Top 5 sự kiện quan trọng cần chú ý trong tuần này 08 - 12/06
Dưới đây là những sự kiện quan trọng cần chú ý trong tuần này:
Trọng tâm chính của tuần này sẽ là cuộc họp của Cục dự trữ Liên Bang Mỹ Fed vào thứ Tư, khi các nhà đầu tư đang tập trung phân tích liệu sẽ có gói kích thích nào không, và bao nhiêu kích thích là đủ. Trên lịch kinh tế Mỹ, các dữ liệu về CPI, đơn xin trợ cấp thất nghiệp và tâm lý của người tiêu dùng sẽ được công bố. Các nhà đầu tư sẽ tiếp tục theo dõi đường cong lợi suất ngày một dốc hơn giữa bối cảnh trái phiếu Mỹ bị bán tháo. Ở khu vực Châu Âu, chủ tịch ECB bà Christine Lagarde sẽ cung cấp thông tin chi tiết hơn về gói kích thích “lớn hơn dự kiến” công bố vào tuần trước. Những lo ngại về tăng trưởng của Trung Quốc sẽ được giới đầu tư chú ý sau khi những dữ liệu thương mại không tốt được công bố vào Chủ Nhật.
1. Cuộc họp của Fed
Thông báo về chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương Hoa Kỳ lần đầu tiên kể từ kỳ họp tháng Tư, khi chủ tịch Fed Jerome Powell nói rằng áp lực mà nền kinh tế Mỹ phải chịu do áp lực của phong tỏa có thể kéo dài trong vòng hơn một năm.
Các nhà đầu tư sẽ rất muốn nghe quan điểm của Fed về triển vọng kinh tế sau báo cáo việc làm vào thứ Sáu tuần trước, trong đó cho thấy nền kinh tế bất ngờ bổ sung việc làm vào tháng Năm sau những tổn thất kỷ lục vào tháng trước đó.
Báo cáo đưa ra tín hiệu rõ ràng về sự suy thoái tồi tệ do đại dịch Corona có lẽ không còn nữa, thị trường chứng khoán sẽ phục hồi kèm theo những đợt bán tháo trái phiếu kho bạc.
2. Đường cong lợi suất dốc hơn
Báo cáo việc làm vào thứ Sáu tại Hoa Kỳ đã thúc đẩy một đợt bán tháo trái phiếu chính phủ Mỹ, đẩy đường cong lợi suất đến mức dốc nhất kể từ tháng Ba. Độ dốc – được tạo ra khi lợi suất trái phiếu dài hạn tăng nhanh hơn lợi suất trái phiếu ngắn hạn – báo hiệu một triển vọng kinh tế tươi sáng hơn. Nhưng chi phí đi vay tăng quá nhanh có thể cản trở sự phục hồi của nền kinh tế.
Mặc dù Fed có thể đưa ra những biện pháp kiểm soát đường cong lợi suất để tác động lãi suất ngắn hạn, các nhà quản lý quỹ cho rằng lợi suất cần tăng nhiều hơn nữa mới thì Fed mới bắt đầu can thiệp thị trường. Thay vào đó, họ chờ đợi tín hiệu cho thấy ngân hàng trung ương tin rằng bản thân sự phục hồi kinh tế đủ để hỗ trợ lãi suất ngắn hạn tăng trở lại.
3. Dữ liệu kinh tế Mỹ
Lịch kinh tế tuần này cũng sẽ có những cập nhật về số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại Mỹ, một chỉ báo quan trọng về sức khỏe của nền kinh tế, cùng với đó là lạm phát giá tiêu dùng (CPI) và tâm lý của người tiêu dùng.
Số đơn xin trợ cấp đã giảm kể từ khi đạt mức kỷ lục 6.8 triệu vào cuối tháng Ba, lần đầu tiên giảm dưới 2 triệu vào tuần trước kể từ giữa tháng Ba. Báo cáo, kết hợp với bảng lương phi nông nghiệp vào thứ Sáu, cho thấy những điều tồi tệ đối với thị trường lao động đã qua.
Trong khi đó, CPI có thể giảm do nhu cầu thiếu hụt trong nền kinh tế, mặc dù chỉ số tâm lý tiêu dùng của đại học Michigan có thể tiếp tục tăng trong bối cảnh tái mở cửa nền kinh tế và thị trường chứng khoán tăng trưởng.
4. Phiên điều trần của bà Lagarde và dữ liệu của Euro zone
Thứ Hai tuần này, chủ tịch ECB Christine Lagarde sẽ tham gia điều trần trước Ủy ban kinh tế và tiền tệ Châu Âu. Các nhà lập pháp sẽ có cơ hội đặt câu hỏi lý do đằng sau sự gia tăng lớn hơn dự kiến của chương trình kích thích mua trái phiếu khẩn cấp.
Về dữ liệu, Đức sẽ công bố dữ liệu sản xuất công nghiệp của tháng Tư vào hôm nay, sau đó là dữ liệu của Pháp và các quốc gia khác tại Eurozone. Đức, nền kinh tế lớn nhất khu vực Châu Âu, đang đối mặt với viễn cảnh suy thoái tồi tệ nhất kể từ cuộc Chiến tranh Thế giới thứ Hai, khi chịu thiệt hại nặng nề từ đại dịch, mặc dù những biện pháp cách ly đang được nới lỏng.
5. Lo lắng xung quanh sự tăng trưởng của Trung Quốc
Dữ liệu thương mại của Trung Quốc vào Chủ Nhật cho thấy nhu cầu hàng hóa toàn cầu sản xuất bởi nền kinh tế thứ hai thế giới vẫn còn thấp.
Xuất khẩu của Trung Quốc bị thu hẹp vào tháng Năm khi các biện pháp đóng cửa vẫn còn được duy trì, gây tổn hại tới nhu cầu, trong khi đó những suy giảm mạnh về nhập khẩu cho thấy những áp lực ngày càng lớn đè nặng lên các công ty sản xuất khi tăng trưởng quốc tế đột ngột chững lại.
Những dữ liệu này có thể củng cố cho giả thiết Trung Quốc có thể không đạt được bất cứ sự tăng trưởng nào trong năm 2020. Giới đầu tư sẽ theo dõi xem các thị trường chứng khoán sẽ phản ứng như thế nào khi dữ liệu sản xuất của Trung Quốc trở nền tồi tệ trong bối cảnh suy thoái toàn cầu.