bố rằng ông sẵn sàng để lạm phát tăng cao hơn mục tiêu của ECB và thay đổi mục tiêu lạm phát mà tổ chức này đã sử dụng trong gần hai thập kỷ qua
- Các quan chức của ECB có thể cần thay đổi định nghĩa về ổn định lạm phát.
- ECB có thể nới lỏng hơn nữa nếu cần.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Pháp cho biết mục tiêu lạm phát hiện tại là "gần nhưng dưới 2%", thường được hiểu không chính xác rằng 2% là mức trần và tại đó sẽ kích hoạt chính sách thắt chặt hơn một cách máy móc. Thay vào đó, nó nên được coi là mục tiêu lạm phát đối xứng, ông nói tại một hội nghị trực tuyến vào thứ Sáu.
Villeroy nói: “Vì vậy, chúng tôi có thể sẵn sàng chấp nhận lạm phát cao hơn 2% trong một thời gian và nên kiểm tra xem liệu công thức hiện tại có gây ra nghi ngờ về mục tiêu này hay không".
Các bình luận trên là thông tin mới nhất trong đánh giá chiến lược của ECB, kể từ năm 2003. Tổ chức có trụ sở tại Frankfurt này được cho là đã đi ngược lại sau khi Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ kết luận đánh giá riêng với cam kết đặt mục tiêu tỷ lệ lạm phát trung bình là 2%, nghĩa là họ có thể sẽ giữ cho chính sách nới lỏng trong thời gian lâu hơn.
Sự thay đổi đó có thể khiến công việc của ECB trở nên khó khăn hơn khi USD chịu áp lực giảm giá lớn. Một đồng euro mạnh sẽ làm giảm lạm phát bằng cách hạ thấp chi phí nhập khẩu và làm cho các nhà xuất khẩu kém cạnh tranh hơn.
Lạm phát của khu vực đồng Euro hiện xuống dưới 0 lần đầu tiên sau 4 năm vì cuộc khủng hoảng COVID-19. ECB đã không đạt được mục tiêu lạm phát trong phần lớn thời gian của cả thập kỷ qua, mặc dù đã bơm thanh khoản rất mạnh tay và cắt giảm lãi suất xuống dưới 0.
Mỗi khi lạm phát vượt quá 1.5%, các thành viên có thái độ “hawkish” hơn lại bắt đầu tranh luận về việc có nên giảm quy mô kích thích hay không.
Villeroy cho biết, ECB nên đánh giá lạm phát trong trung hạn và "không thể bỏ qua quá khứ" khi đánh giá về việc liệu các hành động của ECB có đáp ứng nhiệm vụ ổn định lạm phát hay không.
Ông nói thêm: “Tất cả những điều này có nghĩa là không phải đặt ra mục tiêu lạm phát trung bình rõ ràng, nhưng vẫn sẽ đạt được những kết quả tương tự và chúng ta sẽ phải thảo luận về điều đó."
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Pháp cũng ám chỉ về khả năng kích thích tiền tệ nhiều hơn trong tương lai. Hầu hết các nhà kinh tế đều mong đợi rằng quy mô của chương trình mua trái phiếu do tác động của đại dịch sẽ được mở rộng trong năm nay.
Ông nói: “Nếu cần, chúng tôi vẫn còn rất nhiều công cụ phong phú để hành động. Không có nghi ngờ gì về sự quyết tâm và năng lực của chúng tôi khi cần thiết"