Tóm tắt báo cáo COT của CFTC (Ủy ban giao dịch hàng hóa tương lai Hoa Kỳ) trong tuần từ 25/3 tới 31/3/2020
Tùng Trịnh
CEO
Dữ liệu lấy từ báo cáo của CFTC, ghi nhận các giao dịch trên thị trường tương lai trong tuần từ 25/3 tới 31/3/2020, công bố vào thứ Bảy ngày 4/4.
Thị trường chứng khoán sau một thời gian ngắn hồi phục nhờ vào những nỗ lực "giải cứu" của các chính phủ và ngân hàng trung ương toàn cầu, tuần qua tiếp tục chịu áp lực nặng nề, khi dữ liệu kinh tế và lao động tại Mỹ và Châu Âu gây thất vọng nặng nề. Các phân tích vị thế tuần qua cũng thể hiện tâm lý phòng ngừa rủi ro, khi các quỹ đầu cơ tiếp tục bán ròng các đồng high beta (AUD, NZD), và tăng nắm giữ Dollar Mỹ.
1. USD: Như đã phân tích cách đây 2 tuần, khi các quỹ đầu cơ giảm mạnh khối lượng nắm giữ đồng bạc xanh xuống mức thấp nhất trong năm 2020, các vị thế mua ròng USD thời điểm đó đang ở vùng nhạy cảm dễ xảy ra hiện tượng điều chỉnh tăng, và tuần qua USD đã quay trở lại là tài sản được thị trường nắm giữ nhiều hơn. Các quỹ đầu cơ cũng tăng mua ròng đồng bạc này (từ 12 nghìn lên 14 nghìn hợp đồng).
2. EUR: Dữ liệu phân tích vị thế gây khá nhiều bất ngờ khi vị thế mua ròng của đồng Euro tăng trong tuần qua (ngược hoàn toàn với diễn biến giá). Tuy nhiên khi phân tích sâu hơn từng vị thế mua và bán: Trên thực tế các quỹ đầu cơ không mua vào nhiều Euro tuần qua mà thay vào đó đóng 10 nghìn trạng thái short, điều này gián tiếp khiến vị thế mua ròng tăng lên 72 nghìn lệnh, nhưng không thể hiện tâm lý tích cực với Euro.
Ngoài ra, khối lượng các hợp đồng mở (OI) cũng giảm 3 tuần liên tiếp, với một tài sản đang được ghi nhận là mua ròng như đồng Euro, đây là dấu hiệu cho thấy niềm tin đối với đồng bạc này đã bắt đầu suy giảm.
3. AUD và NZD: Đây là hai đồng high beta chịu ảnh hưởng nặng nề khi thị trường ở thạng thái tâm lý phòng ngừa rủi ro, nhất là trong nhiều tuần qua. Tuy nhiên, hiện nay các quỹ đầu cơ đang nhìn nhận khả năng giảm của AUD nhiều hơn NZD (và sự thực họ đã tăng bán ròng AUD trong tuần qua, và hầu như không thay đổi vị thế của NZD). Mặc dù cùng trong nhóm antipodean và tương quan thuận về mặt xu hướng, nhưng từ đầu năm trở lại đây, vị thế của các quỹ cho hai đồng bạc này rất khác nhau, hãy cùng đi sâu hơn qua 2 hình dưới đây:
Đối với các quỹ đầu cơ, AUD luôn trong trạng thái tiêu cực từ đầu năm 2020 và thậm chí trong cả năm 2019. Với hàng loạt sự kiện không may ập đến Australia như chiến tranh thương mại, thảm họa cháy rừng và đỉnh điểm là đại dịch Corona virus, các vị thế bán ròng tồn tại hơn một năm qua chỉ điều chỉnh giảm và sau đó tăng mạnh hơn, chưa bao giờ chuyển qua trạng thái mua ròng. Và đỉnh điểm đầu tháng 3/2020, khi khối lượng bán ròng quay trở lại cùng với volume tăng vọt, tỷ giá AUD/USD đã giảm liên tục hơn 1000 pips sau đó. Trong 3 tuần qua, khối lượng bán ròng AUD đã điều chỉnh giảm và hiện nay có dấu hiệu tiếp tục tăng trở lại (Các quỹ đầu cơ tăng 6 nghìn lệnh bán ròng, nâng tổng vị thế bán ròng lên 31 nghìn hợp đồng tuần vừa rồi). Rất có thể quá trình điều chỉnh đã kết thúc và AUD/USD đã sẵn sàng cho cú rơi tiếp theo?