Triển vọng 2025: Giải mã "Thiên nga đen" và "Tê giác xám" trong bối cảnh toàn cầu
Ngọc Lan
Junior Editor
Từ bài phân tích "Những điểm nhấn 2024: Nhìn lại ZeroHedge" đến chuỗi nhận định về các chủ đề then chốt cho năm mới từ những bộ phận nghiên cứu hàng đầu Phố Wall, độc giả đã được trang bị đầy đủ kiến thức về viễn cảnh khi Trump trở lại Nhà Trắng trong những tuần tới cùng cách thức các thay đổi chính sách có thể định hình thị trường và nền kinh tế.
Mới đây, vào thứ Hai, hai chuyên gia Timothy Tan và Jason Lee từ Bloomberg Intelligence đã công bố báo cáo phân tích vĩ mô về năm 2025 với tiêu đề ấn tượng "'Thiên nga đen' địa chính trị và 'Tê giác xám' vĩ mô bủa vây năm 2025".
Bài phân tích tập trung vào các rủi ro chủ chốt trong năm 2025, phân thành hai nhóm: sự kiện thiên nga đen (những biến cố hiếm gặp, khó lường) và tê giác xám (những rủi ro tiềm ẩn với xác suất cao nhưng thường bị xem nhẹ).
Nội dung chính của bản báo cáo:
Hoạt động carry trade tại Mỹ vẫn là "tê giác xám" đáng ngại nhất trong năm 2025, có khả năng kích hoạt hiệu ứng domino trong chính sách tiền tệ của Fed trước bối cảnh suy yếu tài khóa Mỹ. Các sự kiện thiên nga đen tại Trung Đông và Biển Đông có thể xuất hiện với tần suất cao hơn dự báo của thị trường, trong bối cảnh rủi ro địa chính trị vẫn đang ở mức báo động.
Rủi ro xung đột bùng phát tại Trung Đông gia tăng trong năm 2025
Nguy cơ xuất hiện "thiên nga đen" dưới dạng xung đột quy mô lớn đang leo thang cùng tình hình căng thẳng tại Trung Đông. Gián đoạn nguồn cung do chiến tranh khu vực có thể đẩy giá dầu tăng mạnh, bởi đây vẫn là nguồn cung cấp dầu thô lớn nhất thế giới. Biến động dữ dội về giá dầu đã hiện hữu trong năm 2024 chỉ với những đồn đoán về cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng dầu mỏ Iran. Tuy nhiên, rủi ro nguồn cung không chỉ dừng lại ở Iran, bởi bất kỳ cản trở nào với hoạt động vận chuyển qua eo biển Hormuz đều có thể tạo ra tác động tương tự.
Diễn biến HĐTL dầu thô WTI và Brent
Sự đảo chiều của hoạt động carry trade: Hiệu ứng domino "tê giác xám" đầu tiên
Theo dữ liệu TIC, hoạt động carry trade thực tế đã tăng mạnh kể từ tháng 9/2024 thay vì suy giảm. Tính đến tháng 8/2024, tổng giá trị trái phiếu chính phủ và doanh nghiệp Mỹ được khu vực tư nhân nước ngoài mua vào từ đầu năm 2022 đã lên tới 2.48 nghìn tỷ USD. Đà tăng liên tục trong tháng 7 và tháng 8 phản ánh xu hướng tích lũy bền vững, với quy mô các vị thế hiện tại có thể đã lớn hơn đáng kể.
Các dòng vốn này có nguy cơ đảo chiều nếu Fed buộc phải hạ lãi suất quyết liệt để kiềm chế chi phí lãi vay của chính phủ, dẫn đến tình trạng khủng hoảng thanh khoản trên thị trường tài chính Mỹ. Diễn biến này sẽ kích hoạt bất ổn thị trường và làm suy yếu đồng USD. Tình trạng rối loạn thị trường sẽ khiến spread ngày càng giãn rộng.
Diễn biến tích lũy trái phiếu chính phủ Mỹ từ khối ngoại
Chuỗi sự kiện trong năm 2024 cho thấy mối quan hệ Trung Quốc - Đài Loan ngày càng căng thẳng
Phát ngôn của Tổng thống Đài Loan cùng thương vụ tên lửa phòng không được phê duyệt vào tháng 10/2024 đã đẩy tình hình lên mức nghiêm trọng. Trong cùng thời điểm, Trung Quốc đã triển khai cuộc tập trận quy mô lớn quanh đảo, phong tỏa các tuyến hàng hải. Bắc Kinh nhiều khả năng sẽ mở rộng các biện pháp hạn chế thương mại với hòn đảo, song song với việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp Đài Loan tại Trung Quốc đại lục. Xung đột quân sự vẫn là một kịch bản "thiên nga đen" tiềm tàng, có thể được kích hoạt bởi các thương vụ vũ khí cho đảo này hoặc tuyên bố độc lập từ chính quyền Đài Loan. Kịch bản này sẽ đẩy nhanh quá trình phân tách kinh tế toàn cầu và tạo ra những tác động tiêu cực đến thị trường tín dụng.
Vị thế đầu tư của Mỹ: "Tê giác xám" thứ ba
Trong khi dòng tiền nóng (hot money) đổ vào Mỹ kể từ khi Fed khởi động chu kỳ tăng lãi suất đã trở thành mối quan ngại, yếu tố đáng lo ngại hơn là đà suy giảm mạnh của Vị thế đầu tư quốc tế ròng (NIIP) từ năm 2018. Mỹ hiện đang mắc nợ phần còn lại của thế giới khoảng 22.5 nghìn tỷ USD, vượt quá 77% GDP. Phần lớn khoản nợ nước ngoài tập trung ở dạng dòng vốn danh mục - các dòng vốn đầu tư vào thị trường trái phiếu và cổ phiếu Mỹ. Tổng giá trị danh mục đầu tư nước ngoài vào trái phiếu và cổ phiếu đã lên tới 29 nghìn tỷ USD.
NIIP âm là điểm yếu cốt tử của thị trường tài chính Mỹ do sự phụ thuộc vào dòng vốn ngoại. Nếu niềm tin vào năng lực tài khóa và tiền tệ của Mỹ bị lung lay, làn sóng rút vốn có thể châm ngòi cho tình trạng rối loạn thị trường hoặc định giá tài sản sai lệch trên diện rộng, tương tự một cuộc khủng hoảng cán cân thanh toán.
Tổng quan Vị thế đầu tư quốc tế của Hoa Kỳ
Tình trạng suy giảm tài khóa của chính phủ Mỹ - một "tê giác xám" khác trong bức tranh tổng thể - có nguy cơ diễn ra với tốc độ chóng mặt nếu Fed không thể đưa ra những đợt cắt giảm lãi suất mạnh tay trong năm 2025. Diễn biến này có thể làm lung lay nghiêm trọng niềm tin vào trái phiếu chính phủ Mỹ và đồng USD - vốn đã đang chịu nhiều áp lực từ hoạt động carry trade và các cú sốc từ bên ngoài.
Trong thời điểm dòng vốn nước ngoài vẫn đang đổ vào bổ sung cho lượng tiền nóng, những bất ổn về cán cân tài khóa có thể tạm thời bị che khuất. Tuy nhiên, chỉ cần một sự thay đổi nhỏ của yếu tố đầu tiên cũng đủ để đẩy những lo ngại về an ninh tài khóa lên hàng đầu. Điều này có thể buộc Fed phải gạt sang một bên mọi quan ngại về lạm phát để hạ lãi suất, do tác động dây chuyền mạnh mẽ từ lãi suất liên bang lên hoạt động carry trade.
Khi Fed chuyển trọng tâm chính sách sang vấn đề tính bền vững của nợ công Mỹ, "tê giác xám: này có thể xuất hiện sớm hơn nhiều so với dự đoán của giới chuyên gia.
Dự báo ngân sách CBO Mỹ (Báo cáo tháng 6/2024)
Bản phân tích này đã phơi bày rõ nét mối tương quan chặt chẽ giữa các rủi ro địa chính trị và kinh tế đang chờ đón trong năm mới, khi kỷ nguyên Trump 2.0 đang đến gần.
ZeroHedge