Tóm tắt báo cáo COT của CFTC (Ủy ban giao dịch hàng hóa tương lai Hoa Kỳ) trong tuần từ 4/3 tới 10/3/2020
Tùng Trịnh
CEO
Tóm tắt báo cáo COT của CFTC (Ủy ban giao dịch hàng hóa tương lai Hoa Kỳ), ghi nhận các giao dịch trên thị trường tương lai trong tuần từ 4/3 tới 10/3/2020, công bố vào thứ Bảy ngày 13/3.
Trong tuần vừa qua, thị trường giao dịch trong điều kiện biến động vô cùng cao (Chỉ số VIX có lúc đã tăng lên tới ngưỡng 74, cao thứ tư trong lịch sử thị trường tài chính), các nhà đầu tư lâm vào tình trạng “khủng hoảng tiền mặt” phải bán tháo cổ phiếu và các tài sản khác để nắm giữ USD – Một phần nguyên nhân khiến chỉ số DXY tăng mạnh. Tuy nhiên,do báo cáo COT thể hiện các trạng thái tới hết ngày thứ Ba của tuần, cũng là ngày chỉ số DXY bắt đầu xu hướng tăng, vì vậy các hợp đồng tương lai trong báo cáo không thể hiện hết Price action của USD tuần qua.
- USD: Các quỹ đầu cơ tiếp tục giữ trạng thái mua ròng USD nhưng tổng trạng thái đã giảm 14.5 tỷ USD, xuống còn 539 triệu USD, đây cũng là khối lượng ròng mua ròng thấp nhất kể từ cuối 2019. Cũng cần lưu ý rằng từ thời điểm đó, USD đã tạo đáy và tăng liên tục cho tới cuối tháng 2/2020. Liệu lần này USD có đang “tạo đáy” hay không? Số liệu từ báo cáo COT kỳ tiếp theo sẽ cho chúng ta cái nhìn rõ ràng hơn.
- EUR: Nhóm các quỹ đầu cơ tiếp tục đóng trạng thái bán ròng đồng Euro trên diện rộng trong tuần 4/3 tới 10/3. Các quỹ đầu cơ mới cách đây 2 tuần còn giữ khối lượng bán ròng EUR lớn nhất kể từ 2016, giờ đây đã đóng 10 tỷ USD các trạng thái Short, đưa trạng thái bán ròng về ngưỡng 1.7 tỷ USD. Và đây cũng là nguyên nhân chính khiến trạng thái nắm giữ Dollar Mỹ giảm mạnh như trên. Tuy nhiên với việc xu hướng EUR/USD giảm đột ngột vào những ngày cuối tuần, có thể đã xảy ra hiện tượng điều chỉnh trạng thái lớn đối với đồng EUR.
- JPY: Sau một thời gian dài bán ròng đồng Yên kể từ tháng 10/2019, tuần qua các quỹ đầu cơ đã giảm đáng kể khối lượng bán ròng đồng bạc này (5.9 tỷ USD), và trở thành nhóm mua ròng Yên Nhật. Tỷ giá USD/JPY đầu tuần cũng đã giảm xuống vùng 101, động thái này cho thấy đồng Yên đã thể hiện rõ vai trò là một tài sản trú ẩn. Tuy nhiên vào thứ Tư, sau khi có thông tin ngân hàng BOJ can thiệp bằng các gói chi tiêu trị giá từ 100-190 tỷ USD, cùng với việc chỉ số DXY tăng mạnh, cặp USD/JPY đã đảo chiều đột ngột và tăng lên vùng 108.
- GBP: Vị thế mua ròng giảm nhẹ 600 triệu USD và hiện nay các quỹ đầu cơ chỉ nắm tổng trạng thái mua ròng tương đương 2 tỷ USD. Mặc dù đây là khối lượng khá thấp đối với cặp GBPUSD, nhưng việc tỷ giá GBPUSD giảm hơn 900pip tuần qua cũng sẽ kích hoạt cắt lỗ trên diện rộng.
- CAD: Đồng tiền hàng hóa tương quan chặt với giá dầu tuần qua đã chính thức chuyển qua trạng thái bán ròng, sau khi được các quỹ đầu cơ liên tục mua ròng từ tháng 7/2019. Việc thay đổi sentiment sang hướng tiêu cực này là hợp lý trong bối cảnh BOC hạ lãi suất xuống 50 điểm cơ bản cũng như các quốc gia OPEC+ đang khơi mào một cuộc chiến không có hồi kết đối với giá dầu.
- AUD và NZD: Các quỹ đầu cơ không có nhiều thay đổi lớn đối với vị thế của hai đồng bạc này, cả hai vẫn đang trong trạng thái bán ròng do điều kiện thị trường "Risk Off"
- Vàng: Tuần vừa qua là tuần thứ 3 liên tiếp các quỹ đầu cơ giảm nhẹ vị thế nắm giữ vàng. Các hợp đồng mua ròng giảm từ 319 nghìn xuống còn 299 nghìn hợp đồng. Giá vàng tuần qua cũng chứng kiến đà sụt giảm rất mạnh do bị kích hoạt cắt lỗ cũng như nhà đầu tư đóng trạng thái để nắm giữ USD.
Tuy nhiên nếu nhìn vào bức tranh tổng thể, ta thấy: (1) tốc độ điều chỉnh giảm vị thế mua ròng của nhóm đầu cơ đối với vàng khá nhỏ và không có sự thay đổi đột biến; (2) xét về vị thế, nhóm đầu cơ vẫn đang mua ròng, khối lượng trung bình khá lớn với gần 300 nghìn lệnh; (3) các ngân hàng trung ương toàn cầu đang nối tiếp nhau hạ lãi suất và nới lỏng.
Như vậy có thể thấy sentiment của nhóm đầu cơ đối với giá vàng cho tới thời điểm này vẫn theo hướng tích cực và những đợt giảm vị thế vừa qua chỉ mang tính chất điều chỉnh.