Triển vọng xu hướng EUR/USD tuần tới: ECB không quyết liệt trong hành động có thể mở ra tiềm năng tăng giá mạnh!

Triển vọng xu hướng EUR/USD tuần tới: ECB không quyết liệt trong hành động có thể mở ra tiềm năng tăng giá mạnh!

15:40 08/03/2020

Mới đây thông tin bang California của Mỹ nâng mức cảnh báo lên mức khẩn cấp đã xâm chiếm sự chú ý của thị trường thay cho việc đóng cửa trường học tại Italia. Giờ đây dịch bệnh Covid-19 không chỉ lan rộng ở châu Âu, mà đã bắt đầu nhen nhóm và có thể bùng phát bên trong nước Mỹ. Nếu như tuần tới Ngân hàng Trung ương châu Âu sẽ chọn phương án hành động kiềm chế sau khi Fed đã cắt lãi suất khẩn cấp, thì cặp EUR/USD có thể kéo dài đà tăng.

1. Tuần vừa qua của EUR/USD: Virus Corona lan rộng

Sau một tuần trước đó chìm trong sắc đỏ, thị trường tài chính tuần qua đã có thể tận hưởng chuỗi tăng điểm trở lại. Một lời cam kết hành động và phối hợp chống lại dịch bệnh được đưa ra bởi các bộ trưởng và thống đốc các ngân hàng trung ương mang lại niềm tin cho các nhà đầu tư, khiến cho các vị thế bán ròng phải đóng bớt lại. Tuy nhiên, đối với trái phiếu Kho bạc Mỹ, nhu cầu mua có vẻ như không có điểm dừng và điều này khiến Dollar Mỹ cùng với lợi suất lao dốc.

Fed sau đó đã quyết định cắt giảm tới 50 điểm cơ bản, nhiều gấp đôi so với bình thường một cách đầy bất ngờ trong một cuộc họp khẩn vào thứ Ba vừa qua. Điều này đã giúp nhu cầu đầu tư vào các thị trường cổ phiếu và trái phiếu càng lớn hơn do chi phí đi vay còn có thể rẻ hơn nữa tại cuộc họp thường kỳ vào ngày 18/3 của Fed.

Thị trường tiền tệ đang đánh giá ECB sẽ hạ lãi suất, nhưng giới hạn ở mức giảm 10 điểm cơ bản. Do vậy, điều này theo đánh giá của tôi sẽ không ảnh hưởng đáng kể tới đồng Euro. Ngoài ra, định chế tài chính đặt trụ ở tại Frankfurt này còn quá ít dư địa để thực hiện cắt giảm lãi suất do lãi suất tiền gửi đang dừng ở mức âm khá sâu -0.5%.

Xu hướng dịch chuyển nhanh của chính sách tiền tệ hiện giờ không mặn mà với lãi suất cao, đẩy cặp EUR/USD tăng lên. Một lợi thế kinh tế của Hoa Kỳ đã bị lờ đi đó chính là chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) của tháng Hai.

Dữ liệu thống kê có vẻ không theo kịp với tốc độ lan nhanh khắp thế giới của virus Corona. Khi mà số người chết ở Italia vượt quá 100 người, Rome đã quyết định đóng cửa các trường học và hệ đại học cho đến ngày 15 tháng 3. Quyết định đầy nhạy cảm này như là một áp lực vô hình lên bậc phụ huynh tại nước này khi họ vừa phải làm việc tại nhà và vừa phải trông nom con cái. Điều này tạm thời gây áp lực lên đồng Euro.

Tuy nhiên, Mỹ đã phản ứng có phần chậm chạp trong việc sản xuất và cung cấp đủ bộ dụng cụ xét nghiệm bệnh dịch. Tổng thống Donald Trump đã gọi việc này như một trò lừa bịp – ngụ ý nhiều thiệt hại có thể xảy ra hơn nữa đối với nền kinh tế lớn nhất thế giới. Nỗi sợ hãi chỉ tăng vọt khi California xác nhận trường hợp tử vong đầu tiên do Covid-19 và tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Các nhà đầu tư đang nhận ra rằng nền kinh tế mạnh mẽ của Hoa Kỳ và đặc biệt là ngôi nhà của Thung lũng Silicon đang có rất nhiều thứ để mất. Khi Washington tung ra gói ngân sách 8 tỷ đô la đặc biệt để chống lại dịch bệnh này, các nhà đầu tư chưa cảm thấy yên tâm.

Đồng Dollar Mỹ đã có một động lực tăng tốt nhưng chưa đến mức khiến nó vượt trội. Đó là từ chiến thắng của Joe Biden trong các cuộc bầu cử sơ bộ trong ngày Siêu thứ ba của Đảng Dân chủ. Ngài cựu phó tổng thống đang tận hưởng chiến thắng của ông ở Nam Carolina và dùng sự ủng hộ của các đối thủ cũ để áp đảo Thượng nghị sĩ cánh tả Bernie Sanders. Mặc dù cuộc đua còn lâu mới kết thúc, thị trường cảm thấy nhẹ nhõm vì một ứng cử viên có khuynh hướng tốt cho doanh nghiệp hơn hiện đang dẫn trước.

Đồng đô la nhận được thêm hỗ trợ tạm thời từ báo cáo Bảng lương phi nông nghiệp cực tốt trong tháng hai. Đã có thêm 273,000 việc làm mới tương đương với nhiều hơn 85,000 so với tháng trước. Tăng trưởng tiền lương đang ở mức tốt với tỷ lệ 3% hàng năm. Tuy nhiên, thị trường lại nhanh chóng quay trở lại với những lo ngại về dịch bệnh bùng phát.

2. Sự kiện khu vực Euro: sự chú ý dồn vào hành động của ECB

Trái ngược với nước Mỹ bên kia Đại Tây Dương, lục địa già vẫn chưa sẵn sàng trong việc kích thích chính sách tài khóa. Chính phủ Đức miễn cưỡng nới lỏng các giới hạn nợ sau khi dịch bệnh lây lan đè nặng lên đồng euro trong tuần cuối tháng Hai và bị lãng quên sau đó. Nếu bộ trưởng tài chính Olaf Scholz có thể thuyết phục Thủ tướng Angela Merkel thoải mái hơn với chính sách chi tiêu của Berlin, đồng tiền chung Euro có tiềm năng tăng giá.

Cho đến khi điều đó xảy ra, việc điều chỉnh chính sách tiền tệ vẫn là tâm điểm duy nhất. Bà Christine Lagarde, đương kim Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu, đang có một vấn đề rất nan giải. Nếu đẩy mạnh việc cắt giảm lãi suất, điều này khó giúp được gì nhiều cho các nền kinh tế dùng đồng Euro và thậm chí đặt ra áp lực lên các ngân hàng. Hơn nữa, đang có một sự chia rẽ mạnh mẽ giữa hai phe ‘Nới lỏng’ và ‘Thắt chặt’ bên trong Hội đồng quản trị. Đức và các thành viên khác của ECB đã phản đối việc cắt giảm lãi suất và khởi động lại chương trình mua trái phiếu của ngân hàng gần nhất vào tháng Chín. Bà Lagarde thì lại hướng đến mục đích làm dịu căng thẳng và hài hòa các bên lại với nhau bằng cách công bố báo cáo đánh giá chiến lược toàn diện.

Tuy nhiên, nếu Lagarde không hành động, đồng Euro có thể tăng vọt và gây nguy hại đến xuất khẩu châu Âu đồng thời đẩy lạm phát xuống thấp hơn. Mục tiêu của ECB là duy trì lạm phát ở mức xấp xỉ 2% và như thế thì mức 1.2% trong tháng 2 là quá xa mục tiêu. Hơn nữa, là một chính trị gia hiểu biết, Lagarde muốn được coi là người làm giảm bớt áp lực – giống như các nhà hoạch định chính sách khác trên toàn thế giới.

Một bước đi táo bạo và hiệu quả hơn sẽ là đẩy mạnh chương trình nới lỏng định lượng (QE) từ 20 tỷ euro mỗi tháng lên mức cao nhất là 80 tỷ euro mà ECB đã từng làm cách đây vài năm. Nếu vậy, họ sẽ cần nới lỏng các quy tắc về chính sách và Lagarde sẽ cần phải làm thêm việc thuyết phục những ý kiến trái chiều khác ở Frankfurt.

Nhìn chung, việc lựa chọn đi theo hướng nào cũng đều khó khăn. Đối với đồng Euro, việc cắt giảm lãi suất thêm 10 điểm cơ bản xuống mức -0.60% khiến chi phí đi vay giảm sâu hơn hoặc thông báo một bước đột phá trong chương trình QE sẽ làm giảm giá trị của đồng tiền chung châu Âu. Không hành động sẽ đẩy giá trị đồng tiền đi lên.

Một vài sự kiện đáng chú ý khác có thể ảnh hưởng đến đồng Euro. Số liệu sản lượng công nghiệp của Đức đã lao dốc thảm hại vào tháng 12 giờ đây được dự báo sẽ phục hồi trong tháng một. Tháng Một là giai đoạn Corona chưa bùng phát và nếu chỉ số này gây thất vọng thì sẽ gây áp lực đè nặng lên đồng tiền chung.

Chỉ số GDP trong quý IV có khả năng xác nhận xu hướng tăng nhẹ của khối 19 nước thành viên trong khi đó, sản lượng công nghiệp của khối liên minh châu Âu trong tháng 1 vừa qua bị ảnh hưởng nặng nề từ số liệu của Đức. Dưới đây là lịch các sự kiện kinh tế sắp tới liên quan tới đồng Euro.

3. Sự kiện tại Hoa Kỳ: Covid-19 và các chỉ số tiêu dùng

Đồng Dollar Mỹ sẽ biến động theo số lượng ca nhiễm virus tại Mỹ, kỳ vọng hành động của Cục Dự trữ Liên bang và phản ứng của chính phủ đối với dịch bệnh này. Với số lượng bộ xét nghiệm nhanh virus vẫn đang được sản xuất và chưa nhiều lệnh hạn chế di chuyển, số lượng các ca nhiễm có thể còn tăng lên. Sau đó, các nhà kinh tế có thể dự báo tăng trưởng thấp hơn và nhiều làn sóng cắt giảm lãi suất - đều là các yếu tố làm giảm giá trị đồng Dollar.

Tổng thống Donald Trump và Quốc hội có thể đưa ra các hành động thay đổi lộ trình này bằng cách tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng và tăng chi tiêu khác - không chỉ để chống lại virus mà còn thúc đẩy nền kinh tế. Điều kiện hiện tại ở Washington có vẻ chưa thuận lợi cho các hành động khẩn cấp nhưng có thể đợi trong thời gian tới.

Cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ và các vòng bỏ phiếu tiếp theo tiếp tục có thể gây ảnh hưởng lên đồng Dollar. Nếu Biden tiếp tục giành được sự ủng hộ, đồng bạc xanh có nhiều cơ hội tăng giá. Nếu Sanders có những bước tiến để giành lại vị trí của mình, đồng đô la có thể giảm.

Ngoài ra còn có hai chỉ số kinh tế cũng có ý nghĩa quan trọng. Thứ nhất, đó là Báo cáo Chỉ số Tiêu dùng trong tháng 2 (CPI) dự báo sẽ giảm từ 2.5% xuống 2.3%. Quan trọng hơn, CPI cơ bản được dự đoán sẽ không thay đổi quanh mức 2.3%. Có lẽ còn quá sớm để thấy tác động của virus lên giá cả. Trong tương lai, cú sốc thiếu hụt nguồn cung có thể đẩy lạm phát cao hơn. Thứ hai là bản công bố khảo sát về Tâm lý Tiêu dùng (Consumer Sentiment) của Đại học Michigan cho tháng 3. Đây có thể là báo cáo phản ánh lo ngại của đám đông về bệnh tật chăng? Dự báo đang theo hướng giảm nhẹ, nhưng bất ổn là cao.

Dưới đây là lịch các sự kiện kinh tế sắp tới liên quan tới đồng Dollar

4. Phân tích kỹ thuật EUR/USD

Cặp EUR/USD đã tăng vọt lên trên 3 đường trung bình động quan trọng (50 ngày, 100 ngày và 200 ngày) và động lượng tăng giá của EUR/USD vẫn duy trì. Mặt khác, chỉ báo sức mạnh tương đối RSI đang quanh ngưỡng 70 báo hiệu cặp tiền rơi vào vùng quá mua.

Các chỉ báo kỹ thuật hiện tại đang cho thấy EUR/USD nên có một nhịp điều chỉnh giảm trước khi tăng bền trở lại. Xu hướng tăng của cặp tiền này đã được xác nhận khi mà giá đã phá qua mốc kháng cự mạnh đã tồn tại kể từ đầu 2019 đến nay.

Tổng quan mà nói thì một nhịp điều chỉnh sẽ là tiền đề cho một sóng tăng mới.

Vùng giá hỗ trợ khoảng 1.1285, từng là mức giá kháng cự từ giữa năm 2019. Nếu bị thủng hỗ trợ trên, rất có thể giá quay về vùng 1.1240 – mức đỉnh của tháng 12. Tiếp theo, mô hình 3 đỉnh cũ ở mức 1.1170 cũng là một vùng giá hỗ trợ quan trọng. Sau đó đến mức 1.1050 cũng đóng vai trò cả hỗ trợ và kháng cự trong quá khứ, theo sau đó là mức 1.0980, điểm thấp nhất trong tháng 12. Xa hơn nữa là các mốc 1.0925 và 1.0880.

Mức kháng cự đầu tiên là 1.1350, đây là mức cao nhất mà EUR/USD chạm đến từ tháng 6/2019. Tiếp theo là các mốc 1.1405 là vùng giá cao trong mùa hè. Theo sau đó bởi các vùng 1.1450, đỉnh của mùa xuân. Xa hơn là các mốc 1.1515 và 1.1550.

5. Phân tích tâm lý EUR/USD

Nếu ECB không có hành động nào đáng chú ý, EUR/ USD có khả năng tăng giá. Động lực tăng của EUR còn mạnh hơn nếu Đức ra tay kích cầu và rủi ro cho phe mua EUR/USD đến từ bên ngoài rằng Mỹ ngăn chặn thành công được căn bệnh Covid-19. Tóm lại, chiều hướng đang ủng hộ phe mua EUR/USD.

Cuộc khảo sát của FXStreet đang cho thấy các chuyên gia đang hoài nghi về đợt tăng gần đây và xu hướng giảm chính trên tất cả các khung thời gian. Trong khi mục tiêu ngắn hạn đã được nâng lên, các mục tiêu trung và dài hạn hầu như không thay đổi.

Broker listing

Cùng chuyên mục

Chính sách tiền tệ của các NHTW: Những "ngọn núi" trắc trở cần phải vượt qua
Trần Quốc Khải

Trần Quốc Khải

Junior Editor

Chính sách tiền tệ của các NHTW: Những "ngọn núi" trắc trở cần phải vượt qua

Các NHTW đã bắt đầu chu kỳ giảm lãi suất từ đỉnh lạm phát hậu đại dịch với cả sự lạc quan và lo lắng. Khi năm 2024 dần khép lại, thực tế đã định hình rõ hơn, sự lo lắng chiếm ưu thế, và lãi suất được tái điều chỉnh phù hợp. Điều này đã trở thành xu hướng ngay cả trước khi Fed tổ chức một cuộc họp mang tính hawkish mạnh mẽ trong tuần này.
Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ