Thuốc phiện - Vũ khí mới của Trung Quốc với Mỹ?
Nguyễn Mai Vinh
Junior Analyst
Khi tổng thống Joe Biden và chủ tịch Tập Cận Bình gặp nhau tại hội nghị thượng đỉnh kinh tế ở San Francisco vào tháng tới, tổng thống Mỹ sẽ muốn nói chuyện với chủ tịch Trung Quốc về đại dịch Fentanyl đang hoành hành trên khắp nước Mỹ.
Về phần mình, ông Tập sẽ phủ nhận trách nhiệm về hơn 70,000 người Mỹ qua đời vì loại chất gây nghiện này vào năm ngoái. Đồng thời, ông cũng biết rất rõ rằng Trung Quốc là nguồn cung cấp chính của fentanyl xuất hiện tại Mỹ, qua thị trường Mexico.
Và đó là cách nó diễn ra trong nhiều cuộc trao đổi ngoại giao cấp cao nhất giữa Mỹ và Trung Quốc ngày nay. Ví dụ, Thượng nghị sĩ Chuck Schumer đã làm rất căng cuộc khủng hoảng fentanyl khi ông dẫn phái đoàn quốc hội tới Bắc Kinh trong tháng này. Nhưng đề nghị hợp tác của Mỹ với Trung Quốc hầu như chẳng đi đến đâu.
Nếu có ai biết rằng ma túy có thể là một yếu tố địa chính trị thì đó chính là người Trung Quốc. Trong thế kỷ 19, Anh đã đổi thuốc phiện trồng ở Ấn Độ để lấy trà từ Trung Quốc, mặt hàng mà nước Anh có nhu cầu rất cao. Khi người Trung Quốc cố gắng ngăn chặn hoạt động buôn bán phi pháp đang làm suy yếu đất nước của họ, người Anh đã ném bom và dành được quyền buôn bán thuốc phiện. Do đó, với hai cuộc chiến tranh thuốc phiện, đã bắt đầu cái mà người Trung Quốc gọi là “thế kỷ bị phương Tây sỉ nhục”, một thất bại mà ông Tập cam kết sẽ chuộc lại.
Ngày nay, Washington ngày càng tin rằng Bắc Kinh coi hoạt động buôn bán fentanyl là một công cụ và “đặt hợp tác chống ma túy phụ thuộc vào các mối quan hệ địa chiến lược”. Những mục tiêu đó bao gồm từ việc đẩy Mỹ ra khỏi châu Á đến cạnh tranh về vũ khí hạt nhân và nói chung là thách thức Washington về vị thế thống trị toàn cầu.
Nhìn theo cách đó, cuộc khủng hoảng fentanyl có lợi cho Bắc Kinh vì nó làm suy yếu nước Mỹ. Vấn nạn fentanyl bắt đầu cách đây khoảng một thập kỷ và ngay từ đầu, ngành dược phẩm Trung Quốc, ngành lớn thứ hai thế giới sau Mỹ, đã đóng vai trò dẫn đầu. Những kẻ buôn lậu Trung Quốc đã tổng hợp fentanyl, sau đó vận chuyển trái phép sang Mỹ.
Fentanyl - đội lốt những cái tên màu mè như Apache, China Girl, Dance Fever, Friend, Goodfellas, Jackpot hay Murder 8 - mạnh hơn heroin 50 lần và mạnh hơn morphin 100 lần. Điều đó có nghĩa là nó có thể gây chết người chỉ với số lượng rất nhỏ, tương đương với hai hạt muối. Các loại thuốc khác thường có chứa fentanyl, vì vậy người dùng - thường là thanh thiếu niên - thậm chí không nhận thức được rằng họ đang mạo hiểm mạng sống của mình. Hàng trăm người Mỹ tử vong theo cách này gần như mỗi ngày.
Tuy nhiên, nửa thập kỷ trước, Bắc Kinh vẫn bỏ ngỏ khả năng “hâm nóng” quan hệ với Washington. Do đó, vào năm 2019, họ đã hạn chế sản xuất fentanyl ở Trung Quốc và thậm chí còn sử dụng tình báo Mỹ để bắt giữ 9 kẻ buôn lậu ở tỉnh Hà Bắc.
Nhưng các công ty dược phẩm của Trung Quốc, từ các nhỏ lẻ đến các công ty lớn, đã điều chỉnh theo những hạn chế này bằng cách xuất khẩu tiền chất hóa học, gửi chúng cho các tập đoàn ma túy Mexico, những kẻ đã tổng hợp các hợp chất này thành fentanyl và buôn lậu chúng sang Mỹ.
Bắc Kinh không khuyến khích tình trạng tồi tệ này, nhưng cũng không can thiệp. Sau năm 2019, quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ thay vì “tan băng” lại bắt đầu “đóng băng” và ông Tập không còn hứng thú hợp tác, đặc biệt là về fentanyl. Trên thực tế, Trung Quốc đã nhắm mắt làm ngơ trước việc buôn bán chất cấm.
Trong khi đó, cuộc tranh cãi công khai về chính trị nội bộ của Mỹ gần như tập trung hoàn toàn vào Mexico. Điều đó phần lớn là do nhiều thành viên Đảng Cộng hòa tại Quốc hội và tất cả những người tranh cử tổng thống đều bị ám ảnh bởi biên giới phía Nam và có những lời lẽ cứng rắn đối với người Mexico. Với tư cách là tổng thống, ông Donald Trump đã suy nghĩ về việc đánh bom các phòng thí nghiệm ma túy ở Mexico. Hay đối thủ của ông, từ Ron DeSantis tới Nikki Haley, đang hứa sẽ đưa lính Mỹ sang Mexico.
Điều này rõ ràng là điên rồ. Chúng ta không cần một cuộc Chiến tranh Mỹ-Mexico khác mà cần sự hợp tác. Mexico phải trấn áp các trùm ma túy với sự giúp đỡ của Mỹ nếu được chấp nhận. Chính quyền Biden có quyền truy tố và trừng phạt các cá nhân và công ty Trung Quốc kinh doanh fentanyl, như họ đã làm trong tháng này.
Về phần mình, Trung Quốc tỏ ra phẫn nộ khi đối mặt với vấn đề này. Vào tháng 9, khi ông Biden thêm Trung Quốc vào danh sách những quốc gia tồi tệ nhất trong đường dây buôn bán ma túy bất hợp pháp, Bắc Kinh đã tức giận về “một hành động bôi nhọ ác ý”. Nếu Hoa Kỳ gặp vấn đề về fentanyl, Trung Quốc đáp trả, thì họ phải tìm cách làm giảm nhu cầu. người Mỹ phải học cách nói không.
Điều đó vẫn đúng như vào những năm 1830, khi Trung Quốc trở thành quốc gia nghiện thuốc phiện, hay bất kỳ nạn dịch ma túy nào. Nhưng nói thì dễ hơn làm rất nhiều.
Do đó, fentanyl trở thành một trong những mối đe dọa bên cạnh chiến tranh với Nga, khủng bố Hồi giáo và phổ biến vũ khí hạt nhân trong chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia Hoa Kỳ. Ông Biden đã thừa nhận điều đó bằng cách gộp 1 tỷ USD để chống buôn bán fentanyl vào gói chi tiêu 105 tỷ USD gửi Quốc hội để hỗ trợ Ukraine, Israel và Đài Loan. Với số ca tử vong do fentanyl tăng vọt, San Francisco sẽ là nơi thích hợp để ông giải thích với ông Tập rằng không bên nào được hưởng lợi từ Chiến tranh Fentanyl.
Bloomberg