Tóm tắt bài phát biểu của chủ tịch Fed Powell: Tình hình kinh tế Hoa Kỳ hiện nay và những thách thức phía trước
Tùng Trịnh
CEO
Bài phát biểu của chủ tịch Fed Jerome Powell tại hội nghị thường niên của hiệp hội kinh tế kinh doanh Mỹ
1. Nền kinh tế Hoa Kỳ trước COVID-19
Khi đại dịch COVID-19 lan rộng trên toàn cầu, nền kinh tế Hoa Kỳ đã ở vào tháng tăng trưởng thứ 128 - thời kỳ phát triển lâu nhất trong lịch sử. Tốc độ tăng trưởng vừa phải và liên tục cao hơn. Tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp nhất trong 50 năm. Lạm phát PCE (chi tiêu tiêu dùng cá nhân) năm ngay dưới mục tiêu 2% của chúng tôi.
Hầu hết các nhà dự báo đều kỳ vọng tăng trưởng kinh tế và những lợi ích của nó sẽ tiếp tục. Không có hiện tượng vỡ bong bóng tài sản xảy ra, và cũng không có sự bùng nổ tăng trưởng nào thiếu bền vững. Hệ thống ngân hàng hoạt động mạnh, với lượng vốn và thanh khoản dồi dào. Cuộc khủng hoảng COVID-19 khác ở chỗ nó không được kích hoạt bởi tình trạng mất cân bằng tài chính hoặc kinh tế, mà về cơ bản là một thảm họa thiên nhiên tấn công nền kinh tế đang phát triển.
Với điều kiện của nền kinh tế như vậy trong giai đoạn đầu của cuộc khủng hoảng, có vẻ hợp lý khi nghĩ rằng, với một phản ứng chính sách nhanh chóng, mạnh mẽ và bền vững, nhiều lĩnh vực của nền kinh tế sẽ có thể phục hồi mạnh mẽ một khi đại dịch được kiểm soát. Phản ứng đó sẽ cần đến từ các hành động của tất cả các cấp chính quyền, từ các cơ quan y tế và tài chính, và từ Cục Dự trữ Liên bang.
Có vẻ như các ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi đại dịch — những ngành dựa vào sự tiếp xúc trực tiếp rộng rãi — sẽ phải đối mặt với một chặng đường dài và khó khăn để phục hồi. Những lĩnh vực này và những người làm việc trong đó có thể sẽ cần được hỗ trợ chính sách một cách có mục tiêu và bền vững.
Một số người hỏi Fed có thể làm gì để giải quyết một vấn đề mà về cơ bản bắt nguồn từ khủng hoảng y tế. Chúng tôi đã xác định ba cách mà các công cụ của chúng tôi có thể giúp hạn chế thiệt hại kinh tế từ đại dịch: mang đến sự hỗ trợ ổn định trong giai đoạn cấp bách nhất của cuộc khủng hoảng khi phần lớn nền kinh tế bị đóng cửa; ủng hộ mạnh mẽ việc mở rộng kinh tế; và làm những gì có thể để hạn chế thiệt hại lâu dài hơn đối với năng lực sản xuất của nền kinh tế.
2. Suy thoái và phục hồi tăng trưởng
Vào cuối tháng Hai, khi có thông tin rõ ràng rằng căn bệnh này đang lây lan trên toàn thế giới, các thị trường tài chính đã bị xáo trộn bởi thanh khoản tiền mặt. Vào cuối tháng, nhiều thị trường quan trọng đã chững lại, làm dấy lên mối đe dọa về một cuộc khủng hoảng tài chính. Tình trạng suy thoái kinh tế trên diện rộng bắt đầu từ tháng 3, và ở Hoa Kỳ, với nhiều lĩnh vực đóng cửa hoặc hoạt động dưới công suất, GDP thực tế đã giảm 31% trong quý 2 so với cùng kỳ. Các nhà tuyển dụng đã cắt giảm 22 triệu lao động, trong đó những người bị nghỉ việc tạm thời tăng 17 triệu.
Phản ứng lại vấn đề này, chúng tôi đã triển khai đầy đủ các công cụ chính sách theo kế hoạch, hạ lãi suất xuống 0-0.25%; tiến hành các chương trình mua tài sản với khối lượng lớn chưa từng có; và thiết lập một loạt các cơ sở cho vay khẩn cấp để khôi phục chức năng thị trường và hỗ trợ dòng chảy tín dụng cho các hộ gia đình, doanh nghiệp, chính quyền tiểu bang và địa phương.
Việc nhất trí thông qua Đạo luật CARES và ba dự luật khác được thông qua với sự ủng hộ lớn vào tháng 3 và tháng 4 đã thiết lập các chương trình rộng rãi dự kiến cung cấp khoảng 3 nghìn tỷ đô la hỗ trợ kinh tế nói chung — cho đến nay là phản ứng tài khóa lớn nhất và sáng tạo nhất đối với một cuộc khủng hoảng kinh tế kể từ cuộc Đại suy thoái.
Cho đến nay, những chính sách này đã đạt được mục tiêu gì?
Thứ nhất, khoản viện trợ tài chính đáng kể đã mang đến hỗ trợ quan trọng cho các hộ gia đình, hỗ trợ chi tiêu cần thiết và góp phần làm tăng mạnh tiết kiệm của các hộ gia đình. Mức tiêu thụ hàng hóa hiện đã vượt quá giai đoạn trước đại dịch. Mức tiêu thụ dịch vụ vẫn ở mức thấp, mặc dù có vẻ phần lớn là do lo ngại về sức khỏe và giãn cách xã hội, hơn là giảm thiểu thu nhập. Chi tiêu vẫn tăng tốt cho đến tháng 8 sau khi các gói bảo hiểm thất nghiệp mở rộng hết hạn, cho thấy rằng khoản tiết kiệm từ các khoản thanh toán chuyển khoản tiếp tục hỗ trợ hoạt động kinh tế. Một cuộc khảo sát gần đây của Fed cho thấy các hộ gia đình vào tháng 7 có quan điểm lạc quan đáng ngạc nhiên về tình trạng tài chính hiện tại của họ, với 77% người trưởng thành "ổn" hoặc "sống thoải mái", một sự cải thiện thậm chí so với dữ liệu ngay trước đại dịch. Tuy nhiên, vì nhiều người có thể sẽ phải trải qua thời gian thất nghiệp kéo dài, nên có khả năng cần phải hỗ trợ thêm.
Thứ hai, viện trợ cho các công ty - đặc biệt là Chương trình Bảo vệ Tiền lương - và sự thúc đẩy tổng cầu nói chung cho đến nay đã phần nào ngăn chặn làn sóng phá sản và giảm bớt tình trạng sa thải vĩnh viễn. Hoạt động đầu tư kinh doanh dường như đang trên một quỹ đạo đi lên, và các hoạt động mở doanh nghiệp mới dường như đang phục hồi, cho thấy một số niềm tin vào con đường phía trước.
Thứ ba, sau khi ổn định một thời gian ngắn vào tháng 3, thị trường tài chính phần lớn đã trở lại hoạt động bình thường, mặc dù trong bối cảnh chính sách đang được hỗ trợ rộng rãi. Các điều kiện tài chính rất phù hợp và tín dụng có sẵn với các điều kiện hợp lý cho nhiều hộ gia đình và doanh nghiệp - mặc dù không phải tất cả -. Chi tiêu nhạy cảm với lãi suất đã tương đối mạnh, thể hiện trong lĩnh vực nhà ở và ô tô.
Mặc dù những tác động tổng hợp của chính sách tài khóa và tiền tệ đã hỗ trợ cho sự phục hồi vững chắc của thị trường lao động, nhưng vẫn còn một chặng đường dài phía trước. Biên chế lao động hiện đã phục hồi khoảng một nửa trong số 22 triệu lao động mất việc làm. Sau khi tăng lên 14.7% vào tháng 4, tỷ lệ thất nghiệp đã quay trở lại 7.9%, rõ ràng đây là một sự phục hồi nhanh chóng và đáng kể.
3. Con đường phía trước
Bây giờ tôi sẽ chuyển sang chủ đề triển vọng kinh tế. Sự phục hồi đang tiến triển nhanh hơn dự kiến chung. Các dự báo gần đây nhất của FOMC (Ủy ban Thị trường Mở Liên bang) tại cuộc họp tháng 9 cho thấy sự phục hồi tiếp tục với tốc độ vững chắc. Các thành viên trong cuộc họp đều cho rằng tỷ lệ thất nghiệp sẽ giảm xuống 4% và lạm phát đạt 2% vào cuối năm 2023. Tất nhiên, nền kinh tế có thể hoạt động tốt hơn hoặc xấu hơn dự kiến. Tuy nhiên triển vọng vẫn rất không chắc chắn, một phần vì nó phụ thuộc vào việc kiểm soát sự lây lan và ảnh hưởng của virus. Tốc độ cải thiện kinh tế đã điều chỉnh lại kể từ mức tăng vượt trội của tháng 5 và tháng 6, thể hiện rõ trong dữ liệu việc làm, thu nhập và chi tiêu. Sự gia tăng mất việc làm, cũng như những đợt sa thải gần đây cũng rất đáng chú ý.
Chúng ta nên tiếp tục làm những gì có thể để giảm thiểu rủi ro đối với triển vọng kinh tế. Một trong những rủi ro là các ca nhiễm một lần nữa có thể tăng lên mức làm hạn chế đáng kể hoạt động kinh tế. Việc quản lý rủi ro này khi tiếp tục mở rộng sẽ yêu cầu sự hướng dẫn của các chuyên gia y tế, bao gồm sử dụng khẩu trang và các biện pháp tránh xa xã hội.
Rủi ro thứ hai là tốc độ phục hồi chậm lại trong thời gian dài có thể kích hoạt các tác nhân gây suy thoái điển hình. Một thời gian dài chậm tiến độ không cần thiết có thể tiếp tục làm trầm trọng thêm sự chênh lệch hiện có trong nền kinh tế.
Đà mở rộng của nền kinh tế vẫn chưa hoàn thành. Hỗ trợ quá ít sẽ dẫn đến khả năng phục hồi yếu, tạo ra khó khăn không đáng có cho các hộ gia đình và doanh nghiệp. Theo thời gian, các hộ gia đình vỡ nợ và doanh nghiệp phá sản sẽ gia tăng, gây tổn hại đến năng lực sản xuất của nền kinh tế và kìm hãm tăng trưởng thu nhập. Ngược lại, những rủi ro của việc lạm dụng các gói hỗ trợ dường như đã nhỏ hơn. Sự phục hồi sẽ mạnh mẽ và nhanh chóng sẽ xảy ra nếu chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa tiếp tục song hành để hỗ trợ nền kinh tế cho đến khi nó thoát khỏi khủng hoảng.
Trong bài phát biểu hôm nay, sẽ rất thiếu sót nếu tôi không đề cập đến việc xem xét chiến lược, công cụ và định hướng chính sách tiền tệ của chúng tôi. Các đồng nghiệp của tôi và tôi đã thảo luận chi tiết về khuôn khổ mới này trong các nhận xét gần đây. Hôm nay tôi sẽ chỉ lưu ý rằng cấu trúc cơ bản của nền kinh tế thay đổi theo thời gian và khuôn khổ của FOMC nhằm thực hiện chính sách tiền tệ phải theo kịp tốc độ. Những thay đổi gần đây trong tuyên bố của chúng tôi phản ánh sự hiểu biết ngày càng tăng của chúng tôi với một số diễn biến quan trọng. Đã có sự sụt giảm trong ước tính về tốc độ tăng trưởng tiềm năng hoặc dài hạn của nền kinh tế và mặt bằng chung của lãi suất, tạo ra những thách thức đối với khả năng của chính sách tiền tệ đối phó với suy thoái. Về mặt tích cực, chúng tôi thấy rằng nền kinh tế có thể duy trì tỷ lệ việc làm cao trong lịch sử, mang lại lợi ích xã hội đáng kể và không gây ra sự gia tăng đáng lo ngại về lạm phát. Tuyên bố mới của chúng tôi ghi nhận những tiến bộ này và chúng tôi đã thực hiện những thay đổi thích hợp trong khuôn khổ chính sách tiền tệ nhằm đạt được các mục tiêu chính sách một cách tốt nhất.
Định hướng chính sách tiền tệ mới của chúng tôi đề cập rằng, với lạm phát liên tục dưới mục tiêu dài hạn 2%, FOMC sẽ đặt mục tiêu đạt được lạm phát vừa phải trên 2% trong một thời gian để lạm phát trung bình trong dài hạn vẫn được duy trì tốt ở mức 2%. FOMC dự kiến sẽ duy trì lập trường chính sách có tính thích nghi cho đến khi đạt được những kết quả này. FOMC cũng giữ lãi suất không đổi từ 0 đến 0.25% và duy trì phạm vi mục tiêu này cho đến khi các điều kiện thị trường lao động đạt đến mức phù hợp với đánh giá của FOMC về toàn dụng lao động, lạm phát tăng lên 2% và đang trên đà tăng vừa phải lên trên 2% trong một thời gian.
Chúng tôi kỳ vọng rằng khuôn khổ và định hướng chính sách mới sẽ hỗ trợ những nỗ lực của chúng tôi trong việc theo đuổi sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ.