Tiêu dùng tại châu Âu đang từng bước phục hồi sau khi ECB hạ lãi suất

Tiêu dùng tại châu Âu đang từng bước phục hồi sau khi ECB hạ lãi suất

Nguyễn Tuấn Đạt

Nguyễn Tuấn Đạt

Junior Analyst

17:06 03/10/2024

Tiêu dùng châu Âu đang trên đà phục hồi nhờ lãi suất giảm và niềm tin được củng cố. Tuy nhiên, dù có nhiều yếu tố tích cực, chi tiêu vẫn diễn ra chậm rãi, đặc biệt ở phân khúc thu nhập thấp.

Đại dịch Covid-19 đã gây ra những xáo trộn lớn trong hành vi tiêu dùng của người dân châu Âu, nhiều người buộc phải điều chỉnh thói quen chi tiêu để thích ứng với tình hình mới. Nhu cầu nâng cấp công nghệ và thiết bị văn phòng tại nhà gia tăng khi nhiều người phải làm việc từ xa, trong khi những người có khả năng tài chính đã chi tiêu cho các món đồ giải trí như bể bơi mini hoặc xe mới để tận hưởng cuộc sống tại nhà. Tuy nhiên, sau khi các hạn chế do Covid-19 được nới lỏng, cuộc chiến giữa Nga và Ukraine đã làm gia tăng giá năng lượng, dẫn đến lạm phát và gây áp lực lên chi phí sinh hoạt. Lãi suất cao hơn đã ảnh hưởng tiêu cực đến thu nhập thực tế, khiến sức mua giảm và làm giảm niềm tin của người tiêu dùng. Khi cảm thấy không chắc chắn về tương lai, họ có xu hướng tiết kiệm nhiều hơn và chi tiêu ít hơn, dẫn đến sự gia tăng tỷ lệ tiết kiệm.

Vào thời điểm hiện tại, người tiêu dùng hiện tập trung vào những mặt hàng thiết yếu như thực phẩm và sản phẩm cơ bản, nhiều người bắt đầu chi tiêu cho du lịch và giải trí để bù đắp cho khoảng thời gian bị hạn chế. Điều này đã dẫn đến sự phục hồi mạnh mẽ cho ngành khách sạn và hàng không, trong khi các công ty tài chính, ngân hàng và bảo hiểm cũng chứng kiến lợi nhuận gia tăng nhờ vào nhu cầu tăng cao. Ngược lại, lợi nhuận của các công ty trong lĩnh vực hàng công nghiệp và hàng tiêu dùng lại thu hẹp do người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu cho các sản phẩm không thiết yếu.

Có nhiều yếu tố tích cực đang tạo điều kiện cho sự phục hồi của người tiêu dùng ở châu Âu, đặc biệt là ở Vương quốc Anh. Lạm phát giảm và tiền lương đang tăng, cho phép người tiêu dùng có sức mua cao hơn. Hơn nữa, các hộ gia đình châu Âu có thể đang nắm giữ một lượng tiết kiệm lên tới 8.2% GDP vào cuối năm 2023, cung cấp nguồn lực tài chính dồi dào để chi tiêu. Niềm tin của người tiêu dùng cũng đang hồi phục, điều này rất quan trọng vì khi họ cảm thấy tự tin về tình hình tài chính, họ sẽ có xu hướng chi tiêu nhiều hơn. Cuối cùng, việc giảm thuế thu nhập lên tới 4% ở Vương quốc Anh trong năm qua giúp người tiêu dùng có thêm thu nhập khả dụng để chi tiêu. Tất cả những yếu tố này đều góp phần vào việc khôi phục sức mua và sự chi tiêu của người dân, thúc đẩy sự phục hồi kinh tế.

Do đó, khá ngạc nhiên khi các công ty tiêu dùng châu Âu không đạt được kỳ vọng về lợi nhuận trong kỳ báo cáo gần đây dù có nhiều yếu tố hỗ trợ cho sự phục hồi tiêu dùng. Các nhà phân tích chứng khoán giải thích rằng nhóm người có thu nhập cao vẫn giữ vững khả năng chi tiêu đối với các hàng hóa, dịch vụ cao cấp. Tuy nhiên, sự yếu kém trong chi tiêu lại xuất hiện rõ ràng hơn ở nhóm thu nhập thấp, nơi mà người tiêu dùng có xu hướng bị ảnh hưởng nhiều hơn bởi các yếu tố như lạm phát và lãi suất cao, dẫn đến việc họ thắt chặt chi tiêu và giảm mua sắm.

Người tiêu dùng đang sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn. Chỉ là tiến độ diễn ra chậm. Sreedhar Mahamkali, nhà phân tích của UBS, nhấn mạnh rằng có bằng chứng về sự cải thiện tại các siêu thị ở Anh, nơi người tiêu dùng đang tiêu dùng nhiều hơn và mua các sản phẩm chất lượng cao hơn. Tuy nhiên, bên cạnh đó, chưa có dấu hiệu rõ ràng cho thấy sự gia tăng mạnh mẽ trong chi tiêu đối với hàng hóa tùy ý như quần áo, ô tô hoặc đồ gia dụng bền. Điều gì đã xảy ra? Tại sao bối cảnh tiêu dùng lành mạnh không chuyển thành sự phục hồi nhanh hơn trong chi tiêu?

Điều này có thể do lãi suất. Mặc dù ECB và BoE đã cắt giảm lãi suất, con số này vẫn ở mức cao. Lãi suất thực dự kiến ​​trong hai năm (sau khi trừ lạm phát) đã tăng từ mức -4% vào năm 2022 lên mức +1.5% vào năm 2023 và gần đây vẫn ở mức 0.75%. Điều này giúp giải thích tại sao Chỉ số hàng tiêu dùng và dịch vụ Stoxx 600 hoạt động kém hơn Chỉ số Stoxx 600 30% trong 18 tháng qua và giảm tới 20% so với năm ngoái.

Người tiêu dùng có thu nhập thấp có thể nhạy cảm hơn nhiều với lãi suất do họ phải tiếp xúc với các khoản vay tiêu dùng, vay mua ô tô, cho thuê và thế chấp. Tuy nhiên, các khoản vay mua ô tô giá rẻ được ấn định vào năm 2021-22 sẽ dần đáo hạn. Các hộ gia đình may mắn được cố định lãi suất thế chấp ở mức thấp trong đại dịch cũng sẽ cần phải tái thế chấp. Một đợt cắt giảm lãi suất đơn lẻ không làm giảm bớt những gánh nặng lớn này lên thu nhập khả dụng.

Khi lãi suất giảm, người tiêu dùng sẽ cảm thấy ít áp lực hơn trong việc trả nợ hoặc vay tiền. Điều này có thể thúc đẩy họ chi tiêu nhiều hơn, đặc biệt là cho các mặt hàng giá trị cao hơn như ô tô, đồ điện tử, hoặc đồ gia dụng, những thứ thường được mua bằng các khoản vay.

Sự suy yếu của kinh tế Trung Quốc có thể hạn chế sự cải thiện cho một số cổ phiếu công ty tiêu dùng, đặc biệt là các công ty sản xuất ô tô đại chúng và các thương hiệu xa xỉ. Tuy nhiên, các công ty nhỏ hơn ở những nền kinh tế nhạy cảm với lãi suất và các yếu tố kinh tế vĩ mô có thể hưởng lợi nhiều hơn từ các điều kiện thuận lợi. Ví dụ, các nền kinh tế như Tây Ban Nha, Scandinavia, và đặc biệt là Vương quốc Anh đang có cơ hội tốt hơn để phát triển nhờ hưởng lợi từ lãi suất giảm và các yếu tố hỗ trợ khác. Ngoài ra, cổ phiếu của các công ty tiêu dùng Anh đã tăng khoảng 13% kể từ cuộc bầu cử vào tháng 7, cho thấy rằng bối cảnh chính trị cũng có tác động tích cực đến niềm tin và sự hồi phục của thị trường tiêu dùng ở Vương quốc Anh.

Hy vọng rằng, lãi suất thấp hơn cũng sẽ thúc đẩy thị trường bất động sản. Điều này cũng sẽ hỗ trợ các công ty hàng hóa lâu bền. Các thông báo gần đây của chính phủ Anh về việc tăng cường khởi công xây dựng nhà ở có thể là một yếu tố quan trọng góp phần vào sự tăng trưởng trở lại của nền kinh tế Vương quốc Anh.

Trong dài hạn, chi tiêu của người tiêu dùng cho hàng hóa sẽ đóng vai trò quan trọng trong sự phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19. Lý do là tiền chi tiêu cho dịch vụ thường có "giá trị gia tăng gộp" thấp, nghĩa là nó không tạo ra tác động kinh tế lan rộng. Ví dụ, khi một người chi tiêu cho dịch vụ như cắt tóc hoặc ăn uống, giá trị kinh tế chỉ giới hạn ở dịch vụ đó, và không lan rộng qua nhiều khâu khác. Ngược lại, tiền chi cho hàng hóa có "giá trị gia tăng gộp" cao hơn vì nó thúc đẩy các chuỗi cung ứng, tức là các khâu sản xuất, vận chuyển, và phân phối hàng hóa. Các chuỗi cung ứng càng dài và phức tạp, tiền chi tiêu càng được lan tỏa và kích thích nhiều ngành công nghiệp, tạo ra nhiều việc làm và giá trị kinh tế hơn. Do đó, khi người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn cho hàng hóa, sự phục hồi kinh tế sẽ sâu rộng hơn.

Financial Times

Broker listing

Cùng chuyên mục

Từ thương mại đến vấn đề Đài Loan: Bước đi thận trọng của Chủ tịch Tập Cận Bình trước kỷ nguyên Trump 2.0
Ngọc Lan

Ngọc Lan

Junior Editor

Từ thương mại đến vấn đề Đài Loan: Bước đi thận trọng của Chủ tịch Tập Cận Bình trước kỷ nguyên Trump 2.0

Giữa thời khắc lịch sử khi nước Mỹ đang trong giai đoạn chuyển giao ghế Tổng thống, bức tranh địa chính trị toàn cầu vẫn không ngừng xoay chuyển, bất chấp sự chờ đợi đến ngày 20/1 - thời điểm đánh dấu sự thay đổi quyền lực chính thức tại Nhà Trắng.
Tổng thống Nga Putin cảnh báo về mối đe dọa chiến tranh toàn cầu đang hiện hữu từ Ukraine
Ngọc Lan

Ngọc Lan

Junior Editor

Tổng thống Nga Putin cảnh báo về mối đe dọa chiến tranh toàn cầu đang hiện hữu từ Ukraine

Trong bài phát biểu hôm thứ Năm, Tổng thống Vladimir Putin đã đưa ra tuyên bố nghiêm trọng về tình hình chiến sự Ukraine. Theo người đứng đầu điện Kremlin, cuộc xung đột đang có nguy cơ vượt khỏi tầm kiểm soát và biến thành một cuộc đối đầu toàn cầu, sau khi Hoa Kỳ và Anh Quốc cho phép Ukraine sử dụng vũ khí của họ nhằm vào lãnh thổ Nga. Ông cũng không quên gửi lời cảnh báo tới phương Tây về khả năng đáp trả của Moscow.
Mỹ dỡ bỏ lệnh hạn chế tên lửa cho Ukraine đối phó liên minh Nga - Triều Tiên và thế cục mới từ chiến thắng của Trump
Ngọc Lan

Ngọc Lan

Junior Editor

Mỹ dỡ bỏ lệnh hạn chế tên lửa cho Ukraine đối phó liên minh Nga - Triều Tiên và thế cục mới từ chiến thắng của Trump

Trong một bước ngoặt chính sách đáng chú ý, Tổng thống Joe Biden đã quyết định dỡ bỏ lệnh cấm Ukraine sử dụng tên lửa Mỹ để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga. Quyết định này được đưa ra sau khi Triều Tiên chính thức tham chiến, và càng trở nên khẩn thiết hơn khi cựu Tổng thống Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 5/11.
Bitcoin bứt phá ngoạn mục lên mốc 98,550 USD giữa làn sóng chuyển mình của thị trường tiền điện tử
Ngọc Lan

Ngọc Lan

Junior Editor

Bitcoin bứt phá ngoạn mục lên mốc 98,550 USD giữa làn sóng chuyển mình của thị trường tiền điện tử

Bitcoin đang tiến sát ngưỡng lịch sử 100,000 USD, được tiếp thêm động lực mạnh mẽ từ triển vọng về khung pháp lý thuận lợi tại Hoa Kỳ, cùng làn sóng đầu tư dâng cao nhờ sự ủng hộ nhiệt thành của Tổng thống đắc cử Donald Trump đối với thị trường tiền điện tử.
Trump liệu có ''dễ tính'' hơn so với những cố vấn của ông trong các vấn đề về liên quan tới Trung Quốc?
Huyền Trần

Huyền Trần

Junior Analyst

Trump liệu có ''dễ tính'' hơn so với những cố vấn của ông trong các vấn đề về liên quan tới Trung Quốc?

Tổng thống đắc cử Donald Trump đã chọn các cố vấn và nhân vật chủ chốt có lập trường cứng rắn với Trung Quốc, trong khi vẫn duy trì một chiến lược thương mại mềm mỏng hơn để không làm ảnh hưởng đến thị trường. Tuy nhiên, cách ông Trump đối phó với Trung Quốc sẽ phụ thuộc vào sự tương tác với ông Tập Cận Bình và các yếu tố kinh tế, chính trị toàn cầu.
Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ