Tóm tắt báo cáo COT của CFTC (Ủy ban giao dịch hàng hóa tương lai Hoa Kỳ) trong tuần từ 22/4 tới 28/4/2020
Tùng Trịnh
CEO
Sau 1 tháng phục hồi mạnh mẽ của thị trường chứng khoán và nhóm các đồng high beta (AUD, NZD), vị thế của các hedge fund tuần qua đã thể hiện sự dè chừng nhất định đối với nhóm tài sản này. Thay vào đó, xuất hiện nhiều hơn các vị thế nắm giữ tài sản trú ẩn (JPY, Vàng). Dường như các Big Boyz cần nhiều bằng chứng rõ ràng hơn để kết luận thị trường đã hoàn toàn vượt qua ảnh hưởng của coronavirus
1. USD: Trạng thái mua ròng tăng nhẹ nhưng không ấn tượng
Trong tuần qua các quỹ đầu cơ tăng nhẹ khối lượng nắm giữ USD (tổng vị thế mua ròng tăng 1.4 nghìn, lên 26.2 nghìn hợp đồng), mức tăng 5% chưa thể hiện quan điểm rõ ràng của các big boyz đối với xu hướng sắp tới của USD.
2. EUR: Khối lượng mua ròng giảm sau khi đạt đỉnh
Đây là tín hiệu rất đáng chú ý đối với đồng Euro. Tuần trước đó, tổng vị thế mua ròng đã được nâng lên mức cao nhất trong 2 năm trở lại đây (Đọc thêm tại đây). Bước sang tuần này, nhóm đầu cơ đã chốt 3,000 hợp đồng mua và mở mới 4,000 hợp đồng bán đối với đồng Euro, tổng vị thế mua ròng giảm còn 79,000 hợp đồng. Ngoài ra, hợp đồng mở (Open Interest) cũng có dấu hiệu giảm nhẹ, một động thái cho thấy các quỹ đầu cơ đang rất thận trọng với triển vọng tăng giá của Euro. Trong bối cảnh hàng loạt các yếu tố vĩ mô tiêu cực xuất hiện trên thị trường (GDP toàn thế giới dự báo tăng trưởng âm, đà hồi phục của thị trường chứng khoán chững lại 2 tuần qua, số lượng tiền mặt được nắm giữ tăng lên) cần hết sức cẩn thận với các vị thế long EUR/USD - cặp tiền tương quan thuận với tăng trưởng.
Khối lượng mua ròng Euro điều chỉnh giảm sau khi đạt đỉnh
3. AUD, CAD và NZD: Nhà đầu tư hạn chế nắm giữ nhóm các đồng tiền hàng hoá
Nhà đầu tư có dấu hiệu hạn chế nắm giữ các đồng tiền hàng hoá, đây được coi là một bước đề phòng sớm, vì tài sản rủi ro chưa có dấu hiệu giảm rõ rệt.
- AUD: Tăng 2,900 vị thế bán ròng (Sau nhiều tuần không thay đổi đáng kể, tuần vừa rồi khối lượng bán ròng đã tăng lên 37,000 hợp đồng)
- CAD: Tăng 5,000 vị thế bán ròng (Nâng tổng vị thế bán ròng lên 29,000 hợp đồng)
- NZD: Vị thế bán ròng chưa có dấu hiệu thay đổi đáng kể
Khối lượng bán ròng CAD và AUD gia tăng đáng kể
4. JPY: Nhu cầu trú ẩn vào đồng Yên tăng mạnh
Trong tuần qua cũng chứng kiến các quỹ đầu cơ tăng 6,300 lệnh mua ròng đối với JPY, nâng tổng khối lượng mua ròng lên 32,300 hợp đồng (cao nhất kể từ tháng 3). Như vậy các Big Boys đã gia tăng tới 25% số hợp đồng mua ròng chỉ trong một tuần - một tín hiệu rõ ràng về tâm lý lo ngại rủi ro.
Khối lượng mua ròng JPY tăng đáng kể
5. Vàng: Khối lượng mua ròng vẫn tăng đều đặn
Các quỹ đầu cơ đã nâng tổng khối lượng mua ròng lên hơn 260,000 hợp đồng trong tuần qua, sau khi chốt lời đáng kể trước đó (xem tại đây), trong đó, nhóm Money Manager (các nhà quản lý quỹ có kinh nghiệm nhất thị trường) mua ròng hơn 13 tấn. Điều đáng lưu ý: Nếu phân tích kỹ con số 260,000 lệnh mua ròng này, có thể thấy số lệnh mua đang nhiều hơn số lệnh bán gấp 10 lần (287,000 lệnh mua so với 24,000 lệnh bán). Nhu cầu về vàng vẫn đang tiếp tục được củng cố và như khuyến nghị trước đó: Bất kỳ đà giảm nào của vàng vẫn là cơ hội tốt để mua vào.