Tóm tắt báo cáo COT của CFTC (Ủy ban giao dịch hàng hóa tương lai Hoa Kỳ) trong tuần từ 19/2 tới 25/2/2020
Tùng Trịnh
CEO
Tóm tắt báo cáo COT của CFTC (Ủy ban giao dịch hàng hóa tương lai Hoa Kỳ), ghi nhận các giao dịch trên thị trường tương lai trong tuần từ 19/2 tới 25/2/2020, công bố vào thứ Bảy ngày 29/2.
Tóm tắt báo cáo COT của CFTC (Ủy ban giao dịch hàng hóa tương lai Hoa Kỳ), ghi nhận các giao dịch trên thị trường tương lai trong tuần từ 19/2 tới 25/2/2020, công bố vào thứ Bảy ngày 29/2.
- USD: Phân tích vị thế cho thấy tuần vừa qua nhóm các quỹ đầu cơ tiếp tục gia tăng đáng kể các vị thế mua ròng đồng Dollar Mỹ, tổng vị thế mua ròng tăng thêm 6.8 tỷ USD và tiến tới ngưỡng 18.2 tỷ USD, đánh dấu 6 tuần liên tục nhóm này đặt niềm tin vào đồng bạc xanh. Tuy nhiên sự sụt giảm bất ngờ của USD tuần qua chắc chắn khiến các nhà đầu cơ không khỏi thất vọng, khả năng cắt lỗ trên diện rộng đối với Dollar Mỹ là có thể xảy ra, chúng ta cùng đón chờ xem liệu báo cáo CFTC tuần tới có sự điều chỉnh nào đáng kể không.
- EUR: Tâm lý tiêu cực tiếp tục gia tăng đối với đồng tiền chung Châu Âu khi nhóm đầu cơ tăng thêm 3.1 tỷ USD vào các vị thế bán ròng, nâng tổng vị thế bán ròng lên tới 15.5 tỷ USD (tương đương hơn 11.4 nghìn hợp đồng). Đây là cú đặt cược lớn nhất đối với xu hướng giảm của đồng Euro kể từ năm 2016. Tuy nhiên như chúng ta thấy trên biểu đồ giá, với tổng trạng thái ròng tăng kỷ lục trong nhiều năm, việc tỷ giá EUR/USD đi ngược đã tạo ra áp lực cắt lỗ nhằm điều chỉnh danh mục. Thị trường tuần qua có vẻ đã khiến rất nhiều quỹ giữ trạng thái bán ròng Euro phải đau đầu.
- JPY: Tương tự như đồng Euro, Yên Nhật tuần qua cũng khiến nhóm đầu cơ không khỏi thất vọng, tâm lý bán ròng đồng Yên tăng đáng kể trong tuần, với tổng vị thế tăng thêm tới 3.3 tỷ USD, gấp đôi so với tuần trước, trong khi đó tỷ giá USD/JPY không vượt qua khỏi đỉnh 112.4 thiết lập năm ngoái mà quay đầu giảm sâu về vùng 108. Biên độ dao động lên tới 400pip tuần qua cho thấy tâm lý “Risk Off” và đà bán tháo trên thị trường chứng khoán đã quay trở lại phản ánh lên USD/JPY.
- CHF: Trạng thái ròng của Franc Thụy Sĩ không thay đổi đáng kể tuần qua, nhóm đầu cơ dường như đang khá lưỡng đối với đồng bạc này, mặc dù tâm lý “Risk Off” tuần qua cũng là nguyên nhân chính khiến USD/CHF giảm mạnh tới 200 pips, và đóng cửa tại mốc 0.9648
- GBP và CAD: cũng là hai đồng bạc được nhóm đầu cơ đặt cược vào xu hướng tăng, với việc vị thế mua ròng Bảng Anh tăng nhẹ thêm 30 triệu USD và Dollar Canada tăng thêm tới 512 triệu USD, tổng vị thế mua ròng của 2 đồng này đạt 2.4 tỷ và 1.1 tỷ USD tuần qua. Với việc đàm phán thương mại Brexit chưa thoát khỏi bế tắc và giá dầu giảm mạnh tuần qua, có vẻ như các quỹ đầu cơ đã đặt cược nhầm xu hướng.
- AUD và NZD: Các vị thế bán Aussie và Kiwi tuần qua đã được đóng bớt cho thấy các nhà đầu tư đã chốt lời một phần, tuy nhiên các lệnh bán mới vẫn được mở khiến khối lượng bán ròng tiếp tục gia tăng (tăng 190 triệu USD đối với Aussie và 190 triệu USD đối với Kiwi), điều này thể hiện nhóm đầu cơ chưa nhìn thấy triển vọng phục hồi đáng kể từ nhóm đồng tiền hàng hóa này.
- Vàng: Một tuần đầy biến động và nhiều cảm xúc đối với kim loại quý, sau khi tổng vị thế mua ròng lập kỷ lục hơn 350 nghìn hợp đồng tuần trước, các quỹ đầu cơ và money manager đã điều chỉnh giảm vị thế mua ròng xuống còn 333 nghìn hợp đồng. Trước đó vào giai đoạn từ tháng 9 tới tháng 11/2019 khi vị thế mua ròng đạt đỉnh, nhóm này cũng đã điều chỉnh giảm vị thế và trên đồ thị chúng ta có thể thấy vàng giảm sâu gần 100USD về vùng $1,445/oz, tích lũy và tạo mô hình nêm giảm (Falling Wedge) trong 2 tháng. Tuy nhiên cú giảm tuần qua khá shock và hiếm gặp trong lịch sử do thị trường bị bao trùm bởi nỗi sợ virus Corona cũng như cuộc bán tháo chứng khoán trên diện rộng.