Kể từ báo cáo CPI công bố thứ Tư tuần trước, với lạm phát chỉ đạt 8.5%, thấp hơn kỳ vọng 8.7%, thị trường chứng khoán như được thổi bùng sức sống. Áp lực giá giảm sâu hơn dự kiến đồng nghĩa với việc Fed nhiều khả năng sẽ không thắt chặt mạnh tay nữa, và tài sản rủi ro thăng hoa. Tuy nhiên, cũng nên lưu ý rằng lạm phát vẫn đang ở mức hơn 8%, và thị trường có thể sẽ sớm nhìn nhận lại vấn đề này, đặc biệt khi các quan chức Fed vẫn đang cực kỳ hawkish với triển vọng lãi suất. Cả 3 chỉ số chính tại Mỹ đều chốt phiên tăng mạnh:
- Chỉ số Dow Jones +1.27%, cả tuần +2.92%
- Chỉ số S&P 500 +1.73%, cả tuần +3.26%
- Chỉ số Nasdaq +2.09%, cả tuần +3.08%
Trên thị trường tiền tệ, đồng đô la đã có một phiên hồi phục tương đối ổn sau pha sập mạnh ngày thứ Tư nhờ một số bình luận có phần hawkish của các quan chức Fed, và kỳ vọng tăng lãi suất 75bp trong tháng 9 hồi phục. Tuy vậy, USD vẫn chốt tuần giảm so với hầu hết các đồng tiền chính khác, và các đồng tiền high-beta, tiêu biểu là AUD và NZD, vẫn tăng trong phiên, khi thị trường tin rằng lạm phát hạ nhiệt cũng đồng nghĩa với việc Fed sẽ không cần phải mạnh tay với chính sách trong dài hạn:
- Chỉ số DXY +0.56% lên 105.67 điểm, cả tuần +0.85%
- EURUSD -0.6%, cả tuần +0.75%
- GBPUSD -0.55%, cả tuần +0.54%
- AUDUSD +0.27%, cả tuần +3.04%
- NZDUSD +0.27%, cả tuần +3.33%
- USDJPY +0.38%, cả tuần -1.15%
- USDCHF +0.02%, cả tuần -2.13%
- USDCAD +0.09%, cả tuần -1.25%
Vàng chốt phiên +0.7% (+$12.5/oz) lên $1,802/oz, lần đầu tiên đóng cửa trên $1,800 kể từ đầu tháng 7 và chốt tuần tăng thứ tư liên tiếp, bất chấp USD mạnh lên, nhờ việc lợi suất suy yếu. Lợi suất trái phiếu trung và dài hạn đều giảm (chỉ riêng lợi suất 2 năm tăng), với lợi suất 10 năm giảm 5bp xuống 2.83%. Chênh lệch lợi suất 2-10 năm tiếp tục đảo ngược gần mức sâu nhất kể từ bong bóng dot-com năm 2000, hiện ở mức -41bp. Dầu cũng giảm do lo ngại mùa lái xe không mấy sôi động tại Mỹ và Trung Quốc đóng cửa ảnh hưởng tới nguồn cung; dầu WTI giảm 2.38% ($2.2/thùng) xuống $92.09/thùng, còn dầu Brent giảm 1.46% ($1.45/thùng) xuống $98.15. Giá dầu suy yếu cũng đã phần nào gây thêm sức ép lên CAD.
Hôm nay, lịch kinh tế tương đối nhẹ nhàng với báo cáo doanh số bán lẻ Trung Quốc và số liệu sản xuất Fed New York. Tuy nhiên, tuần này cũng sẽ cực kỳ bận rộn với biên bản cuộc họp RBA và doanh số bán lẻ Canada vào thứ Ba, quyết định lãi suất RBNZ, CPI Anh và doanh số bán lẻ Mỹ vào thứ Tư và biên bản cuộc họp FOMC vào rạng sáng thứ Năm.