Toàn cảnh thị trường: Phố Wall lùi bước ngày cuối năm sau chuỗi tăng điểm lịch sử
Quỳnh Chi
Junior Editor
Thị trường chứng khoán Mỹ trải qua chuỗi phiên giao dịch biến động kéo dài đến ngày giao dịch cuối cùng của năm 2024, tạo nên một kết thúc không mấy tích cực cho một năm đầy thành công của các nhà đầu tư cổ phiếu tại Bắc Mỹ.
Chỉ số S&P 500 và Nasdaq 100 suy giảm trong phiên thứ tư liên tiếp trong đợt điều chỉnh cuối năm, xóa sổ hơn một nghìn tỷ USD giá trị vốn hóa của các bluechip. Tuy nhiên, đà giảm này chỉ là một phần nhỏ trong xu hướng tăng tổng thể đã đưa S&P 500 tăng trưởng hơn 50% kể từ đầu năm 2023, đánh dấu mức tăng hai năm mạnh nhất kể từ cuối thập niên 1990.
Mặc dù lợi suất trái phiếu tăng trên toàn kỳ hạn vào thứ Ba, chỉ số tổng hợp Trái phiếu chính phủ Mỹ vẫn ghi nhận mức tăng trong năm, dù khiêm tốn hơn so với năm 2023. Chỉ số Bloomberg Dollar Spot ghi nhận năm tăng trưởng mạnh nhất trong gần một thập kỷ.
Năm 2024 chứng kiến sự thống trị của cổ phiếu, đặc biệt là cổ phiếu công nghệ Mỹ, vượt trội hơn hẳn so với các loại tài sản khác. S&P 500 đã tăng trưởng 23% trong năm 2024, đánh dấu năm tăng điểm thứ năm trong sáu năm, trong một đợt rally đã bổ sung thêm 10 nghìn tỷ USD vào tổng giá trị vốn hóa thị trường Mỹ. Chỉ số MSCI All-Country World ghi nhận mức tăng 16%.
Quỹ ETF Vanguard Total Bond Market kết thúc năm với mức sinh lời 1.5% bao gồm cổ tức, trong khi Chỉ số Hàng hóa Bloomberg đi ngang. Quỹ ETF RPAR Risk Parity - theo dõi danh mục đầu tư đa tài sản bao gồm cổ phiếu, trái phiếu và hàng hóa - cũng gần như đi ngang sau khi sụt giảm 6% trong tháng 12.
Dù nền kinh tế Mỹ vẫn duy trì đà tăng trưởng, các nhà đầu tư đa tài sản đang bước vào năm 2025 với nhiều thách thức, trong đó nổi bật nhất là lạm phát và phản ứng chính sách của Fed - đặc biệt sau khi Chủ tịch Jerome Powell báo hiệu sẽ thận trọng hơn với việc cắt giảm lãi suất trong thời gian tới. Một ẩn số khác là tác động của các chính sách kích thích tăng trưởng của Tổng thống đắc cử Donald Trump đối với lạm phát tiêu dùng và chính sách tài khóa liên bang.
Trong nhóm hàng hóa, vàng ghi nhận năm tăng trưởng mạnh nhất kể từ 2010. Giá dầu tăng nhẹ trong phiên giao dịch thanh khoản thấp của kỳ nghỉ lễ, kết thúc một năm đi ngang khi thị trường dự báo dư cung toàn cầu trong năm tới. Ca cao bứt phá với mức tăng 178% trong năm do biến động thị trường và lo ngại về nguồn cung.
Giá khí đốt tự nhiên châu Âu tăng lên mức đỉnh kể từ tháng 11 năm ngoái do dự báo về việc gián đoạn nguồn cung từ Nga qua Ukraine vào đầu năm mới.
Hoạt động giao dịch tại châu Âu trầm lắng trong phiên cuối năm, với nhiều thị trường đóng cửa vào đêm giao thừa và các phiên giao dịch rút ngắn tại London và Paris. Tại châu Á, thanh khoản cũng ở mức thấp do nhiều thị trường trong khu vực, bao gồm Hàn Quốc, nghỉ lễ. Thị trường Nhật Bản sẽ đóng cửa đến ngày 6/1. Chỉ số chứng khoán suy giảm tại Úc và Trung Quốc đại lục, trong khi thị trường Hồng Kông đi ngang.
Các sự kiện kinh tế quan trọng trong tuần:
- Thị trường nghỉ lễ Năm Mới, thứ Tư
- Công bố số liệu chi tiêu xây dựng, đơn xin trợ cấp thất nghiệp, và PMI sản xuất của Mỹ, thứ Năm
- Báo cáo ISM lĩnh vực sản xuất và doanh số bán xe của Mỹ, thứ Sáu
Diễn biến chính trên các thị trường:
Thị trường Cổ phiếu
- S&P 500 giảm 0.4% tại thời điểm 04:02 giờ Việt Nam
- Nasdaq 100 suy giảm 0.9%
- Chỉ số Dow Jones Industrial Average đi ngang
- MSCI World Index giảm 0.3%
Thị trường Ngoại hối
- Chỉ số Bloomberg Dollar Spot tăng 0.4%
- EUR/USD mất giá 0.4% xuống 1.0361
- GBP/USD suy yếu 0,2% còn 1.2521
- USD/JPY tăng 0.3% lên 157.33
Thị trường Tiền điện tử
- Bitcoin tăng giá 1.7% lên 93,503.26 USD
- Ether tăng trưởng 0.9% đạt 3,343.93 USD
Thị trường Trái phiếu
- Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng 4 điểm cơ bản lên 4.57%
- Lợi suất trái phiếu chính phủ Đức kỳ hạn 10 năm đi ngang ở mức 2.37%
- Lợi suất trái phiếu chính phủ Anh kỳ hạn 10 năm giảm 4 điểm cơ bản xuống 4.57%
Thị trường Hàng hóa
- Giá dầu thô WTI tăng 1.1% lên 71.80 USD/thùng
- Giá vàng giao ngay tăng 0.6% đạt 2,623.12 USD/ounce
Bloomberg